"Nhà đầu tư dự án BOT đôi khi bị đối xử như… tội đồ"
Ngày 7/6, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) theo hình thức hợp đồng BOT và BT giai đoạn 2011 - 2015.
Theo báo cáo, giai đoạn 2011 – 2015, Bộ GTVT đã triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, huy động tối đa mọi nguồn lực để tạo ra đột phá trong phát triển KCHTGT. Vì vậy, trong giai đoạn 2011 - 2015 đã huy động được khoảng 186.660 tỷ đồng để đầu tư 62 dự án theo hình thức hợp đồng BOT và BT. Đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác 26 dự án với TMĐT 74.806 tỷ đồng. Đang triển khai đầu tư 36 dự án với TMĐT 111.854 tỷ đồng.
Theo đánh giá, việc triển khai đầu tư phát triển hệ thống KCHTGT vừa đảm bảo mục tiêu phát triển phát triển kinh tế xã hội, vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giảm áp lực nợ công, kích cầu đối với sản xuất trong nước. Chính yếu tố này đã tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và trực tiếp làm tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế…
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tasco cho rằng, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách nhà nước hạn hẹp, việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là rất cần thiết nhưng cần bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước và người dân.
Theo ông Dũng, điều này, trong thời gian qua, Bộ GTVT đã làm rất tốt. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị đạt được khi đầu tư các dự án BOT vẫn có những vấn đề còn hạn chế như thủ tục đầu tư dự án còn phức tạp, liên quan đến quá nhiều cơ quan chức năng chứ không chỉ riêng Bộ GTVT.
Nhiều tuyến cao tốc đã được xây dựng nhờ nguồn vốn BOT. |
“Các dự án BOT có quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm toán làm việc với cùng một nội dung. Trong bối cảnh hiện tại, đầu tư vào giao thông thu được lợi nhuận rất hạn chế nhưng đôi khi nhà đầu tư bị áp lực từ dư luận xã hội rất lớn, bị đối xử như...tội đồ. Tuy nhiên, từ vị trí của một người dân tôi thấy cần phải rà soát lại các dự án BOT giao thông, tạo điều kiện và lựa chọn tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp”, ông Dũng nói.
Tham dự hội nghị, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, hội nghị là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ Tài chính lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Bà Mai cho biết, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT, ban hành các thông tư liên quan đến quá trình quản lý dự án theo PPP, tất cả thông tư ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan nhà nước, nhà đầu tư triển khai, thực hiện.
Theo bà Thứ trưởng Bộ Tài chính, hiện nay có 56 trạm thu phí thực hiện, trong đó có 12 trạm thu phí thu phí theo thông tư 90, 44 trạm thu phí thu phí theo các thông tư đã ban hành. Căn cứ vào hợp đồng, Bộ GTVT đã ký với nhà đầu tư, trong đó có quy định mức thu phí với nhà đầu tư, Bộ GTVT chủ trì và đã lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành.
Tuy nhiên, theo bà Mai, thời gian qua, các dự án PPP còn một số tồn tại, hạn chế, chính những hạn chế này cần phải nhìn nhận, đánh giá để có hướng giải quyết.
“Chính phủ đã giao Bộ GTVT và Bộ Tài chính thống nhất về mức phí, hai Bộ cũng đã làm việc với nhau, dự kiến trong tháng 6/2016 sẽ báo cáo Chính phủ, để sớm thực hiện điều chỉnh mức phí cho phù hợp”, bà Mai cho biết.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cũng thẳng thắn nhìn nhận, quá trình đầu tư phát triển một dự án hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công - tư là một quá trình phức tạp hơn rất nhiều phương pháp đầu tư công truyền thống. Điều này đòi hỏi các bên liên quan, cả cơ quan quản lý nhà nước các cấp và nhà đầu tư, ngân hàng, người sử dụng... phải có một cách tiếp cận thích hợp để có thể thực hiện thành công các dự án loại này, trong đó phải bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước - nhà đầu tư - người sử dụng.
"Trong bối cảnh đó, giai đoạn vừa qua, do tính chất mới của hình thức đầu tư này, có thể nói hầu hết các chủ thể tham gia đều chưa sẵn có kinh nghiệm; thể chế điều chỉnh hình thức đầu tư PPP nói chung, BOT và BT nói riêng, chưa hoàn chỉnh nên việc triển khai xã hội hóa đầu tư trong thực tiễn vẫn bộc lộ một số bất cập, tồn tại như: Hành lang pháp lý cho việc kêu gọi các nguồn lực ngoài ngân sách tham gia đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực của ngành GTVT còn nhiều điểm chưa thống nhất, đồng bộ; Các nhà đầu tư và các ngân hàng cung cấp tín dụng cũng chỉ chủ yếu là tổ chức, doanh nghiệp trong nước, chưa kêu gọi được nhà đầu tư nước ngoài; Chính sách phí chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội, việc quản lý nguồn thu phí cần chặt chẽ và minh bạch hơn; Chất lượng xây dựng và bảo trì một số dự án chưa đạt yêu cầu...", Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định, việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng đã được khẳng định trong các Nghị quyết của Đảng. Đây cũng là một xu thế tất yếu trong bối cảnh của nền kinh tế nước ta. Đây cũng là một công cụ để nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công; giảm gánh nặng ngân sách cho Chính phủ, góp phần tái cơ cấu đầu tư và giảm bội chi ngân sách.
Bên cạnh đó, thông qua hợp tác công - tư, chất lượng nguồn nhân lực của khu vực công cũng được cải thiện, giảm chi phí và ổn định được việc cung cấp dịch vụ; nâng cao tính cạnh tranh trong thị trường, cũng như xóa bỏ dần chế độ độc quyền, bao cấp, bảo hộ của nhà nước.