Ngư dân Thanh Hóa đóng tàu lớn vươn xa Biển Đông
Ngư dân Thanh Hóa đóng tàu lớn vươn xa Biển Đông
> Đà Nẵng thành lập Chi cục Biển và Hải đảo
> Đặc công hải quân Việt Nam lần đầu lộ diện
> Quân khu 7 bắn pháo hạng nặng 'đánh địch đổ bộ đường biển'
> Đóng mới tàu Cảnh sát biển có sân đỗ trực thăng
> Sức mạnh 'ong độc' của Hải quân Việt Nam
Đầu tư tàu chục tỷ …
Hiện nay toàn miền Bắc, duy nhất tại phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa, có đội tàu đánh cá với công suất lớn 1000 mã lực/tàu, kinh phí để đầu tư đội tàu này lên đến gần 15 tỷ đồng.
Xưởng sửa chữa tàu Quảng Tiến, Sầm Sơn, Thanh Hóa. Ảnh. Xuân Hải. |
Theo ông Trần Ngọc Ất, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng Tiến, Sầm Sơn, Thanh Hóa, chủ nhân của đôi tàu có biển số TH900919TS và 900918TS có công suất 1000 mã lực (CV) là anh Phạm Gia Thanh, khu phố Vạn Lợi, phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn.
Ban đầu gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn về vốn nhưng nhờ sự hỗ trợ động viên của gia đình, anh đã vay mượn anh em bạn bè được hơn 6 tỷ đồng, cộng với số vốn tích lũy được sau nhiều năm bám biển và sự hỗ trợ vốn vay 2 tỷ từ Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn thị xã Sầm Sơn, anh đã mạnh dạn đóng mới đôi tàu giã kéo cao tốc, trị giá gần15 tỷ đồng.
Sau gần 7 tháng đóng tàu, đến tháng 10/2011, con tàu mơ ước của anh Thanh đã bắt đầu đưa vào khai thác.
Chỉ 5 tháng hoạt động khai thác cá bằng hình thức giã kéo trên biển – hình thức đánh cá quây lưới bằng hai tàu, anh đã thu về gần 6 tỉ đồng. Chỉ tính riêng trong chuyến ra khơi ngắn ngày mới đây đã thu được sản lượng cá rất lớn tương đương với 1,3 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho 24 lao động có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định trung bình khoảng 8 triệu đồng/người/tháng.
Trước kia anh Thanh cũng như nhiều ngư dân trong vùng, do ít vốn nên chỉ đầu tư những đội tàu có công suất nhỏ 20 CV, khai thác trên biển theo hình thức vây rút chì thủ công. Tuy nhiên, hình thức khai thác này, khá vất vả, nhiều rủi ro mà không mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cũng theo ông Ất, dự kiến trong vài ngày tới đôi tàu giã kéo cao tốc thứ 2 của ngư dân Quảng Tiến đang được đóng mới tại Nghệ An sẽ chính thức đi vào khai thác trên ngư trường, chủ nhân của nó là anh Phạm Gia Đông, trú tại khu phố Vạn Lợi, phường Quảng Tiến. Nếu đôi tàu thứ 2 này đi vào khai thác, sẽ góp phần nâng sản lượng khai thác thủy sản của phường trong năm nay lên gấp đôi.
…vay vốn ở đâu?
Hơn 40 năm trong nghề đánh cá, anh Nguyễn Thừa Đa, khu phố Vạn Lợi, phường Quảng Tiến cho biết: Hiện tại gia đình tôi đã đầu tư 1 đôi tàu giã kéo với công suất 400 CV. Ban đầu đưa tàu vào khai thác đạt hiệu quả cao, tuy nhiên do nguồn lợi thủy sản gần bờ thấp cộng với nhiều tàu khai thác cùng một ngư trường nên năng suất ngày càng giảm, hiệu quả đạt được không cao. Hiện tại, để vươn khơi gia đình tôi mong muốn có được đôi tàu kéo giã cao tốc, nhưng không biết vay vốn ở đâu.
Trao đổi với PV Báo điện tử Infonet ông Trịnh Ngọc Thanh, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Chi nhánh tại Thanh Hóa cho biết, để tiếp cận được vốn vay, trước hết các hộ dân phải có tài sản thế chấp ngân hàng. Đồng thời, phải mua bảo hiểm thân, vỏ tàu trong suốt thời hạn vay vốn. Tuy nhiên, ngư dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phần đông kinh tế còn khó khăn, nhà ở và đất ở giá trị thấp. Bên cạnh đó, do quan niệm duy tâm nên nhiều hộ không mua bảo hiểm theo quy định, đây chính là những nguyên nhân dẫn đến việc ngư dân khó tiếp cận được vốn vay.
Cũng theo ông Thanh, để tạo điều kiện cho ngư dân được tiếp cận vốn, các cấp, ngành chức năng cấp tỉnh Thanh Hóa cần nghiên cứu thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân về phí bảo hiểm tàu đánh bắt hải sản theo Quyết định 298/QĐ – TTg của Chính phủ. Đồng thời, tăng cường các lực lượng bảo vệ, hướng dẫn để ngư dân yên tâm vươn khơi, vươn xa trong vùng biển chủ quyền, góp phần làm giàu cho chính mình và cho quê hương, đất nước.
Xuân Hải
Ông Nguyễn Văn Thi, Chi hội trưởng Chi hội Nghề cá tại Quảng Tiến cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2012, tổng sản lượng do ngư dân khai thác trên địa bàn phường đạt trên 7.000 tấn (45 tỉ đồng), trong đó sản lượng từ nghề giã kéo đôi chiếm tới 6.000 tấn. Bởi đây là loại phương tiện lớn, ít gặp rủi ro trong những chuyến vươn khơi. |