Người chỉ huy trung đoàn dẫn quân thần tốc, nửa đêm vượt sông tiến vào Sài Gòn ngày 30/4
Mỗi khi nhớ về ngày 30/4 lịch sử, người lính Nguyễn Sơn Văn (76 tuổi, trú xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu, Nghệ An) lại dâng lên sự xúc động khó tả. Những ký ức về năm tháng chiến tranh hào hùng luôn sáng rực trong tâm trí ông
Đại tá Nguyễn Sơn Văn bồi hồi kề lại thời khắc đánh chiếm Dinh độc lập ngày 30/4/1975. |
18 tuổi lên đường...
Năm 1963, khi tròn 18 tuổi, việc học hành còn dang dở nhưng thanh niên Nguyễn Sơn Văn (SN 1945, quê xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu, Nghệ An) đã xung phong lên đường nhập ngũ.
Sau thời gian huấn luyện tân binh, tháng 12/1963, chiến sĩ trẻ Nguyễn Sơn Văn thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 803, Sư đoàn 324.
Người lính trẻ có mặt làm nhiệm vụ quốc tế trên chiến trường Lào, tham gia chiến dịch giải phóng Luông Nậm Thà, chiến dịch 74A -74B, bảo vệ vùng căn cứ địa 2 tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng (Lào).
Năm 1966, ông vào chiến trường miền Nam trong đội hình Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 với cấp bậc Thiếu úy rồi được bổ sung về Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 làm trợ lý tác chiến Trung đoàn.
Ông tham gia nhiều trận đánh lớn ở mặt trận Bình Trị Thiên, điển hình như: Chiến dịch đường 9 Nam Lào, đánh chiếm và chốt giữ Thành cổ Quảng trị…
Ông Nguyễn Sơn Văn xúc động nhớ lại, ngày 26/3/1975, khi đang chốt giữ ở Thượng Đức (Quảng Nam) chúng tôi nhận được lệnh hành quân ra đường 14 mở đường tiến về Đà Nẵng đánh chiếm sân bay Nước Mặn. Toàn bộ Trung đoàn bừng khí thế vừa hành quân vừa diệt địch, hoàn thành giải phóng Đà Nẵng. Sau đó, tiến vào Nam đập tan các cứ điểm phòng thủ khác của địch ở Phan Rang, Hàm Tân (Bình Thuận) vào rạng sáng 22/4/1975.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trận quyết chiến của cuộc kháng chiến chống thực dân Mỹ, Trung Đoàn 66, Sư đoàn 304, nằm trong đội hình Binh đoàn tiến sâu của Quân đoàn 2, với nhiệm vụ là đánh chiếm Dinh Độc Lập, Đài phát thanh, Bộ Tư lệnh Hải quân, cảng Ba Son. Trung đoàn 66 là lực lượng đi đầu cùng với xe tăng có nhiệm vụ đánh chiếm Dinh Độc Lập.
Khi đó ông Nguyễn Sơn Văn là người chỉ huy Trung đoàn 66.
Ông Nguyễn Sơn Văn (người ngồi giữa) cùng các đồng chí trong chỉ huy Trung đoàn 66 bàn phương án tác chiến. (Ảnh tư liệu) |
Thời khắc lịch sử
Vào 23h ngày 29/4/1975, đội hình tấn công vượt qua cầu sông Buông, vượt qua cầu Sa Lộ (Biên Hòa, Đồng Nai). Đến gần 6h sáng 30/4/1975, Binh đoàn tiến sâu vào cầu Sài Gòn, gặp sự kháng cự quyết liệt của địch tại đây. Tuy nhiên trước khí thế tiến công như vũ bão của quân giải phóng, tiểu đoàn phòng ngự của địch ở đây đã "không đánh mà tan".
Đường tiến vào Dinh Độc Lập vắng ngắt. Hơn 10h ngày 30/4/1975, Trung đoàn 66 đã có mặt ở cổng Dinh, phối hợp cùng các đơn vị khác bao vây, giải phóng thành lũy cuối cùng của địch.
“Thời điểm này, chiếc cổng phụ của Dinh Độc Lập đã mở, tôi cùng Đại úy Phạm Xuân Thệ - Trung đoàn phó Trung đoàn 66, ngồi trên chiếc xe Zep tiến vào. Trung đoàn 66 là đơn vị bộ binh đầu tiên có mặt ở Dinh Độc Lập vào sáng ngày 30/4. Chúng tôi chứng kiến khoảnh khắc sụp đổ của chính quyền Sài Gòn khi lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam được kéo lên…", Đại tá Nguyễn Sơn Văn bồi hồi kể lại.
11h30’ ngày 30/4/1975, nghe tiếng Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trên sóng phát thanh, những người lính cụ Hồ vượt ngàn trùng xa xôi lửa đạn đã cùng sức mạnh quân dân cả nước nối liền một dải non sông, nước mắt hòa lẫn nụ cười.
Đại tá Văn xúc động: “Trước thời khắc lịch sử ấy, không riêng gì bản thân tôi mà toàn thể mọi cán bộ, chiến sĩ đều vui sướng đến phát khóc. Vui sướng vì nhiệm vụ đã hoàn thành, khóc vì đau lòng thương tiếc đồng đội nằm lại khắp các chiến trường. Chứng kiến cảnh người dân Sài Gòn cầm cờ hoa tràn ra khắp các ngả đường hò reo và vẫy chào bộ đội giải phóng, suốt cuộc đời người lính chúng tôi không thể nào quên được”.
Với nhiều năm cống hiến, ông Nguyễn Sơn Văn được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng xứng đáng. |
Sau ngày giải phóng, Đại tá Nguyễn Sơn Văn tiếp tục chỉ huy đơn vị lên Tây Nguyên dẹp loạn Phun-rô rồi ra Bắc học lớp đào tạo sỹ quan cao cấp. Đến năm 1977, ông đi học, sau đó làm Hiệu trưởng trường Quân chính, Quân đoàn 2 (trường đào tạo cán bộ, sỹ quan lúc đó) rồi chuyển qua nhiều đơn vị khác nhau cho đến năm 1993 ông về nghỉ hưu.
Thú vui giản dị trong cuộc sống đời thường của Đại tá Nguyễn Văn Sơn |
“Năm tháng ngày một lùi xa nhưng ký ức đau thương, hình ảnh người thân và đồng đội, diễn biến từng trận đánh lớn mình tham gia và niềm vui trong ngày toàn thắng vẫn luôn in đậm trọng ký ức. Đó là nguồn sức mạnh tinh thần giúp tôi vượt qua được những khó khăn, vất vả trong cuộc đời”, Đại tá Văn chia sẻ.
Bảo Trâm