Người dân mong đợi gì từ nghị quyết Hội nghị TƯ 5?
Người dân mong đợi gì từ nghị quyết Hội nghị TƯ 5?
Ngày 15/5, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã bế mạc tại Hà Nội. Hội nghị lần này tập trung giải quyết 4 vấn đề lớn: Tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và những nội dung cần sửa đổi, bổ sung; tổng kết việc thực hiện nghị quyết trung ương (NQTƯ) 7, khóa IX, về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai; sơ kết 5 năm thực hiện NQTƯ 3, khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; xem xét, quyết định một số vấn đề về chính sách xã hội, tiền lương, trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2012-2020 và một số vấn đề quan trọng khác. Theo lời phát biểu khai mạc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đây đều là những vấn đề rất khó, phức tạp, nhạy cảm và rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước, không chỉ trong nhiệm kỳ này mà cả các nhiệm kỳ tiếp theo.
Sau 9 ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, ngày 15/5/2012 Hội nghị đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra.
PV báo điện tử Infonet đã ghi nhận ý kiến của một số người dân xung quanh những nội dung của kỳ họp và mong đợi của họ về NQTƯ lần này.
Ông Bùi Đức Thiện, cán bộ hưu trí phường Thanh Xuân Nam, Thanh Xuân, Hà Nội – Đảng viên 47 năm tuổi Đảng nói: Đảng và Nhà nước ta trong những năm qua đã quan tâm nhiều đến chính sách xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công như: phụ cấp cho thanh niên xung phong; trợ cấp chất độc màu da cam cho những người từng tham gia chiến đấu, công tác trong vùng ảnh hưởng của chất độc màu da cam và con, cháu của họ; cho học sinh, sinh viên nghèo vay vốn học tập; các chế độ dành cho hộ nghèo; …Tuy nhiên công tác tổ chức thực hiện, cơ chế giám sát còn lỏng lẻo đã dẫn đến tình trạng một bộ phận cán bộ thực thi chính sách có hành vi sai trái, tiếp tay cho một số đối tượng trục lợi từ các chính sách này, gây thiệt hại to lớn cho xã hội cả về chính trị lẫn kinh tế (như hành vi làm hồ sơ giả để nhận chế độ trợ cấp dành cho thương binh, nạn nhân chất độc màu da cam, phụ cấp dành cho thanh niên xung phong, hộ nghèo, …);
Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí còn chưa được thực hiện một cách nghiêm minh, triệt để, đôi khi còn mang tính hình thức. Việc xử lý chưa đảm bảo tính răn đe mặc dù pháp luật nghiêm minh.
Ông Bùi Đức Thiện |
Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, những chính sách xã hội , tiền lương .. đưa ra thời gian qua góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo an sinh xã hội, thể hiện một nỗ lực lớn, đáng ghi nhận của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên Đảng và Nhà nước cũng cần phải xử nghiêm những vụ án điểm về tham nhũng để đảm bảo tính răn đe của pháp luật, tránh tình trạng coi thường pháp luật có thể khiến tham nhũng, lãng phí trở thành quốc nạn.
Luật sư Đinh Thế Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Bách Sự Thuận – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: Nhiều chính sách, quy định pháp luật về đất đai hiện nay có nhiều bất cập, đôi khi còn mâu thuẫn, đặc biệt về vấn đề thu hồi đất, đã dẫn đến tình trạng cả Nhà nước và người có đất đều “thất thu” còn quyền lợi lại chảy vào túi một nhóm người. Do vậy, Ban chấp hành Trung ương cần đẩy mạnh và nhanh hơn nữa việc hoàn thiện những chính sách về đất đai, từ đó có thể ngăn chặn và giảm thiểu được nhiều vấn đề tiêu cực trong xã hội như: tham nhũng, tệ nạn xã hội từ sự thất nghiệp do đất đai bị thu hồi hết, nghề nhiệp được đào tạo chuyển đổi không phù hợp với thực tế ở địa phương, …
Luật sư Đinh Thế Hùng |
Còn chị Nguyễn Thị Hiền, một nông dân ở xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, Hưng Yên mong muốn: Bao đời nay, hầu hết người nông dân đều sống dựa vào mảnh đất nông nghiệp. Do đó, Đảng và Nhà nước cần có chính sách đảm bảo cho người nông dân được sử dụng mảnh đất của họ lâu dài. Có như vậy, họ mới an tâm học hỏi, đầu tư các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp. Ngoài ra, Đảng và Nhà nước cũng cần có nhiều chính sách hơn nữa dành riêng cho người nông dân như: hưu trí, bảo hiểm y tế, … giúp người nông dân giảm bớt gánh nặng trong cuộc sống.
Kiên trung