Người Việt Nam ở nước ngoài có cơ hội sở hữu nhà tại quê hương
Nhiều ĐBQH đồng tình với chủ trương cho phép người Việt Nam đang sinh sống tại nước ngoài được quyền sở hữu nhà tại Việt Nam. |
Nhà ở xã hội thêm ưu đãi để mở rộng đối tượng
Theo ĐB Đinh Thị Mai Lan (Cao Bằng), không cần đến con số cụ thể cũng có thể nhìn thấy tình trạng lộn xộn trong quy hoạch xây dựng nhà ở. Ngay ở những thành phố văn minh, tình trạng nhà ở tự phát cũng không được kiểm soát đúng mức, mặc dù chúng ta vẫn đang có luật điều chỉnh. Hệ quả là những khu nhà chắp vá, ổ chuột vẫn tồn tại và khu đô thị mới thì phát triển quá chênh lệch so với điều kiện cơ sở hạ tầng.
ĐB Lan cho rằng, đã đến lúc cần có một cuộc thay đổi mạnh mẽ tổng thể và nhất quán hơn về chính sách nhà ở. Để làm được điều này, trước hết phải xác định được trong luật những ưu tiên.
"Theo tôi nên ưu tiên phát triển loại hình nhà ở chủ đạo là các khu dân cư tập trung, chung cư, hạn chế dần việc xây dựng nhà ở cá nhân, đặc biệt là nhà ở tự phát, nhà để đầu cơ, nhà không theo nhu cầu. Bên cạnh đó Nhà nước cũng có trách nhiệm bảo đảm một tỷ lệ cần thiết nhà ở xã hội".
Liên quan đến loại hình nhà xã hội, ĐB Nguyễn Minh Quang (Hà Nội) phản ánh tình trạng, nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc phát triển nhà ở xã hội, dẫn đến nhiều đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, người thu nhập thấp không có điều kiện để tiếp cận loại nhà ở này.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản lại không thực sự hào hứng với nhà ở xã hội. Bởi lẽ lợi nhuận và khả năng thu hồi vốn thấp hơn rất nhiều so với kinh doanh nhà ở thương mại. Do vậy, nguồn cung về nhà ở xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Để khắc phục tình trạng này, ĐB đang hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cho rằng, dự thảo luật cần đưa ra những cơ chế, chính sách ưu đãi để các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế khác nhau tự bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội hiện nay ở nước ta.
ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng, nhà ở công vụ và một phần nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng vốn ngân sách. Đây là tài sản công do nhà nước làm chủ sở hữu, các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội làm đại diện chủ sở hữu. Vì vậy, luật cần nghiên cứu bổ sung đối tượng này là đối tượng sở hữu nhà ở.
Mở rộng đối tượng sẽ tăng thu thuế và ngoại tệ
Liên quan đến quyền sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, ĐB Thủy tán thành với quy định mở rộng cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có quyền sở hữu nhà ở, nhằm thu hút nhân tài, nguồn lực, góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế và phù hợp với thông lệ quốc tế.
"Chúng ta hạn chế người Việt Nam ở nước ngoài và tổ chức người nước ngoài mua bán nhà ở, trong khi đó chúng ta lại không quản lý được các doanh nghiệp trong nước tự do chuyển nhượng dự án cho các doanh nghiệp nước ngoài. Việc mở rộng đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổ chức người nước ngoài có quyền sử dụng nhà ở, ngoài các lý do trên thì còn nhằm kích thích các lĩnh vực khác phát triển theo, nhà nước cũng thu được ngoại tệ và thu thuế". ĐB Thủy phân tích và đề nghị dự thảo luật cũng cần quy định chặt chẽ để tránh sự cạnh tranh với các đối tượng trong nước có nhu cầu về nhà ở thực sự, cũng như đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cũng nhất trí với dự thảo luật quy định người Việt Nam ở nước ngoài được phép nhập cảnh về Việt Nam thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất mà không bị hạn chế về số lượng và loại nhà ở được sở hữu.
Theo thông tin ĐB Minh thu được thì hiện có hơn 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, với lượng kiều hối hàng năm gửi về nước nhiều chục tỷ đô la. Quy định này giúp cho thị trường bất động sản hoạt động tốt hơn, góp phần phát triển kinh tế, đặc biệt làm cho Việt kiều được gần gũi, gắn bó với quê hương hơn để góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước.