Ngành Thông tin-Truyền thông triển khai nhiệm vụ sớm
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác 2015 của ngành Thông tin - Truyền thông. (Ảnh: Thái Anh) |
Năm 2014 là năm có số lượng đề án được Bộ TT&TT xây dựng, tham mưu trình Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều nhất từ trước đến nay với 21 đề án.
Bộ đã chỉ đạo và định hướng tốt công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các hoạt động sự kiện chính trị lớn của đất nước, các phong trào lớn như: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, khẳng định cơ sở pháp lý và lịch sử của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và đấu tranh với hành động sai trái của Trung Quốc trong việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981...
Hoạt động khai thác mạng lưới, vận chuyển trong lĩnh vực bưu chính, chuyển phát ổn định. Trong năm 2014, Bộ TT&TT đã cấp 21 giấy phép bưu chính và 15 xác nhận thông báo hoạt động bưu chính, nâng tổng số DN tham gia hoạt động bưu chính ở Việt Nam lên trên 100 đơn vị.
Công tác quản lý Nhà nước về viễn thông được triển khai đồng bộ gồm: Quản lý thị trường, cơ sở hạ tầng viễn thông, tài nguyên viễn thông... Đến nay có khoảng 24 DN viễn thông được phép lập mạng viễn thông công cộng, hơn 100 DN được phép cung cấp dịch vụ viễn thông. Số lượng thuê bao internet băng rộng đạt hơn 11,9 triệu; thuê bao di động đạt trên 138,6 triệu với tổng doanh thu cước phát sinh khoảng 305.000 tỷ đồng.
Điểm nhấn trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước của Bộ TT&TT là Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã được phê duyệt với việc nâng cấp Công ty Thông tin di động VMS thành Tổng công ty Viễn thông Mobifone; lập 3 tổng công ty trực thuộc VNPT.
Trong năm 2014, tổng doanh thu toàn ngành TT&TT (chưa tính công nghiệp CNTT) ước đạt 500.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 52.000 tỷ đồng.
Công nghiệp CNTT tiếp tục khẳng định là ngành kinh tế quan trọng, đóng góp ngày càng tăng vào tăng trưởng GDP cũng như xuất khẩu của cả nước với tổng doanh thu ước đạt 27 tỷ USD. Tổng số nhân lực làm việc trong lĩnh vực CNTT ước đạt 350.000 người. Hệ thống đào tạo nhân lực CNTT tiếp tục được duy trì ổn định với 290 trưởng ĐH, CĐ và 150 cơ sở đào tạo nghề.
Bộ TT&TT đã thanh tra việc chấp hành pháp luật tại 57 tổ chức, DN trong các lĩnh vực bưu chính, báo chí và thông tin điện tử, in và phát hành, viễn thông và CNTT; qua đó xử phạt hành chính gần 3,8 tỷ đồng. Đặc biệt là các cuộc thanh kiểm tra đột xuất đối với các vi phạm trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông gây bức xúc trong dư luận.
Những khó khăn được lãnh đạo Bộ TT&TT nhìn nhận là công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin đang phải đối mặt với các vụ tấn công ngày càng phức tạp cả về quy mô lẫn mức độ ảnh hưởng trong khi hoạt động này chưa được các cơ quan, DN, tổ chức quan tâm đúng mức.
Trong năm 2015, Bộ TT&TT xác định 10 lĩnh vực công tác trọng tâm như: Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật góp phần tạo môi trường pháp lý minh bạch, thuận lợi cho DN và người dân; tăng cường chỉ đạo công tác quản lý Nhà nước về báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử...; đẩy mạnh tái cơ cấu các DNNN thuộc lĩnh vực TT&TT; bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương ứng phó kịp thời trước các nguy cơ tấn công từ bên ngoài qua mạng internet...
Bộ TT&TT xác định dành nguồn lực mạnh mẽ để triển khai Nghị quyết số 36/NQ-TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu bền vững và hội nhập quốc tế, cũng như hàng chục đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất; Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020; Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT; Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020; Quy hoạch phát triển dịch vụ phát thanh, truyền hình Việt Nam đến năm 2020...
Theo Chinhphu.vn