Ngành Xây dựng có chi phí tuân thủ TTHC đắt đỏ nhất
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính |
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (KSTTHC), Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký HĐTV cho biết: Hội đồng đã tiến hành thu thập thông tin về chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (TTHC) tại 63 tỉnh thành và các Bộ, ngành Trung ương trên toàn quốc ở 8 lĩnh vực gồm (thuế, đăng ký kinh doanh, hải quan, đất đai, giấy phép chứng chỉ hành nghề điều kiện kinh doanh, đầu tư, môi trường, xây dựng).
Mục tiêu điều tra APCI 2018 phản ánh gánh nặng chi phí của doanh nghiệp và qua đó cho thấy hiệu quả về chính sách của từng ngành, lĩnh vực.
Theo báo cáo kết quả APCI 2018 cho thấy 70.000 đồng là chi phí tuân thủ (CPTT) của nhóm TTHC có mức CPTT thấp nhất; 64,1 triệu đồng là CPTT của nhóm TTHC có mức CPTT cao nhất; 100% CPTT của nhóm có TTHC có mức chi phí thấp nhất là chi phí về thời gian; 93% CPTT của nhóm TTHC có mức chi phí cao nhất là những chi phí trực tiếp.
Trong đó hai trong số ba nhóm thủ tục dẫn đầu với mức chi phí tuân thủ thấp nhất là nhóm thuế và nhóm Hải quan (Bộ Tài chính – cơ quan đã và rất tích cực trong việc cải cách các TTHC thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước theo loạt NQ số 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam).
Đứng sau cùng trong bảng xếp hạng chỉ số APCI 2018 là nhóm thủ tục Xây dựng với chi phí tuân thủ là 64,1 triệu đồng, gấp rất nhiều lần nhóm thủ tục quán quân của APCI 2018. Mặc dù về chi phí thời gian, nhóm thủ tục này không nằm ở mức cao nhất (103,9 giờ làm việc và 2,15 triệu đồng) nhưng chi phí trực tiếp cao vượt trội đã làm nhóm thủ tục này trở nên đắt đỏ bậc nhất.
Cụ thể chỉ số thành phần (chi phí trực tiếp) đã trở thành yếu tố quyết định tới mức chi phí tuân thủ của nhóm thủ tục này. Với mỗi 1 triệu đồng DN chi trả cho bất kỳ một thủ tục nào trong nhóm này, 930.000 đồng là chi phí trực tiếp doanh nghệp cần để hoàn thành hồ sơ và 70.000 đồng là chi phí thời gian mà doanh nghiệp phải bỏ ra.
Đặc biệt, trong báo cáo cũng chỉ ra rằng 23/63 địa phương nằm ở góc độ “hiệu quả” với chi phí trực tiếp thấp và thời gian ngắn; 19/63 địa phương nằm ở góc độ “cần cải thiện” với chi phí trực tiếp cao và thời gian dài.