Nghỉ ốm giả: Doanh nghiệp siết quá, công nhân làm liều
Nghỉ ốm giả: Doanh nghiệp siết quá, công nhân làm liều
Trước tình trạng giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (gọi tắt là giấy chứng nhận nghỉ bệnh giả) bán tràn lan, BHXH TP.HCM cùng Phòng An ninh kinh tế PA17 đã vào cuộc điều tra.
Từ đây động cơ thực sự của những công nhân mua giấy chứng nhận nghỉ bệnh giả đã dần sáng tỏ.
Một giấy chứng nhận nghỉ bệnh giả của công nhân làm việc tại Công ty TNHH Sun Shin
PA17 vào cuộc
Từ đầu năm trước đến nay, tại các khu công nghiệp giáp ranh giữa TP.HCM và tỉnh Bình Dương rộ lên tình trạng người lao động tại các doanh nghiệp dùng giấy chứng nhận nghỉ bệnh giả có hưởng BHXH để hợp thức hóa ngày nghỉ làm.
Trong vai người cần mua giấy chứng nhận nghỉ bệnh, chúng tôi có mặt tại Khu Chế xuất Linh Trung. Sau một hồi hỏi chuyện, PV Infonet được giới thiệu đến hẻm 180, QL 1A. Đi sâu vào chừng hơn 100m, các cửa hàng photocopy, tạp hóa, thậm chí là rửa xe kiêm luôn dịch vụ làm hồ sơ lần lượt hiện ra.
Khi PV hỏi mua giấy chứng nhận nghỉ bệnh, hầu như tất cả những người tại đây đều hỏi lại với thái độ dò xét và không bán. Tuy vậy, theo lời các tài xế xe ôm gần đó, với giấy khám sức khỏe, các cửa hàng ở đây bán dễ dàng hơn, bởi không liên quan đến việc chi trả BHXH, còn với giấy chứng nhận nghỉ bệnh phải là khách thật quen mới mua được. Khi PV yêu cầu được dẫn đi mua thì những tài xế này cho biết, “cò” mấy hôm nay về quê, “nếu cần thì tuần sau quay lại”.
Theo thông tin ban đầu từ cơ quan chức năng TP.HCM, sau khi phía BHXH TP.HCM phát hiện khoảng 400 giấy chứng nhận nghỉ bệnh hưởng BHXH có dấu hiệu giả do doanh nghiệp nghi ngờ, hiện Phòng An ninh kinh tế PA17 đang vào cuộc để điều tra rõ vụ việc này.
Không nói ra… không ai biết!
Việc công nhân mua giấy chứng nhận nghỉ bệnh là hành vi hoàn toàn sai trái, nhưng thực tế, khi có cơ hội tiếp cận và trải lòng cùng họ mới thấy hết được những uẩn khúc, xót xa.
Phải chăng doanh nghiệp đang quá hà khắc với công nhân?
Theo ghi nhận từ PA17, trong quá trình điều tra việc phát hiện giấy nghỉ bệnh giả mới đây nhất của Công ty TNHH Sung Shin Việt Nam (100% vốn Hồng Kong), hầu hết công nhân đều khai nhận do có việc gấp nhưng xin phép công ty không cho nghỉ nên buộc họ phải nghĩ ra cách này.
Đặc biệt, có một trường hợp đau lòng của nữ công nhân sinh năm 1990, công nhân Công ty Sung Shin. Cô này cho biết, khi đang làm việc thì nhận được tin ba bị bệnh nặng, cô đã xin nghỉ để thăm ba nhưng công ty không cho nên buộc phải mua giấy chứng nhận nghỉ bệnh. Đau lòng hơn, ngay trong khi đang khai báo với PA17 thì cô nhận được tin ba đã qua đời.
Để tìm hiểu việc này, sáng 29/2 PV đã liên lạc với phía Công ty TNHH Sun Shin Việt Nam nhưng chỉ nhận được trả lời từ Phòng nhân sự rằng: “Chúng tôi đã giải quyết xong xuôi nên sẽ dừng lại mọi việc ở đây!?”.
Trao đổi với PV về vấn đề này, Ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP.HCM khẳng định: “Số tiền bị thất thoát từ giấy nghỉ bệnh có hưởng BHXH của công nhân là rất nhỏ chứ không quá lớn như một số người nói”.
Theo tính toán của ông Sang, lương chia ra 26 ngày, mỗi ngày lương của công nhân được bao nhiêu thì BHXH sẽ chi trả 75%/ngày. Ví dụ lương được 100.000 đồng/ngày, BHXH sẽ trả 75.000 đồng/ngày cho người lao động. Với số lương cơ bản rất thấp của công nhân hiện nay thì số tiền BHXH phải chi trả là không đáng kể. Trong khi đó để mua được giấy chứng nhận nghỉ bệnh công nhân phải bỏ ra từ 100.000 đến 300.000 (tùy số ngày nghỉ) do đó ghép cho họ mục đích trục lợi từ BHXH rõ ràng là không thuyết phục.
“Thực chất là họ muốn nghỉ việc vì gia đình hay cá nhân có việc cần thiết nhưng công ty không cho nghỉ nên họ buộc phải nghĩ ra cách này. Hơn nữa đây là cách nghỉ hợp pháp để cuối năm lương thưởng của công nhân sẽ không bị cắt giảm. Doanh nghiệp siết quá thì công nhân phải làm liều”, ông Sang nhấn mạnh.
Qua đó, ông Sang cho rằng, mấu chốt của vấn đề nằm ở mối quan hệ lao động giữa công nhân và doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp FDI đều đề ra khoản tiền thưởng gọi là “chuyên cần”. Tuy nhiên, công nhân chỉ cần trễ… vài giây là khoản tiền này sẽ bị cắt toàn bộ chứ đừng nói đến việc nghỉ 1 – 2 ngày.
Hành động mua giấy chứng nhận nghỉ bệnh giả của công nhân là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, từ những lý do rất đáng xem xét trên, các cơ quan chức năng tại TP.HCM cũng cần phải có động thái để bảo vệ họ trước những yêu cầu quá khắt khe của các công ty.
Thúy Ngà – Nguyễn Cường