Người bị tạm giữ, tạm giam không được khởi kiện trước tòa?
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ công an Trần Đại Quang trình bày Tờ trình dự án Luật tạm giữ, tạm giam tại hội trường chiều 23/5.
Theo nội dung tờ trình, tạm giữ, tạm giam là biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự, do cơ quan, người tiến hành tố tụng áp dụng đối với người bị bắt quả tang, truy nã, khẩn cấp và đối với bị can, bị cáo nhằm cách ly họ ra khỏi đời sống xã hội một thời gian nhất định để ngăn chặn họ tiếp tục phạm tội, ngăn chặn hành vi trốn tránh việc điều tra, truy tố, xét xử, cản trở việc xác định sự thật của vụ án hoặc để bảo đảm thi hành án.
Trong những năm qua, việc thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam đã được tổ chức chặt chẽ, phục vụ có hiệu quả cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, bảo vệ tốt quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự thảo Luật tạm giữ, tạm giam trước Quốc hội chiều 23/5 |
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp nêu rõ, tình trạng bức cung, nhục hình trong thời gian qua đã gây bức xúc trong dư luận nhân dân, chủ yếu xảy ra trong quá trình điều tra, nhất là giai đoạn tiền khởi tố đối với người bị tạm giữ, tạm giam.
Vì thế, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ nghiên cứu quy định ngay trong dự án Luật về việc thiết kế hệ thống các phòng hỏi cung, các hình thức giám sát, kiểm tra, kiểm sát việc hỏi cung, quyền giám sát việc hỏi cung của người quản lý tạm giữ, tạm giam; việc trích xuất bị can, bị cáo, người bị tạm giữ để lấy lời khai; việc kiểm tra sức khỏe người bị tạm giữ, tạm giam trước và sau trích xuất; trách nhiệm của Nhà tạm giữ, Trại tạm giam khi có bức cung, nhục hình trong giai đoạn tạm giữ, tạm giam....
Về vấn đề khởi kiện trong thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Bộ luật Tố tụng hình sự đều quy định thẩm quyền của Viện kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác thi hành tạm giữ, tạm giam.
Như vậy, khiếu nại, tố cáo về thi hành tạm giữ, tạm giam là khiếu nại về tư pháp; không phải là khiếu nại về quyết định hành chính và hành vi hành chính. Mặc khác, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác tạm giữ, tạm giam theo yêu cầu cần phải thực hiện khẩn trương nhằm phục vụ kịp thời cho hoạt động điều tra khám phá tội phạm và luôn được kiểm sát chặt chẽ việc tuân thủ pháp luật.
“Do đó, không nên quy định quyền khởi kiện trước tòa án của người bị tạm giữ, tạm giam”- Ủy ban Tư pháp nhận định.
Về quản lý, chế độ đối với người bị kết án tử hình bị tạm giam Ủy ban này đánh giá, mô hình quản lý giam giữ đối với người bị kết án tử hình tại các Trại tạm giam như hiện nay về cơ bản là phù hợp, bảo đảm phục vụ kịp thời cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Tuy nhiên, với việc duy trì mô hình này thì công tác thi hành án tử hình cần có sự đổi mới về phương thức. “Cụ thể nghiên cứu phương án bố trí các xe thi hành án tử hình lưu động nhằm tránh phát sinh tốn kém cho ngân sách nhà nước trong việc tổ chức thi hành án tử hình như trên thực tế vừa qua”- Ủy ban Tư pháp nêu rõ.
Về quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, trong dự thảo Luật các quyền của người bị tạm giữ, tạm giam còn quy định tản mạn, có tính chất liệt kê, chưa đầy đủ. Dự thảo Luật chỉ nên quy định theo hướng hạn chế một số quyền của người bị tạm giữ, tạm giam. Còn các quyền khác nếu không bị hạn chế thì vẫn được bảo đảm thực hiện theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Dự thảo Luật tạm giữ, tạm giam được xây dựng gồm có 11 chương, 87 điều.