Nguyên TBT Đỗ Mười – Người chặn đứng cuộc lạm phát lớn chưa từng có
Lắng nghe từ thực tiễn
Để có những bước đi đột phá trong kinh tế, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từ khi còn là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ) đã trực tiếp, sâu sát và lắng nghe những kiến nghị từ các địa phương.
Giai đoạn cuối những năm 70 và đầu những năm 80 của thế kỷ trước, trong bối cảnh tư duy kinh tế còn nhiều vướng mắc, các biện pháp tháo gỡ không thể bắt đầu từ cơ chế hay quan điểm, mà từ bản thân cuộc sống ở cơ sở. Đó là những mũi đột phá của các địa phương, các đơn vị kinh tế như: Khoán hộ ở Hải Phòng và Vĩnh Phú, Xí nghiệp đánh cá Côn Đảo – Vũng Tàu, Công ty Lương thực TP.HCM, pháp giá thu mua lúa ở An Giang, áp giá cơ chế thị trường ở Long An, Xí nghiệp Dệt Thành Công,…
Câu chuyện của Xí nghiệp Dệt Thành Công là một ví dụ. Năm 1979, sản lượng vải của xí nghiệp là 4,2 triệu mét. Sau khi cải tạo, đến năm 1980, sản lượng giảm xuống còn 2,5 triệu mét. Nguyên liệu không đủ, điện không đủ, tiền lương không đủ, công nhân phải đi về các tỉnh xin đất trồng lương thực, xin đi gặt thuê cho các HTX để lấy gạo ăn.
Từ cuối năm 1980, Xí nghiệp quyết định xin vay Vietcombank 180.000 USD để nhập nguyên liệu, phụ tùng và sản xuất được 120.000 mét vải, đem bán cho các công ty XNK lấy ngoại tệ. Sau khi bán xong số vải kể trên, không những xí nghiệp đủ ngoại tệ để trả cả vốn lẫn lãi cho Vietcombank, mà còn dư ra 82.000 USD để tiếp tục quay vòng sản xuất. Cứ như vậy, đến năm 1985, sản lượng của nhà máy lên tới 8,3 triệu mét, cán bộ công nhân viên có việc làm, có thu nhập cao,…
Trên cơ sở những thành tựu đó, theo sáng kiến của Bí thư Thành ủy TP.HCM khi đó là đồng chí Võ Văn Kiệt, Liên hiệp Dệt đã tổ chức một Hội nghị tại Phước Long để Giám đốc Dệt Thành Công báo cáo những kinh nghiệm tháo gỡ khó khăn. Hội nghị này đã mời đông đảo các lãnh đạo cấp cao của Trung ương, gồm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Phó Thủ tướng Phạm Hùng, Phó Thủ tướng Đỗ Mười.
Những thành tích cụ thể của Dệt Thành Công và một số xí nghiệp được báo cáo tại Hội nghị đã có tính thuyết phục rất lớn đối với những lãnh đạo ở Trung ương.
Ông Nguyễn Văn Dễ (khi đó là Phó TGĐ Vietcombank) kể lại: “Anh Lưu Ngọc Phải, Giám đốc Sở Công nghiệp Thanh Hóa có gặp tôi, xin vay 15.000 USD để nhập đầu lọc sản xuất thuốc lá bán ở vùng mỏ. Tôi chấp nhận. Nhưng lúc đó, Bộ chủ quản (Bộ công nghiệp Thực phẩm) khó có thể chấp nhận được việc cho vay ngoại tệ ngoài kế hoạch, giúp Thanh Hóa làm ra thuốc lá đầu lọc của địa phương, cạnh tranh với thuốc lá không có đầu lọc của nhà máy Trung ương.
Tôi bị anh Đỗ Mười, lúc đó là Phó Thủ tướng, chất vấn ngay giữa một cuộc họp với các ngành kinh tế, trong đó có chị Phương Mai, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Thực phẩm cùng dự. Tôi vừa bước vào, chưa rõ “ngô khoai”, anh Đỗ Mười chỉ vào tôi nói: “Cha này gớm thật, dám lấy đô la cho Dệt Thành Công vay ngoài kế hoạch, nay lại cho Nhà máy Thuốc lá Bông Sen tiêu xài lãng phí…”
Tôi bình tĩnh giải trình có tình, có lý rằng, đây không phải tiêu phí ngoại tệ, mà ngược lại, là cách để giảm chảy máu ngoại tệ, dùng ngoại tệ để sản xuất ra hàng và thu ngoại tệ nhiều hơn. Cuối cùng, anh Mười nói: “Ừ, cha này có lý, làm được đấy.”
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười |
Những chuyển biến ngoạn mục
Từ cuối năm 1985, trước những biến động phức tạp của kinh tế, đặc biệt là lạm phát, Bộ Chính trị đã thành lập “Tiểu ban Cơ chế mới” trực thuộc Bộ Chính trị, do 6 Ủy viên Bộ Chính trị, trong đó có đồng chí Đỗ Mười, phân công nhau phụ trách từng lĩnh vực.
Việc thành lập “Tiểu ban Cơ chế mới” đã dẫn đến sự nở rộ của các “think tank”. Ngày 9/6/1986, Tiểu ban Nghiên cứu giải pháp cấp bách về Tài chính – Tiền tệ - Giá cả được thành lập, trực thuộc Bộ Chính trị. Có thể nói, đây là một “think tank” lớn nhất trong lịch sử tư duy kinh tế Việt Nam từ trước tới lúc đó. Trực tiếp tham gia điều hành Tiểu ban này là các Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư như: Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười, Nguyễn Cơ Thạch, Nguyễn Lam. Trong đó, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười trực tiếp phụ trách Tổ vật tư.
Theo nhận xét của Sử gia kinh tế Đặng Phong, cùng với cố Tổng Bí thư Trường Chinh, Đỗ Mười là hiện tượng khá đặc sắc của công cuộc chuyển đổi ở Việt Nam. Với cá nhân Đỗ Mười, từ hai cuộc cải tạo tư sản ở miền Bắc năm 1958-1960 và của miền Nam năm 1978 đến Đỗ Mười của năm 1989 là những sự chuyển biến rất ngoạn mục. Những người xây dựng và bảo vệ triệt để nhất mô hình kinh tế cũ lại cũng chính là những người sửa đổi nó một cách táo bạo và kiên quyết nhất.
Sau nhiều năm tranh luận kéo dài, từ đầu năm 1989, giải pháp được lựa chọn để chống lạm phát là nâng lãi suất tín dụng và lãi suất cho vay lên sát lãi suất thị trường. Khi đó, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đã nhiều lần lắng nghe khái niệm về “lãi suất dương” và kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới trong việc sử dụng công cụ “lãi suất dương” để chống lạm phát thành công.
“Trong sự lựa chọn phương án này, phải kể đến vai trò rất lớn của Đỗ Mười. Ông đã có những lựa chọn táo bạo trong việc chống lạm phát: Kiên quyết đưa lãi lên trên mức trượt giá,” Sử gia kinh tế Đặng Phong nhận định.
Trong nhiều thập niên trước đó, có một sự vô lý kinh niên là lãi suất tiết kiệm và lãi suất cho vay thường thấp hơn mức trượt giá. Đến nỗi, người gửi tiền cảm thấy càng gửi nhiều thì tài sản của mình càng bị teo lại - “Gửi một con gà, lấy ra chỉ được một quả trứng”. Với cơ chế như thế không thể nào huy động được tiền gửi tiết kiệm trong dân chúng, nếu không dùng đến những biện pháp hành chính như mặc nhiên trích lương của cán bộ công nhân viên chức để đưa vào sổ tiết kiệm, hoặc vận động Đảng viên, Đoàn viên mua công trái,…
Trong lĩnh vực tín dụng, mức lãi suất ưu đãi bằng 0 hoặc chỉ tính tượng trưng là 1-2,5%/năm, trong khi mức lạm phát lên tới vài chục, thậm chí vài trăm phần trăm, thì xí nghiệp hay hợp tác xã chỉ cần được vay thôi, không cần kinh doanh gì cả, mà chỉ mua dự trữ hàng hóa vật tư lại trong kho, mỗi năm cũng “lãi” gấp đôi gấp ba lần vốn vay.
Sửa cái vô lý này là “bấm huyệt” vào cái huyệt quyết định để bắt “con bệnh” lạm phát. Theo tinh thần đó, tháng 3/1989, Hội nghị Trung ương ra Nghị quyết chống bao cấp về vốn:
“Đối với phần lớn các cơ sở sản xuất kinh doanh, vốn không do ngân sách cấp, mà phải theo nguyên tắc tự vay tự trả của các đơn vị kinh tế… Chủ động tính đến yếu tố trượt giá trong hạch toán kinh doanh đối với tín dụng, thuế và tiền lương.”
Ngày 10/3/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười ra Quyết định 55/CT về lãi suất tiết kiệm. Ông đã lựa chọn quan điểm cơ bản của nhiều chuyên gia kinh tế trong nước và các chuyên gia Việt kiều là: Phải đưa lãi suất lên cao hơn mức trượt giá.
Ngày 13/6/1989, Thống đốc NHNN ra Quyết định số 29/NH/QĐ, đưa mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên 9%/tháng, có kỳ hạn 3 tháng lên 12%/tháng và sẽ điều chỉnh tùy theo mức lạm phát (trước đó mức này là 1,8-2%/tháng).
Biện pháp này đã làm cho tình hình thay đổi nhanh chóng: Từ chỗ hụt tiền, không biết tiêu tiền đi đâu, thì bây giờ, tiền đã dồn vào các ngân hàng và các quỹ tiết kiệm. Kết quả là, cho đến cuối năm 1989, đã thu hút về ngân hàng được 1.900 tỷ đồng, trực tiếp góp phần chống lạm phát và chuyển thành nguồn đầu tư phát triển sản xuất. Do đó, áp lực lạm phát đã giảm đi nhanh chóng.
Cùng với biện pháp lãi suất tiết kiệm, ngày 10/4/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đã ban hành Quyết định 39-HĐBT về lãi suất tiền gửi và cho vay. Theo Quyết định này, lãi suất cho vay cũng phải đảm bảo nguyên tắc có lãi thực, tức là bằng mức lãi suất cơ bản + chỉ số giá.
Ngày 31/5/1989, Thống đốc NHNN ra Quyết định số 73-NH/QĐ về lãi suất cho vay, lãi suất tín dụng vốn lưu động của các xí nghiệp quốc doanh và kinh doanh vật tư, hàng hóa (bao gồm cả xuất nhập khẩu) lên đến 5,4% và sẽ điều chỉnh theo mức trượt giá.
Trước đó, tình trạng bao cấp vốn lưu động đã phát triển tới mức không ngân sách nào chịu được. Dư nợ vốn lưu động của hệ thống ngân hàng chuyên nghiệp cấp cho các đơn vị kinh tế quốc doanh tính đến cuối năm 1987 là 400 tỷ đồng, tăng gấp 3,6 lần so với cuối năm 1986. Năm 1988, con số đó là 1.718 tỷ đồng, gấp 4,3 lần (430%) so với cuối năm 1987. Đây cũng là những năm mà tín dụng tung ra rất mạnh, nhưng tốc độ tăng doanh số thu nợ rất thấp, tình trạng nợ khó đòi là một trong những điều bi đát nhất trong lịch sử ngành ngân hàng tính đến thời điểm 1989.
Biện pháp nâng lãi suất của Đỗ Mười đã có tác dụng công phạt rất mạnh đối với các xí nghiệp vẫn quen với cơ chế xin – cho. Biện pháp nâng lãi suất tín dụng vốn lưu động có tác dụng làm cho các xí nghiệp không thể nào chịu đựng nổi lãi suất cao nếu còn duy trì nhiều vật tư trong kho và dùng quá nhiều vốn lưu động. Họ không có cách sản xuất nào để có thể trả được mức lãi mới cho Nhà nước. Trái ngược với trước đây, họ phải tìm cách bán tống bán tháo những nguồn dự trữ. Tình trạng mất cân đối đã chuyển từ tiền > hàng, sang hàng > tiền. Đó là một trong những yếu tố rất quan trọng nữa góp phần chặn đứng lạm phát.
Trong thời gian giữ cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1991-1997, Tổng Bí thư Đỗ Mười là người chủ trương mở cửa, hội nhập với thế giới. Trong đó đáng chú ý là việc bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ vào năm 1995.