Người cận vệ già và những ký ức về Bác Hồ
Những ngày này, khi cả nước đang tưng bừng đón chào ngày Quốc khánh thì nỗi nhớ vị Cha già của dân tộc lại ùa về với người lính cận vệ già với biết bao kỷ niệm. Ông là Tiến sĩ Trần Viết Hoàn, nguyên Giám đốc Khu di tích Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, người được vinh dự tham gia bảo vệ Bác trong 5 năm cuối đời của Người.
Học ở Người tình thương bao la
Lần đầu tiên nhìn thấy Bác Hồ ở ngoài đời vào năm 1963, ông Trần Viết Hoàn khi đó đang là sinh viên khoa tiếng Nga, trường Đại học Ngoại ngữ, được phân công đi đón Chủ tịch Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ sang thăm Việt Nam theo lời mời của Bác Hồ.
Năm 1964, ông được Bộ Công an sang trường Ngoại ngữ xin về để đào tạo khóa học viên cảnh vệ đầu tiên. Ra trường, ông được phân công về Đội 1 - Cục Cảnh vệ, là đơn vị chuyên bảo vệ nơi ở và nơi làm việc của Bác Hồ.
Nhớ về những ngày mới ra trường được giao nhiệm vụ vinh quang, ông Trần Viết Hoàn kể: “Chúng tôi trực tiếp tham gia bảo vệ Bác tại nơi ở và nơi làm việc của Người ở khu Phủ Chủ tịch, tại các cuộc mít tinh, hội nghị mà Bác tới dự. Sống gần Bác, chúng tôi thấy mình được lớn thêm lên, được Bác chở che, nâng đỡ, giáo dục. Ngay cả cái cách Bác gọi chiến sĩ cảnh vệ chúng tôi, mỗi khi cần: Người không nhắc tên ai mà chỉ khe khẽ gọi “cúc cu, cúc cu” khiến chúng tôi cảm thấy thân thương vô ngần. Vì vậy, chúng tôi, những chàng trai, cô gái lính Cảnh vệ khóa 1964 luôn một lòng, một dạ đem hết sức mình bảo vệ Đảng, bảo vệ Bác kính yêu. Tất cả chúng tôi đều cảm thấy hạnh phúc khi được sống gần Bác”.
Cũng theo chia sẻ của ông Hoàn, mấy năm liền, mỗi lần được nhìn thấy Bác Hồ ngồi làm việc, rồi khi Người đi bách bộ, những lúc Người trực tiếp đến xem việc ăn uống của cán bộ, chiến sĩ, những lần Người đi công tác nước ngoài về, với những món quà, khi thì quả táo, túi kẹo hay gói thuốc lá, bao giờ trong ông cũng dấy lên một niềm hạnh phúc, xúc động. “Vật tuy nhỏ nhưng đó là tấm lòng nhân ái bao la của Bác dành cho những người lính cảnh vệ chúng tôi. Tôi không bao giờ quên những lần được xem phim với Bác vào tối Chủ nhật hằng tuần tại Nhà khách Phủ Chủ tịch. Tết cổ truyền hằng năm, chúng tôi được dự bữa cơm tất niên và chụp ảnh với Bác làm kỷ niệm”, ông Hoàn tâm sự.
Nói về những ngày cuối cùng của đời Bác, giọng ông Hoàn như nghẹn lại, sự việc với ông như mới chỉ diễn ra ngày hôm qua. Ông Hoàn nhớ nhất Lễ Kỷ niệm lần thứ 24 Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1969. Bởi khi ấy, Bác đã mệt nặng nhưng Người vẫn gắng gượng chăm lo tới ngày lễ vĩ đại của Dân tộc. “Theo đó, ngày 31/8/1969, Bác đã gửi lẵng hoa tặng các chiến sĩ tên lửa Sư đoàn 361 khi nghe báo cáo các chiến sĩ tên lửa Hà Nội đã bắn rơi 1 máy bay không người lái của Mỹ vào ngày 30/8. Ngày này Bác rất mệt nhưng cứ qua một lần cấp cứu, khi tỉnh dậy, Bác lại hỏi hôm nay có đồng bào Miền Nam đánh thắng ở đâu? Buổi tối, tại Hội trường Ba Đình, lễ mừng Quốc khánh được tổ chức long trọng. Vì mệt, Bác không đến dự được, nhưng khi nghe việc tổ chức lễ kỷ niệm này, Bác cảm thấy khỏe hơn, nhìn Bác tỉnh táo hơn”, ông Hoàn nhớ lại.
Cho đến ngày 1/9/1969, sức khỏe của Bác giảm sút nghiêm trọng. Tuy vậy, Bác vẫn gửi vòng hoa tới viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang Mai Dịch. Và Bác còn gửi tặng lẵng hoa cho Đội Cảnh sát khu vực 4 khu phố Ba Đình, cho Đội Bảo đảm giao thông đường bộ số 1. Đúng ngày Quốc khánh 2/9, bệnh của Bác diễn biến rất xấu và mỗi lúc một trầm trọng, đến 9h47’, Bác từ trần sau một cơn đau tim đột ngột.
“Từ đây, ngày Quốc khánh của dân tộc không còn Bác đến dự, động viên huấn thị, không còn được nghe lời ấm áp yêu thương của Bác: Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”, ông Hoàn kể lại.
Là người trực tiếp canh gác bảo vệ Bác trong những ngày Bác ốm và ngay sau khi Bác ra đi, ông Hoàn lại là một trong số những chiến sĩ công an ở lại để tiếp tục trông nom di sản của Bác. “Tôi tay gác súng, chuyển sang tay chổi tay bút chăm lo công việc bảo vệ di sản của Bác để lại – hàng ngày quét dọn, lau chùi ngôi nhà 67 như khi phục vụ Bác lúc sinh thời. Nhưng trong lòng thì có một khoảng trống lớn, nỗi buồn không thể nói được bằng lời. Bởi Bác đi rồi, ngôi nhà trở nên lạnh lẽo… Chúng tôi đã đặt một chiếc lư đồng nhỏ ở cửa sổ cạnh giường Bác nằm, hàng ngày thắp nén hương trầm để nhà thêm ấm cúng”, ông rưng rưng nhớ lại.
Bác mất ngày 2/9/1969, tức ngày 21/7 âm lịch, nên đến ngày 21/7 âm lịch năm 1994, thay mặt anh em trong khu Phủ Chủ tịch, ông Hoàn lại sắp mâm cơm để cúng giỗ Bác, và cũng là để anh chị em trong cơ quan được hưởng lộc hương của Bác. Từ đấy đến nay, theo nếp đó, đúng ngày 21/7 âm lịch hằng năm, những người trông nom di sản của Người ở khu Phủ Chủ tịch đều thực hiện lễ hiếu “Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con” đối với Bác kính yêu.
Và trở thành khách mời riêng của Tổng thống Nga Putin
“Nhờ hồng phúc của Người mà tôi đã trực tiếp được tiếp cận với hàng triệu người dân trong nước và nước ngoài, với hàng trăm vị nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo cao cấp quốc tế ở các châu lục tới thăm nơi ở, làm việc của Người, trong đó có Tổng thống Nga V.Putin, vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên của thế kỷ XXI đến thăm nơi ở của Người. Đặc biệt, trong lần viếng thăm đó, được biết tôi từng là chiến sĩ cảnh vệ trực tiếp tham gia bảo vệ Bác Hồ, Tổng thống Putin đã mời tôi đi cùng chuyến bay với ông sang Nga ngay ngày hôm sau”, ông Hoàn nhớ lại.
![]() |
Ông Trần Viết Hoàn lần giở lại những sự kiện về Bác Hồ mà ông từng chứng kiến. |
Khi ấy vào tháng 2/2001, Tổng thống Nga Vladimir Putin sang thăm Việt Nam. Tổng thống đã dành một buổi vào thăm Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội. Tại sổ lưu niệm, Tổng thống Putin viết: “Tôi chân thành quan tâm tới cuộc đời của người thầy vĩ đại của nhân dân Việt Nam, một người mà tên tuổi đã ghi vào lịch sử toàn thế giới”.
Trước khi chia tay lên xe ra về, Tổng thống Putin hỏi ông Hoàn, khi ấy đang là Giám đốc Khu Di tích Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch: “Lúc Bác Hồ còn sống, ông có dịp gặp Bác không?”. Ông Hoàn kể lại: “Tôi thưa lại với Tổng thống rằng tôi có vinh hạnh được trực tiếp bảo vệ Bác Hồ trong những năm cuối đời. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, tôi lại được Nhà nước và nhân dân giao phó cho công việc trông coi những di sản mà Người để lại nơi đây”. Nghe xong, Tổng thống Putin rất vui và liền nói: “Tôi mời ông và phu nhân cùng hai cán bộ sang thăm nước Nga. Ngay chiều nay, ông sẽ đi cùng máy bay của tôi sang Moscow”.
Khá bất ngờ, xen lẫn sự xúc động và tự hào, ông Hoàn đã cảm ơn Tổng thống Nga về lời mời đặc biệt này và xin phép Tổng thống Putin cho ông thời gian để báo cáo với Nhà nước Việt Nam. Ngay sau đó, Tổng thống Nga đã ủy thác cho Đại sứ Nga tại Hà Nội người cùng tháp tùng thăm Khu Di tích, phối hợp với Bộ Văn hóa Liên bang Nga để lên chương trình cho chuyến thăm của đoàn ông Trần Viết Hoàn sang Nga.
Vào tháng 2/2002, nhóm các vị khách Việt Nam đặc biệt từ Hà Nội lên đường đến nước Nga theo lời mời cá nhân của Tổng thống Putin. Khi đến Thủ đô Moscow, ông Trần Viết Hoàn và mọi người trong đoàn đã được Thứ trưởng Bộ Văn hóa Liên bang Nga tiếp đón long trọng và ân cần.
Đối với Tiến sĩ Trần Viết Hoàn, việc được tham gia bảo vệ Bác trong 5 năm cuối đời của Người với vai trò anh lính cận vệ và trong suốt 38 năm được làm việc ở Khu Di tích Phủ Chủ tịch, đó là một vinh hạnh lớn lao của cuộc đời.