Nghe Thiếu tướng Công an kể chuyện hiện trường
Dấu vết biết nói
Theo Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ, Cục trưởng Cục hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát (C53 – Bộ Công an), hiện trường là nơi còn lưu lại các dấu vết, vật chứng liên quan đến vụ án. Từ các dấu vết thu thập được, cơ quan điều tra sẽ lần tìm ra manh mối và diễn biến vụ việc trong quá khứ. Khám nghiệm hiện trường là việc bắt buộc được quy định trong hoạt động tố tụng hình sự.
Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ. Ảnh: Nguyễn Tuấn |
Bên cạnh bảo vệ hiện trường là nhiệm vụ của cơ quan Công an, người dân cần phải có ý thức không xâm phạm, tránh tác động, trước hết là để bảo vệ cho chính bản thân mình.
Tướng Mạ là người từng tham gia phá nhiều vụ án lớn, có sự từng trải và kinh nghiệm trong đấu tranh phòng chống các loại tội phạm. Theo ông, nhiều vụ án mạng, hiện trường đã có sự thay đổi do tác động của con người lẫn thiên nhiên.
Ví dụ như thảm án giết 6 người ở Bình Phước. Khi người dân phát hiện ra vụ việc vào rạng sáng ngày 7-7, hiện trường đã không được bảo vệ kịp thời. Hàng trăm người dân lẫn công nhân xưởng gỗ Quốc Anh kéo vào căn nhà để xem cảnh tang thương. Nhiều dấu vân tay, sợi tóc, dấu chân hoặc vật thể “lạ” bỏ rơi tại hiện trường. Quá trình lấy dấu vân tay của nhiều công nhân khá vất vả. Tuy nhiên, công tác ấy đòi hỏi phải làm hết sức tỉ mỉ và chi tiết trên cơ sở khoa học vững chắc.
“Căn cứ dấu vết của tội phạm, chúng tôi mới rà soát kỹ trong tàng thư. Tàng thư đó đã được hiện đại hóa bằng công nghệ mới. Tất cả tội phạm khi bị khởi tố đều lập căn cước một cách có hệ thống, mọi thông tin, dấu vân tay, nét mặt, nốt ruồi, sẹo nhỏ đều thể hiện đầy đủ. Chúng tôi chỉ cần đối chiếu, so sánh thông tin. Nếu phát hiện có trùng hợp thì yêu cầu đối tượng trình diện ngay” tướng Mạ cho biết.
Cũng là vụ giết người, cướp tài sản nhưng vụ án chấn động dư luận ở Bắc Giang do Lê Văn Luyện gây ra, hiện trường lại bảo vệ rất tốt. Ông Mạ kể, giữa nạn nhân là chủ tiệm vàng và tên Luyện có sự kháng cự, chống đối quyết liệt. Bởi vậy hiện trường để lại nhiều dấu vết. Rất may mắn, khi người dân phát hiện ra thì báo ngay cho Công an. Công an mới nhanh chóng triển khai lực lượng bảo vệ, kiểm tra kỹ lưỡng, thu được đường vân rất rõ nét. Ý thức ấy của người dân thật đáng quý!
Tìm kẻ hở
Vị Tướng này nhận xét: “Tội phạm dù có khôn ngoan, ma mãnh kiểu gì thì khi gây án, chúng không thể không để lại hiện trường một thứ gì. Chúng có thể đeo găng tay để che dấu vết. Chúng có thể dùng sim rác. Chúng có thể vứt tang vật. Thế nhưng chúng không thể nào ý thức được đầy đủ sự việc, hành vi của mình. Yếu tố tâm lý tác động mạnh vào chúng khi gây án, Công an sẽ tìm ra được kẽ hở”.
Ông ví dụ câu chuyện hy hữu. Đó là vụ giết bà Trưởng phòng khám một huyện ở tỉnh Lào Cai. Tên thủ phạm mua một đôi găng tay để dùng. Hắn dấu trong quần, khi chuẩn bị ra tay, hắn ta mới dùng tay xé bao găng đó. Vô tình dấu vân đã bám lại trên chiếc bao bị xé. Khám nghiệm hiện trường, Công an thu thập được và lần tìm ra thủ phạm.
Khám nghiệm hiện trường vụ thảm sát ở Bình Phước. Ảnh: L.M |
Ông Mạ kể: “Nhiều vụ án mà không ai biết trước được chữ ngờ, không kẻ thủ ác nào cũng toan tính cẩn thận và tỉ mỉ mọi điều. Suốt đời, tôi vẫn còn nhớ mãi vụ án kẻ dùng súng gây ra hai vụ giết người ở Cao Bằng. Cách đây hơn 10 năm, Công an tỉnh Gia Lai bắt được một người đốt rẫy, phá rừng. Người này bị tạm giữ tại trụ sở Kiểm lâm để chờ lấy lời khai. Sau đó, cơ quan chức năng phát hiện đối tượng đã thắt cổ tự vẫn.
Hồ sơ được chuyển lên Bộ Công an để điều tra, tôi tiếp nhận vụ việc. Anh em xuống hiện trường lấy dấu vân tay thì bất ngờ phát hiện ra, dấu vân đó trùng với vân tay của kẻ thủ ác đã giết hai người ở tỉnh Cao Bằng. Đối tượng là kẻ mang quyết định truy nã của Quân đội và Công an. Sau khi gây án, hắn bỏ chạy vào sống chui nhủi ở chốn núi rừng Gia Lai. Chính vì sợ Công an phát hiện ra vụ trước nên hắn mới quyết định tự tử. Như vậy, nhờ tàng thư và nhờ công tác hiện trường mà phá được hai vụ án trước đó một cách nhanh chóng”.
Ba năm về trước, người dân ở Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang rúng động bởi vụ giết hai người dã man tại nhà nghỉ Kim Ngân. Đội điều tra của C53 tức tối xuống ngay hiện trường. Nhiều dấu vết được tìm thấy, nhưng quan trọng nhất vẫn là dấu vân tay xác định là của thủ phạm để lại. Trong vòng bốn ngày, kết quả từ tàng thư đã vạch mặt kẻ thủ ác. Ông Mạ báo cáo cấp trên thực hiện các biện pháp tìm kiếm, bắt giữ đối tượng. Khi cuộc truy bắt đang diễn ra cam go thì nhận được thông tin có một nam thanh niên nhảy sông tự tử. Lấy dấu vết vân tay từ tử thi thì trùng với dấu vết khám nghiệm hiện trường, C53 xác định ra ngay, đó là thủ phạm vụ án.
Trước câu hỏi, nhiều vụ oan sai bắt nguồn từ khám nghiệm hiện trường? Theo ông Mạ thì đó hầu hết là các vụ án đã diễn ra cách đây hơn 10 năm, thậm chí 20 năm. Khi đó, công nghệ phục vụ điều tra chưa ứng dụng triệt để, còn bây giờ mọi thứ đều hiện đại, khó mà sai sót được.
Một trường hợp đặc biệt mà ông Mạ còn nhớ mãi, nếu không cẩn thận có thể dẫn đến oan sai. Có gia đình ở một địa phương đi du lịch thì nhà bị mất trộm tài sản. Công an khám nghiệm chú ý vào dấu vân bám trên cửa nhà. Qua so sánh dấu vân tay thì phát hiện của đối tượng tên Tùng, yêu cầu tên này trình diện. Tuy nhiên, qua kiểm tra thì được biết tên này đang đi tù ở trại giam cách hiện trường 10 cây số.
Ông nhớ lại: “Tôi vào trại hỏi thì đối tượng bảo không lấy trộm vì đang đi tù. Cơ quan quản lý Trại giam thì nói đối tượng không trốn trại lần nào. Tôi mới suy nghĩ rằng, liệu trong quá trình đi lao động cải tạo, hắn nhảy ra ngoài trốn để trộm cắp thì sao. Cho nên mình phải điều tra cho thật thận trọng”. Khai thác chủ nhà, biết được rằng trước đó rất lâu, có công nhân đến sơn cửa. Như vậy dấu vân tay đã không bị phân hủy theo thời gian. Tùng không phải là thủ phạm.
Công nghệ cao phòng chống tội phạm
Thiếu tướng Mạ tiết lộ, C53 đang ứng dụng một loại máy… bắt trộm. Nghĩa là khai thác các camera giao thông đặt ở các giao lộ, bến xe bến tàu. Khi phát hiện đối tượng sẽ cho đối chiếu hình ảnh thực tế.
Trước nhiều vụ án rúng động dư luận liên tiếp xảy ra, ông khuyến cáo người dân nên sử dụng các thiết bị công nghệ cao và cách ứng xử khôn khéo để chống lại tội phạm.
Ông nêu tình huống cụ thể: “Nếu nhà mình có kẻ trộm đột nhập vào, chờ cho nó thoát thân ra ngoài cửa mới la lớn lên cho mọi người biết. Hoặc dùng điện thoại gọi điện, nhắn tin. Hiện nay nhiều người cài đặt chế độ gọi nhanh, bấm số 1 ra 113, số 2 ra 114. Trong lúc gọi cấp bách như vậy, Công an đã định vị được vị trí. Cuộc giải cứu sẽ diễn ra nhanh chóng. Đó cũng là ý thức cảnh giác, nâng cao tinh thần cảnh giác. Tôi cho rằng đó là cách làm rất hiệu quả”.
Theo Nguyễn Tuấn/Congan.com.vn