Nhà báo "quốc tế" và bệnh háo danh của người Việt !
Đây là quan điểm của PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia (Bộ Văn hóa –Thể thao- Du lịch) chia sẻ với Infonet xung quanh vụ lùm xùm bằng cấp của nhà báo “quốc tế” và nạn háo danh ở nước ta.
Thói trọng bằng cấp đang rất phổ biến trong xã hội
Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam Bùi Hoài Sơn cho biết, trước hết tôi phải nói rằng, người Việt chúng ta có rất nhiều đức tính tốt. Nhờ phẩm chất tốt đẹp của mình, dân tộc Việt Nam mới có thể gìn giữ và phát triển đất nước. Những đức tính như lòng yêu nước, cần cù lao động, thân thiện, ham học… đã giúp đất nước chúng ta có những thành quả tốt đẹp như ngày hôm nay.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn trả lời phỏng vấn Infonet. |
Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là chúng ta không được phép nói về những tính xấu của người Việt. Không chỉ riêng ta, các nước trên thế giới, gần gũi nhất có thể kể ra như Nhật Bản và Trung Quốc, vẫn kể tên những thói quen xấu, tính cách xấu của họ như một hình thức phản tỉnh, từ đó giúp đất nước đi lên theo đúng quy luật hướng thiện.
Đối với người Việt chúng ta, không phải đến bây giờ, mà từ khá lâu rồi, nhiều học giả đã nói đồng thời phê phán rất nhiều về thói háo danh. Ngay từ những năm đầu của thế kỷ trước, các học giả như Đào Duy Anh trong Việt Nam Văn hóa sử cương xuất bản năm 1938 hay Nguyễn Văn Huyên trong Văn minh Việt Nam xuất bản năm 1944 cũng đã đề cập đến vấn đề này đủ để chúng ta thấy, đây không phải là vấn đề mới, mà dường như là một tính cách khá phổ biến của người Việt trong lịch sử cũng như hiện nay.
“Dù bản thân tôi nghĩ rằng, không phải ai cũng có thói xấu này, nhưng những gì mà Đào Duy Anh nói về người Việt là “hay khoe khoang, trang hoàng bề ngoài, ưa hư danh”. Theo tôi, cũng đáng để chúng ta xem xét khi nó có thể đúng với hầu hết các nhóm người Việt, bất kể sang hèn hay nghề nghiệp khác nhau. Có thể cách thức thể hiện điều này đa dạng, khác nhau mà thôi!”, PGS Hoài Sơn nói.
Ông Sơn viện dẫn "Chúng ta đã từng nghe rất nhiều câu tục ngữ kiểu như “một miếng giữa đàng hơn một sàng xó bếp”, “nhất sĩ, nhì nông”, hay nạn mua quan, bán tước xảy ra trong quá khứ để thấy, những dấu vết của hiện tượng này.
Bối cảnh xã hội hiện nay có thể thay đổi, nhưng những tàn dư của những thói quen cũ chưa hẳn mất ngay. Giờ đây, chúng ta thấy thói trọng bằng cấp vẫn đang rất phổ biến trong xã hội".
“Tôi không nói rằng bằng cấp không tốt. Tôi chỉ nói rằng, việc đề cao bằng cấp mà không phải thực học, học để lấy kiến thức cho bản thân, phục vụ xã hội, sẽ có tác dụng tiêu cực đối với sự phát triển cá nhân và xã hội. Vì bằng cấp, người ta có thể làm tất cả để đạt được danh hiệu này; và khi có bằng cấp, người ta cố gắng khoe bằng được những thành tích của mình.
Đó là biểu hiện của thói háo danh hiện nay. Điều này càng nguy hại hơn khi xã hội cũng lấy bằng cấp là một thước đo cho trình độ và uy tín của một cá nhân cụ thể. Một số cơ quan nhà nước, một số địa phương, dù không nhiều liên quan đến bằng cấp, nhưng lại lấy đây làm điều kiện để xét tuyển, bổ nhiệm. Điều này đi ngược lại so với xu hướng chung của các nước trên thế giới và vô tình khiến tình trạng háo danh ở nước ta ngày càng trầm trọng hơn”, PGS. TS Hoài Sơn nhấn mạnh.
Căn nguyên… chạy chức
Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia cũng lưu ý, hệ lụy của thói háo danh là vô cùng lớn đối với cá nhân và xã hội. Ông Sơn kể lại, ông từng nhận những danh thiếp của những người liệt kê kín những danh hiệu, chức vụ đã và đang nắm giữ của họ, khiến cho người nhận lúng túng không biết họ thực sự đang làm gì.
Nhà báo "quốc tế" Lê Hoàng Anh Tuấn. |
“Tôi cũng chứng kiến khá nhiều người không xứng đáng với những danh hiệu nhưng bằng mọi cách, họ vẫn cố kết để có được những danh hiệu không xứng đáng này. Tôi cho rằng, như cha ông chúng ta từng nói “y phục xứng kỳ đức”. Chúng ta cần phải xứng đáng với những danh hiệu mà chúng ta có. Nếu không, xã hội sẽ có những rối loạn nhất định.
Những rối loạn có thể là, chúng ta có thể đặt những người không đúng trình độ vào những vị trí không thuộc về họ. Khi những người đó ngồi chỗ không thuộc về mình, một mặt, họ không thực hiện được nhiệm vụ, chức trách của mình, làm ảnh hưởng xấu đến công việc chung, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội; mặt khác, họ làm cho những người có năng lực, nhưng có thể vì lý do này hay lý do kia, không có được những bằng cấp, danh hiệu nên không được đặt vào đúng vị trí xứng đáng cảm thấy hụt hẵng, mất ý chí phấn đấu”, ông Sơn bày tỏ.
Bên cạnh đó, vì “danh hão” nhiều người có thể làm những việc như chạy chức, chạy quyền, chạy bằng hay khoe khoang tiền của, nhà cửa, xe cộ… Và cuối cùng, căn bệnh này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, khi người dân không thể phân biệt thật giả trong bằng cấp, trong vị trí và trong công việc. Từ hệ lụy này sẽ dẫn dắt đến các hệ lụy từ đau lòng đến khôi hài khác trong xã hội.