Nghệ An: Vấn đề "cò mồi" XKLĐ nóng trong phiên chất vấn HĐND tỉnh
Toàn cảnh phiên chất vấn Kỳ họp thứ IV - HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII. |
Nghệ An là một trong những địa phương có dân số đông, vì thế lượng lao động đi làm ăn ở nước ngoài rất lớn; xoay quanh vấn đề này, nhiều đại biểu HĐND nêu vấn đề và đặt các câu hỏi như công tác quản lý các đơn vị xuất khẩu lao động (XKLĐ) trên địa bàn, hay nhiều lao động cùng đi một nước nhưng chi phí đi xuất khẩu lại khác nhau; một số đơn vị thu tiền của người dân rồi không đưa người lao động đi được, sau đó dây dưa không chịu trả tiền, đặc biệt là vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về XKLĐ… trên địa bàn.
Trả lời tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ IV – HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII chiều ngày 12/7, liên quan đến những vấn đề nêu trên, ông Nguyễn Bằng Toàn – Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Nghệ An cho biết: Nghệ An là một trong những địa bàn có nhiều đơn vị về tham gia tư vấn để XKLĐ.
Hiện toàn tỉnh đã có hơn 50 đơn vị đặt văn phòng, công ty thực hiện công tác XKLĐ, hằng năm đã đưa khoảng 12 -13 ngàn người đi XKLĐ, chiếm 11% trong cả nước.
Ông Nguyễn Bằng Toàn - Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An trả lời tại phiên chất vấn. (Ảnh. NTV) |
Ông Toàn cũng thông tin, vừa rồi có 2 đơn vị XKLĐ hoạt động ở huyện Thanh Chương và Quế Phong, do đơn vị mạo danh, không có giấy giới thiệu của Sở LĐTB&XH nhưng địa phương vẫn đồng ý cho hoạt động, dẫn đến một số người dân bị lừa.
Sau đó, Sở LĐTB&XH đã làm việc, yêu cầu doanh nghiệp khắc phục hậu quả, trả tiền cho người dân. Nếu doanh nghiệp không chấp hành sẽ hoàn thiện hồ sơ chuyển cơ quan pháp luật để tiếp tục xử lý.
Giám đốc Sở LĐTB&XH Nghệ An cũng khẳng định sẽ thanh, kiểm tra việc: “Chi phí cầu trung gian (hay còn gọi là cò mồi); các đơn vị về tuyển, rồi một số lao động ở địa phương thông qua dịch vụ cò mồi này nên chi phí cao hơn, thậm chí hồ sơ làm không đảm bảo dẫn đến rủi ro. Chúng tôi đang thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về vấn đề này và có kết luận sớm và cụ thể”.
Ông Toàn cũng nhấn mạnh: “Tất cả lao động đi theo đường chính thống đều có ký hợp đồng, nên các rủi ro sẽ được giải quyết ổn thỏa. Còn việc đi lao động bất hợp pháp của các lao động nên công tác xử lý rất khó khăn, gây thiệt hại cho người lao động”.
Các đại biểu HĐND đặt nhiều câu hỏi liên quan đến tình hình XKLĐ trên địa bàn tỉnh Nghệ An. |
Trả lời câu hỏi của các đại biểu về Giải pháp nào cho lao động bất hợp pháp?
Ông Toàn cho biết: “Sẽ tiếp tục tuyên truyền thông tin để nâng cao nhận thức cho người lao động và từ bỏ con đường đi lao động bất hợp pháp, những con đường đi XKLĐ không có địa chỉ, không có cơ quan pháp lý nhà nước bảo hộ. Và chỉ đi xuất khẩu lao động ra nước ngoài khi có cơ quan bảo hộ và có cơ quan nhà nước đủ thẩm quyền giới thiệu về địa phương tuyển dụng”.
Liên quan đến tình trạng XKLĐ bất hợp pháp hiện nay, mới đây (ngày 7/7), Bộ Ngoại giao Việt Nam phát đi thông cáo về thông tin liên quan đến công dân Việt Nam thiệt mạng khi đang vượt biên từ Trung Quốc sang Đài Loan bằng thuyền đánh cá.
Theo thông báo, ngư dân tại Sán Vĩ, Chủ Hải, thuộc tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) vớt được 9 thi thể trên biển. Hiện đã xác minh được 7 thi thể là người Việt Nam, trong đó có 3 nạn nhân ở Nghệ An, 2 nạn nhân ở Quảng Bình, 1 nạn nhân ở Hải Dương và 1 nạn nhân ở Hà Tĩnh. Còn 2 thi thể vẫn chưa xác định được danh tính.
Theo đó, vào cuối tháng 2/2017, nhóm lao động khoảng 23 người ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Giang, Hải Phòng... liên lạc với nhau rồi tập trung gặp nhau tại Hà Nội. Sau đó, mỗi người đóng một khoản tiền từ 40 đến 50 triệu đồng cho một người ở Bắc Giang để đưa sang Trung Quốc.
Sau khi sang Trung Quốc, nhóm người này mua một con tàu biển cũ để đi sang lãnh thổ Đài Loan, tuy nhiên khi ra giữa eo biển ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) thì không may gặp nạn.