Ngành TT&TT tự tin vững bước hội nhập

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son chia sẻ cùng bạn đọc Báo Bưu điện Việt Nam về những kết quả toàn ngành đạt được trong năm 2015...

Nhân dịp năm mới Xuân Bính Thân, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã chia sẻ cùng bạn đọc Báo Bưu điện Việt Nam những kết quả toàn ngành đạt được trong năm 2015, đặc biệt là giai đoạn 5 năm 2011-2015 và những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016.

Kính thưa Bộ trưởng, kết thúc năm 2015 nhìn lại, với vai trò là người đứng đầu ngành TT&TT, xin Bộ trưởng đánh giá về những kết quả nổi bật của toàn ngành trong năm qua?

Năm 2015, đối mặt với những thách thức, khó khăn không nhỏ từ những khó khăn chung của nền kinh tế, được sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ, được sự ủng hộ, hợp tác chặt chẽ, hiệu quả của các Ban, Bộ, ngành Trung ương và các địa phương, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm, sự chung sức, đồng lòng của tập thể Ban Cán sự Đảng bộ và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành, chúng ta có thể tự hào khẳng định rằng, ngành TT&TT đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Trên tất cả các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ TT&TT, chúng ta đều đạt được những kết quả rất tích cực, những thành tích rất ấn tượng. Ở đây, tôi chỉ nêu ra một số kết quả nổi bật.

Về công tác xây dựng cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, năm 2015, Bộ đã tập trung triển khai nghiên cứu xây dựng, ban hành và trình các cấp có thẩm quyền chiến lược, quy hoạch, kế hoạch nhằm xác định mục tiêu, định hướng phát triển cho toàn ngành TT&TT, trong đó có nhiều đề án lớn như: Luật An toàn thông tin mạng, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020... Hai đề án lớn là Luật Báo chí (sửa đổi) và Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 được Bộ xây dựng hoàn chỉnh, đã trình các cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến, dự kiến sẽ được chính thức thông qua và ban hành trong năm 2016.

Ngành TT&TT tự tin vững bước hội nhập - ảnh 1

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Trên tất cả các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ TT&TT, chúng ta đều đạt được những kết quả rất tích cực, những thành tích rất ấn tượng.

Công tác chỉ đạo, điều hành, thực thi pháp luật trên tất cả các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ TT&TT: báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông, CNTT đều được Bộ triển khai quyết liệt trong năm qua với mục tiêu thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững, phát huy những nhân tố tích cực, hạn chế, chấn chỉnh mặt tiêu cực. Bộ đã chủ động ban hành nhiều thông tư, chỉ thị, quyết định, tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực đang có sự phát triển nhanh và phát sinh những vấn đề nóng như: báo chí, viễn thông (quản lý thuê bao trả trước, tin nhắn rác), …

Năm 2015, Bộ TT&TT đã tổ chức tổng kết công tác tổ chức Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” giai đoạn 2013-2015. Đây là một hoạt động được Bộ TT&TT khởi xướng từ tháng 6/2013. Đến nay, Bộ đã tổ chức 45 cuộc triển lãm tại 30 tỉnh, thành phố, 9 điểm đảo, huyện đảo và 6 đơn vị lực lượng vũ trang trên toàn quốc, với bộ tư liệu trưng bày phong phú, đa dạng, trong đó có những tư liệu cực kỳ quý giá như bản đồ cổ, sách, ảnh cổ mà Bộ sưu tập được với sự giúp đỡ, hỗ trợ của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Triển lãm đã gây tiếng vang lớn, được đông đảo nhân dân và chiến sỹ các lực lượng vũ trang nơi tổ chức triển lãm hưởng ứng, đánh giá cao. Triển lãm đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của nhân dân về chủ quyền biển đảo và cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước ta.

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ TT&TT tiếp tục triển khai tích cực trong năm qua. Đến nay, về cơ bản Bộ đã hoàn thành Đề án tái cơ cấu Tập đoàn VNPT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; triển khai các thủ tục trình tự thực hiện cổ phần hoá tại Tổng công ty MobiFone trong giai đoạn 2015-2016 theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; quyết định tổ chức lại Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost), ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của VietnamPost, đưa VietnamPost từ một Tổng công ty phụ thuộc vào nguồn bù lỗ của ngân sách nhà nước thành Tổng công ty  có doanh thu ổn định, không chỉ cân đối thu chi mà còn đóng góp cho ngân sách nhà nước năm 2015 cao hơn 2014; chỉ đạo xây dựng và thực hiện quyết liệt phương án tái cơ cấu Tổng công ty VTC giai đoạn 2015-2016...

Nhờ sự nỗ lực, cố gắng của Bộ TT&TT, của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương, trong năm qua, các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ đều có sự phát triển với những kết quả tích cực, đáng ghi nhận.

Báo chí tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ là kênh thông tin chủ lực và hiệu quả trong việc thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, là cầu nối, diễn đàn phản ánh tiếng nói của nhân dân, thông tin kịp thời mọi mặt hoạt động của đất nước, tham gia đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, đấu tranh tư tưởng, phản bác những luận điệu bôi nhọ, xuyên tạc của các thế lực thù địch, đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, góp phần tạo đồng thuận xã hội và xây dựng lòng tin trong nhân dân.

Ngành TT&TT tự tin vững bước hội nhập - ảnh 2

Sự tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, CNTT tiếp tục là điểm sáng của ngành TT&TT trong năm 2015

Sự tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, CNTT tiếp tục là điểm sáng của ngành trong năm 2015. Lĩnh vực viễn thông, dịch vụ và công nghiệp CNTT vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng, có đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu và ngân sách nhà nước. Tổng doanh thu phát sinh toàn ngành trong năm 2015 (chưa tính công nghiệp CNTT) ước đạt 520.000 tỷ đồng (tăng 20.000 tỷ đồng so với năm 2014). Tổng nộp ngân sách nhà nước ước đạt 63.880 tỷ đồng (tăng 11.880 tỷ đồng so với năm 2014). Riêng 3 doanh nghiệp lớn trong ngành TT&TT cũng có những bước phát triển đáng ghi nhận như: VNPT đạt doanh thu khoảng 90.000 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 3.280 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 3.555 tỷ đồng; Viettel đạt doanh thu khoảng 240.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 45.800 tỷ đồng,  nộp ngân sách nhà nước 37.300 tỷ đồng; Mobifone đạt doanh thu 36.900 tỷ đồng, lợi nhuận 7.300 tỷ đồng, nộp ngân sách 3.926 tỷ đồng.

Những con số nêu trên, dù rất ấn tượng cũng chưa thể nói hết được những đóng góp thầm lặng nhưng hết sức quan trọng của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, CNTT đối với kết quả chung của cả nền kinh tế trong năm qua, đặc biệt là trong việc góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Thưa Bộ trưởng, năm 2015 là năm cuối cùng của nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XI, nhiệm kỳ Quốc hội và Chính phủ 2011 – 2016, cũng là năm chúng ta kết thúc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2015 mà Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả công tác 5 năm qua của Bộ TT&TT?

Chúng ta vừa kết thúc năm 2015, để đánh giá kết quả công tác của cả một nhiệm kỳ đòi hỏi phải có thời gian nghiên cứu, tổng kết sâu sắc và toàn diện. Ở đây, tôi chỉ xin nêu lên một số đánh giá bước đầu có tính khái quát. Có thể nói rằng, trong 5 năm qua, bám sát vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và Chính phủ, với sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành, chúng ta đã đưa ngành TT&TT phát triển vượt bậc lên một tầm cao mới.

Hệ thống tổ chức của Bộ TT&TT đã được bổ sung, nâng cấp một cách tương đối hoàn chỉnh. Thực hiện Nghị định số 132/2013/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ đã thành lập thêm các đơn vị: Cục An toàn thông tin, Vụ Thông tin cơ sở, Vụ Quản lý doanh nghiệp, Vụ Thi đua khen thưởng. Đây đều là những cơ quan tham mưu và thực thi pháp luật trực thuộc Bộ TT&TT, được thành lập nhằm đáp ứng yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước trong các lĩnh vực thuộc ngành TT&TT, trong đó có những lĩnh vực “nóng” như an toàn thông tin, thông tin cơ sở. Những đơn vị này, sau khi được thành lập đã phát huy tốt chức năng, vai trò của mình trong nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Đồng thời, triển khai chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong ngành, Bộ đã chỉ đạo và triển khai quyết liệt việc tái cơ cấu các doanh nghiệp trực thuộc Bộ như Tổng công ty  VTC, Tập đoàn VNPT. Đối với Tổng công ty VTC, Bộ đã thực hiện tách Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC về trực thuộc Bộ, sau đó chuyển giao sang trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam VOV theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Việc triển khai này vừa nhằm thực hiện quy hoạch lại các cơ quan báo chí thuộc Bộ, vừa thực hiện chủ trương tái cơ cấu, để doanh nghiệp tập trung vào sản xuất kinh doanh.

Đối với Tập đoàn VNPT, thực hiện Quyết định 1746/QĐ-TTg (ngày 16/11/2012) của Thủ tướng Chính phủ tách VietnamPost ra khỏi Tập đoàn VNPT,  lấy lại tên cũ Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam; thực hiện Quyết định 888/QĐ-TTg (ngày 10/6/2014), Bộ đã thực hiện việc tách Công ty Thông tin di động VMS ra khỏi Tập đoàn VNPT để thành lập Tổng công ty Viễn thông MobiFone, đồng thời cấu trúc lại tập đoàn VNPT với việc thành lập 3 tổng công ty trực thuộc tập đoàn bao gồm: VNPT-Net, VNPT-VinaPhone và VNPT-Media.

Cùng với VietnamPost, Tổng công ty MobiFone sau khi tách khỏi Tập đoàn VNPT vẫn tiếp tục có những bước phát triển mạnh, đạt hiệu quả cao và đã được trở thành Tổng công ty đặc biệt. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ,  MobiFone trở thành một nhà mạng độc lập, có chức năng kinh doanh đầy đủ các dịch vụ viễn thông, CNTT. Một số đơn vị sự nghiệp thuộc Tập đoàn VNPT, sau khi được chuyển giao về Bộ và các địa phương quản lý, trong đó Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Cục Bưu điện Trung ương được đưa về trực thuộc Bộ đều hoạt động tốt. Cùng với quá trình chia tách, sắp xếp lại về tổ chức, đội ngũ nhân sự chủ chốt của các doanh nghiệp và đơn vị cũng được kiện toàn, tăng cường với những nhân tố mới phù hợp.

Quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp trực thuộc Bộ là một cuộc chuyển đổi có tính chất bản lề với những thay đổi, tác động đến công việc và cuộc sống của từng người lao động trong doanh nghiệp. Vì vậy, đây là một công việc hết sức khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự quyết liệt, khẩn trương, nghiêm túc nhưng cũng hết sức linh hoạt khi tiến hành. Với sự chỉ đạo tập trung, sát sao của lãnh đạo Bộ, sự quyết tâm và trách nhiệm của lãnh đạo các doanh nghiệp, sự đồng lòng, ủng hộ của người lao động, đến nay có thể khẳng định, việc tái cơ cấu các doanh nghiệp của ngành TT&TT về cơ bản đã thành công, không để xảy ra những vấn đề phức tạp. Điều đáng ghi nhận là các doanh nghiệp trực thuộc Bộ (VNPT, MobiFone, VietnamPost và VTC), sau khi được tái cơ cấu đã nhanh chóng ổn định mọi mặt, vận hành theo mô hình mới một cách hiệu quả, đạt kết quả sản xuất kinh doanh tốt, doanh thu, lợi nhuận đều hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch đề ra và đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng.

Về công tác xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, kế hoạch, quy hoạch, 5 năm qua, Bộ TT&TT đã hoàn thành một khối lượng lớn công việc với nhiều đề án được trình lên các cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành và Bộ cũng chủ động ban hành nhiều văn bản quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý. Trong đó, có thể nêu ra đây một số văn bản nổi bật mà Bộ TT&TT đã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành bao gồm: Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/07/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, Luật Xuất bản 2012, Luật An toàn thông tin mạng, Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, Đề án Luật Báo chí (sửa đổi) và Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Đây đều là những văn bản ban hành chủ trương mang tính chiến lược, văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh những lĩnh vực nóng, quan trọng và phức tạp, với những quan hệ xã hội mới phát sinh có tác động lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội nói chung. Trong đó, có những đề án khó, phức tạp, đã kéo dài suốt 2 nhiệm kỳ, đến nay mới hoàn thành được như đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Việc ban hành những văn bản nêu trên cùng với những văn bản dưới luật mang tính triển khai, thực thi do Bộ TT&TT ban hành, nhìn chung, hành lang pháp lý cho tất cả các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ đã được thiết lập đồng bộ và đầy đủ, góp phần giúp công tác quản lý nhà nước đi vào nền nếp, bài bản theo tinh thần quản lý thúc đẩy phát triển, phục vụ phát triển.

Nhìn chung, trong 5 năm qua, tất cả các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ TT&TT đều có sự phát triển không ngừng, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị cũng như mọi chỉ tiêu, kế hoạch đề ra cho từng năm và cả nhiệm kỳ. Ngành TT&TT ngày càng khẳng định sự phát triển bền vững và có những đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của đất nước trên nhiều phương diện. Lĩnh vực báo chí, xuất bản luôn phát huy vai trò là công cụ tư tưởng, thông tin, tuyên truyền đắc lực và hiệu quả của Đảng và Nhà nước và các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, phục vụ nhu cầu tri thức, nhu cầu thông tin và văn hóa đọc của nhân dân. Lĩnh vực CNTT, viễn thông với vai trò là hạ tầng thiết yếu hàng đầu, là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội đang thâm nhập mạnh mẽ và có mặt ở khắp mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, từ cơ quan nhà nước đến các tổ chức, đơn vị và đã đưa dịch vụ viễn thông từ dịch vụ xa xỉ trở thành bình dân,  phục vụ thiết yếu cho cuộc sống thường ngày của người dân; cùng với hệ thống báo chí, phát thanh truyền hình đã góp phần rất hiệu quả vào việc xóa nghèo về thông tin cho nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo.

Trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn kéo dài suốt mấy năm qua, nhiều ngành sản xuất kinh doanh lao đao, đình đốn thì CNTT, viễn thông vẫn liên tục tăng trưởng nhanh và bền vững, vừa đóng góp trực tiếp hàng trăm nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, vừa góp phần đắc lực vào việc thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ đề ra từ đầu nhiệm kỳ là: kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược mà Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng đề ra. Là một ngành kinh tế khai thác nguồn tài nguyên tái tạo (tần số, kho số viễn thông) và tri thức, trí tuệ của con người Việt Nam. Có thể nói, CNTT, viễn thông ngày càng có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội, xứng đáng được coi là ngành tiên phong, đi đầu trong đổi mới, công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng trong những năm qua và trong tương lai.

5 năm qua và trong năm 2015, ngành TT&TT không chỉ có thành tích và kết quả tích cực. Vẫn còn đó không ít những hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Bộ trưởng có ý kiến gì về vấn đề này?

Đúng như vậy, bên cạnh những kết quả và thành tích rất đáng tự hào, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, trong các mặt công tác của Bộ và toàn ngành TT&TT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, trong đó có những vấn đề chưa được khắc phục triệt để, cụ thể như:

Hệ thống báo chí nhiều về số lượng nhưng chất lượng chưa tương xứng. Vẫn còn tình trạng báo chí xa rời tôn chỉ mục đích, chạy theo xu hướng lá cải, thông tin giật gân, câu khách, thiếu trách nhiệm. Lĩnh vực thông tin đối ngoại, đấu tranh chống các luận điệu thù địch, xuyên tạc, bôi nhọ đạt hiệu quả chưa cao.

Ngành xuất bản, in, phát hành đang đứng trước những thách thức, khó khăn gay gắt do sự suy giảm của văn hóa đọc, ảnh hưởng của tình trạng in lậu và sự phát triển của thông tin mạng.

Quy mô của ngành công nghiệp CNTT còn nhỏ, manh mún, khả năng cạnh tranh chưa cao; Nhân lực CNTT vẫn đang trong tình trạng vừa yếu, vừa thiếu.

Lĩnh vực viễn thông mặc dù đã cố gắng rất nhiều những vẫn chưa khắc phục triệt để được tình trạng tin nhắn rác, thư rác, thuê bao ảo... gây bức xúc trong xã hội. Công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng nhằm đối phó với các thủ đoạn  tấn công phá hoại của tội phạm trên mạng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Bộ máy, cơ sở vật chất, ngân sách hoạt động của các Sở TT&TT địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động quản lý nhà nước chuyên ngành TT&TT tại địa phương. 

Đây thực sự là những hạn chế, khó khăn mang tính hệ thống đòi hỏi toàn ngành TT&TT cần hết sức nỗ lực khắc phục, vượt qua trong những năm tới.

Bước sang năm 2016, năm mở đầu của nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Bộ trưởng có ý kiến chỉ đạo gì đối với toàn ngành?

Năm 2016 là năm có vị trí hết sức quan trọng, đây là năm toàn Đảng, toàn dân triển khai thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII và kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 – 2020 mà Đại hội đề ra. Điều này đòi hỏi chúng ta cần phải khẩn trương, nghiêm túc bắt tay vào triển khai các nhiệm vụ ngay từ đầu năm.

Trước hết, cần tập trung chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 7/1/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016; Tiếp tục nỗ lực hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý nhà nước chuyên ngành, đặc biệt là khẩn trương xây dựng, trình và ban hành các văn bản dưới luật nhằm nhanh chóng triển khai thực thi Luật An toàn thông tin mạng, Luật Báo chí (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua trong năm 2016; Triển khai Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 sau khi được chính thức ban hành…

Đẩy mạnh công tác chỉ đạo, điều hành, thực thi pháp luật, thúc đẩy các lĩnh vực cùng phát triển, đồng thời khắc phục, ngăn chặn những mặt trái, mặt tiêu cực tồn tại lâu nay trên lĩnh vực báo chí, thông tin mạng, tin nhắn rác,… Tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp hoàn thiện mô hình sau tái cơ cấu, đặc biệt là triển khai cổ phần hóa Tổng công ty Viễn thông MobiFone theo đúng quy trình, quy phạm và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm mang lại lợi ích cao nhất cho nhà nước, cho doanh nghiệp và người lao động, góp phần tiếp tục thúc đẩy thị trường viễn thông phát triển mạnh mẽ hơn và mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng; Tích cực triển khai đề án số hóa truyền hình theo đúng tiến độ, bảo đảm quyền lợi của người dân trong quá trình số hóa truyền hình…

Xuyên suốt cả kế hoạch 5 năm sắp tới, Bộ TT&TT cần chủ động bám sát Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII và chỉ đạo của Chính phủ, sớm xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII nhằm cụ thể hóa những giải pháp và mục tiêu mà Đại hội đã đề ra cho ngành TT&TT thành những mục tiêu và giải pháp cụ thể để đưa ngành TT&TT tiếp tục tiên phong trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2020 đưa nước ta về cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Nhân dịp bước sang năm mới 2016 và đón Xuân Bính Thân, thay mặt Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ TT&TT, tôi nhiệt liệt biểu dương những cố gắng và thành tích, kết quả của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn ngành. Tôi thân ái gửi tới các đồng chí cán bộ lão thành, hưu trí, công chức, viên chức, nhân viên, người lao động, các em học sinh, sinh viên đang công tác, học tập trong ngành TT&TT và đông đảo bạn đọc Báo Bưu điện Việt Nam cùng gia đình lời chúc năm mới: Sức khỏe – Hạnh phúc – An khang – Thịnh vượng. Chúc ngành TT&TT của chúng ta năm mới tiếp tục gặt hái được nhiều thành công mới!

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Đăng Vũ (Thực hiện)

Xây dựng con người và công nghệ hướng tới một Việt Nam bao trùm số

Nhằm tạo cầu nối giữa những người sáng tạo công nghệ và các nhóm yếu thế, “Sáng kiến công nghệ bao trùm” giúp họ hòa nhập và phát triển, từ đó thúc đẩy xã hội công bằng và bền vững.

Đề xuất miễn visa cho khách thị trường trọng điểm

Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất miễn thị thực nhập cảnh đối với khách ở các thị trường trọng điểm như châu Âu, Bắc Mỹ, Australia.

Khách nhiễm Covid-19 cố tình giấu bệnh lên máy bay có thể bị cấm bay vĩnh viễn

Trước khi lên máy bay khách có xét nghiệm xác nhận bị nhiễm Covid-19 nhưng không khai báo trung thực có thể bị Vietnam Airlines cấm bay vĩnh viễn trên các chuyến bay của hãng.

VOV bổ nhiệm Phó giám đốc đài truyền hình kỹ thuật số VTC

Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đã quyết định bổ nhiệm ông Lương Minh Đức giữ chức Phó GĐ Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, đồng thời tái bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Bình tiếp tục giữ chức Phó GĐ Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ làm trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội

Sáng 18/ 2, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội tổ chức họp đoàn kiện toàn chức danh Trưởng đoàn.

Bộ TT&TT điều động và bổ nhiệm 13 cán bộ lãnh đạo chủ chốt

Nhận định lần trao các quyết định giao nhiệm vụ quy mô lớn này là một sự kiện lịch sử của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, với vị trí, nhiệm vụ mới, 13 cán bộ lãnh đạo các đơn vị sẽ có năng lượng mới để đóng góp tốt hơn cho Bộ, đất nước.

Tọa đàm Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng CSVN với sự nghiệp văn hóa-VHNT VN

Buổi tọa đàm với diễn giả là GS. Phong Lê - Nguyên Viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, diễn ra lúc 9h00 ngày 03/02/2020 tại Tầng 1 Tòa nhà chính Thư viện Quốc gia Việt Nam, 31 Tràng Thi, Hà Nội.

Đắk Lắk: Bệnh nhân bị đồn nhiễm virus corona là một tiếp viên hàng không

Liên quan đến thông tin trên mạng xã hội cho là "có người nhiễm corona tại Đắk Lắk", sáng 28/1, lãnh đạo BVĐK vùng Tây Nguyên cho biết, có một bệnh nhân bị sốt đang được điều trị tuy nhiên chưa thể kết luận có nhiễm virus corona hay không.

Đà Nẵng: Xuân 2020 hướng tới 22 dự án với tổng vốn đầu tư 1,7 tỉ USD

Các cơ quan hữu quan của Đà Nẵng đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục đầu tư đối với các dự án đang xúc tiến để tại “Tọa đàm Mùa xuân 2020” có thể hướng tới 22 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn khoảng 1,715 tỉ USD

Tân Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn

Sáng nay 20/1, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý trao quyết định của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung bổ nhiệm Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Hà Nội cho ông Nguyễn Hồng Sơn.

Đang cập nhật dữ liệu !