Ngày đầu xét xử đại án VNCB: Vì sao nhóm Phạm Công Danh đưa ra nhiều kiến nghị?
Mở đầu phiên tòa, luật sư Trần Minh Hải – thuộc nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh đã đề nghị thay đổi một thành viên HĐXX do người này từng tham gia xét xử một vụ án mà luật sư này cho là “có liên quan” đến vụ án đang được xét xử để “đảm bảo tính khách quan” của phiên tòa.
Trong phiên sơ thẩm vụ án này, ông Hải từng là luật sư bảo vệ cho Công ty quản lý quỹ Lộc Việt và cá nhân ông Nguyễn Việt Hà, người đã bị đại diện VKS đề nghị khởi tố vì có dấu hiệu cấu kết với Phạm Công Danh gây thiệt hại cho VNCB 903 tỷ đồng.
Việc ông Hải trở thành người bào chữa cho Phạm Công Danh trong phiên phúc thẩm đã gây bất ngờ cho giới luật sư.
Đề nghị của LS Hải đã bị HĐXX phiên phúc thẩm Tòa cấp cao tại TP.HCM bác bỏ vì lý do hai vụ án không có mối liên hệ với nhau và đề nghị này không phù hợp với quy định tố tụng.
Ngay sau LS Trần Minh Hải, các bị cáo nhóm Phạm Công Danh, Phan Thành Mai… cũng đồng loạt đề nghị thay thành viên nói trên với cùng một lý do, khiến một lần nữa HĐXX phải hội ý và quyết định bác bỏ các yêu cầu vì không thuyết phục và không phù hợp với quy định về tố tụng.
Tương tự, các luật sư của nhóm này cũng yêu cầu Phạm Thị Trang (Trang “phố núi”) có mặt tại tòa để làm rõ các mối quan hệ, trong đó yêu cầu HĐXX không được bắt bà Trang để bà này yên tâm trở về Việt Nam tham dự phiên tòa.
Sự xuất hiện của Phạm Thị Trang cũng là mong muốn của nhiều người có liên quan trong vụ án bởi bà Trang không chỉ là người liên quan đến nhiều hoạt động vay mượn, mà còn được HĐXX phiên sơ thẩm xác định là người có vai trò tư vấn, giúp sức đắc lực cho Phạm Công Danh trong nhiều hoạt động rút khống tiền của VNCB.
Tại phiên sơ thẩm, HĐXX đã quyết định khởi tố đối với Phạm Thị Trang. Tòa cũng đã nhiều lần gửi giấy triệu tập và ủy thác triệu tập tới Phạm Thị Trang (hiện đang ở nước ngoài) nhưng người này không tới tham dự tòa.
Liên quan đến Phạm Thị Trang, nhóm Phạm Công Danh đã nhiều lần khẳng định bị cáo Danh là người có quan hệ vay mượn trực tiếp với nhóm bà Trần Ngọc Bích. Trong khi bà Bích khẳng định chỉ cho bà Trang vay chứ không hề vay mượn gì Phạm Công Danh.
Tại phiên sơ thẩm, Phạm Công Danh đã nhiều lần lên tiếng “nhận nợ” bà Trần Ngọc Bích - mặc dù bà Bích khẳng định bị cáo Danh không nợ nần gì bà này.
Theo Luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên thì việc bà Bích cho Phạm Thị Trang hay Phạm Công Danh vay không làm thay đổi bản chất mối quan hệ tiền gửi và tín dụng của bà Bích tại VNCB, bởi đó là những giao dịch người thật – tiền thật và đã diễn ra từ trước khi Phạm Công Danh mua lại Ngân hàng Đại Tín (và đổi tên thành VNCB - Ngân hàng Xây dựng).
Trước phiên tòa phúc thẩm, ông Đinh Văn Quế - nguyên Chánh tòa Hình sự Tòa án nhân dân Tối cao đã có bản kiến nghị, trong đó đáng ý chú là quan điểm cần xem xét hành vi của Phạm Công Danh dưới các tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” chứ không phải là “Cố ý làm trái…” và “Vi phạm các quy định về hoạt động tín dụng…”.
Ông Quế cũng cho rằng cần xác định lại tư cách tham gia tố tụng của VNCB trong vụ án, cần coi VNCB là bị hại và Phạm Công Danh cùng 35 đồng phạm phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho VNCB.
Căn cứ kết luận điều tra và lệnh khởi tố của cơ quan điều tra đối với Phạm Công Trung (em trai Phạm Công Danh), ông Quế cũng cho rằng có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm bởi ông Trung được cơ quan điều tra xác định là người giúp sức đắc lực cho Phạm Công Danh lập hồ sơ khống vay BIDV 4.700 tỷ đồng.
Nếu việc khởi tố, bắt tạm giam Phạm Công Trung xảy ra, nhiều “khoảng tối” trong vụ án sẽ có cơ hội được làm rõ. Nhưng rõ ràng, đó là một bất lợi lớn đối với nhóm Phạm Công Danh.
Theo ANTT.vn