Ngăn "nhà chồ hạng sang" mọc trên sông Hàn
Đà Nẵng "chặn" Vinalines dây dưa di dời cảng Sông Hàn
Đà Nẵng: Bán đất nghĩa trang cấp cho hội đồng hương?
Phối cảnh nhà hàng của Công ty I.V.C. cạnh chân cầu phía Tây cầu Rồng. Đơn vị tư vấn cố tình vẽ cầu Rồng cao hơn nhà hàng nhưng thực tế thì cây cầu này giao bằng cost với vỉa hè đường Bạch Đằng, nghĩa là bằng với... mặt sàn của nhà hàng I.V.C. - Ảnh: HC |
"Nhà chồ" sẽ che khuất cầu Rồng?
"Nhà chồ" là những túp lều tranh, tre, gỗ, ván, nilon... rách nát, tạm bợ của một số cư dân vạn đò sinh sống trên sông Hàn từ cách đây hơn chục năm về trước. Chính quyền Đà Nẵng đã rất vất vả, tốn kém mới đưa được các hộ này lên bờ để xoá sổ các xóm nhà chồ vốn hết sức nhếch nhác, phản cảm trên dòng sông chảy ngang qua giữa lòng TP.
Khái niệm này bất ngờ được Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến nhắc lại tại cuộc họp Hội đồng Kiến trúc quy hoạch Đà Nẵng hôm 19/10 khi nhận xét về phương án kiến trúc nhà hàng của Công ty I.V.C. (Đà Nẵng) ở chân cầu Rồng phía bờ Tây. Trên tổng diện tích chiếm đất 3.000m2, chủ đầu tư đề xuất xây dựng một nhà hàng 3 tầng cao 15m với diện tích xây dựng 2.740m2.
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Vũ Quang Hùng, mật độ xây dựng như vậy là quá dày, không có sự thông thoáng cần thiết đối với một nhà hàng ven sông. Vì vậy Sở này đề nghị mật độ xây dựng ở đây chỉ khoảng 15%, chiều cao công trình chỉ từ 7,5 - 8m và tăng cường không gian ngoài trời với kiến trúc thông thoáng hơn.
Đơn vị tư vấn nói rằng đã tiến hành điều thiết kế, đưa ra phương án mới hài hoà với mô típ của cầu Rồng và thể hiện được văn hoá kiến trúc của Đà Nẵng. Theo đó, sẽ giảm diện tích và chiều cao, kiến trúc như một làng nổi trên sông chứ không phải một công trình quá hiện đại, phản cảm so với không gian chung. Khối tích giảm bớt sự nặng nề, mở rộng không gian bên ngoài để khách có thể ra cầu tàu, ăn uống, nhìn ngắm cầu Rồng...
Thiết kế hệ mái của nhà hàng I.V.C. khiến Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến phải nhận xét là chẳng khác gì những "nhà chồ" trên sông Hàn! - Ảnh: HC |
Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến, công trình này nằm cạnh cầu Rồng là một kiến trúc trọng điểm, nổi bật của đô thị Đà Nẵng, nên phải làm thế nào để không phản cảm, ảnh hưởng đến kiến trúc của cầu vì đó mới là kiến trúc chính. Sau khi xem xét thiết kế mới, ông Chiến nhận xét ngay: "Nhà hàng này làm cao quá mặt cầu sẽ không đẹp!".
Ông Vũ Quang Hùng phát hiện, bản phối cảnh thiết kế vẽ không đúng. Bởi nếu vẽ đúng thì cầu Rồng phải giao bằng cost với đường Bạch Đằng. Và như vậy nhà hàng I.V.C. sẽ cao hơn mặt cầu Rồng rất nhiều chứ không phải cầu Rồng cao hơn mái nhà hàng như trong bản phối cảnh. Đến khi xem tiếp thiết kế hệ mái của nhà hàng này, ông Văn Hữu Chiến phải thốt lên: "Đi từ trên cầu Rồng nhìn xuống giống như cái "nhà chồ"!".
Ngoài ra, theo Viện phó Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng Thái Ngọc, cần hết sức lưu ý vấn đề đỗ xe ở khu vực này vì vỉa hè 12m là của công cộng. Nếu xây dựng nhà hàng với quy mô lớn mà không tổ chức được chỗ đỗ xe sẽ nảy sinh rất nhiều bất cập, do nút giao cầu Rồng - đường Bạch Đằng có lưu lượng người, xe lưu thông rất lớn, người dân, du khách đến đây thưởng lãm vẻ đẹp của cầu Rồng cũng rất động...
Nhà hàng hay "nhà chồ hạng sang" của Công ty I.V.C, sẽ che khuất cầu Rồng? - Ảnh: HC |
Không để tái lập "Hàm cá mập" trên sông Hàn
Tất cả những điều này cho thấy, đơn vị tư vấn thiết kế nhà hàng I.V.C. hoàn toàn không nắm được gì về tổng thể cảnh quan chung của khu vực chân cầu Rồng phía bờ Đông, nơi định đặt nhà hàng của Công ty I.V.C.; hoặc biết mà cố tình lờ đi theo hướng có lợi cho họ nhưng không qua mắt được các cơ quan chức năng Đà Nẵng.
Theo Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, cần thiết có một điểm để người dân, du khách thư giãn nhẹ nhàng và nhìn ngắm cầu Rồng, song phải đẹp, hết sức độc đáo. Thiết kế công trình tại khu vực dự định đặt nhà hàng I.V.C. là chỗ khó nhất trên địa bàn TP. Bởi ở đây, ngoài cầu Rồng còn có Bảo tàng điêu khắc Chăm, cao ốc VTV tại Đà Nẵng... Vì vậy phải thiết kế sao cho hài hoà, độ cao hợp lý.
"Không chỉ từ sông Hàn nhìn vào, đường Bạch Đằng nhìn ra mà đặc biệt là dòng người lưu thông trên cầu Rồng nhìn xuống. Đây là nơi "quan trên trông xuống, người ta trông vào" nên phải hết sức cẩn thận. Làm cho đẹp thì làm, còn xấu đi thì dứt khoát không cho làm. Thứ ni làm rồi thì rất khó đập phá, nếu để xảy ra như "Hàm cá mập" như ở hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) thì không thể khắc phục nổi. Giờ lỡ rồi thì phải cứ rứa mà "gồng", sửa tới sửa lui, tốn biết bao nhiêu tiền vẫn không đẹp!" - ông Nguyễn Bá Thanh nói.
Phương án bến du thuyền cùng nhà chờ kết hợp quán cafe của khách sạn Riverside đã bị bác bỏ, bởi "nếu các khách sạn hai bên bờ sông đều nhô ra làm cầu tàu, bến du thuyền... thì có giống ai không?" - Ảnh: HC |
Kết luận về dự án, ông Văn Hữu Chiến yêu cầu làm lại ít nhất 3 phương án, thoát khỏi ý tưởng đã trình bày, tìm ý tưởng khác mới hơn, đặc biệt là kiến trúc hệ mái. Ông Nguyễn Bá Thanh cũng yêu cầu phải tính toán lại, không đặt nhà hàng áp sát quá gần cầu Rồng, không đưa cả cầu tàu vào đây... "Chỗ này phải hết sức cẩn thận, hết sức bình tĩnh để làm. Lơ mơ là phá vỡ toàn bộ cảnh quan khu vực chứ không đơn giản!" - ông Thanh nhắc lại.
Cũng tại cuộc họp này, Hội đồng Kiến trúc quy hoạch Đà Nẵng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục xem xét phương án kiến trúc quán cafe của VinaCapital trước cao ốc Azura vì "nhìn ra sông mà xây kín cổng cao tường sẽ không đẹp". Đồng thời bác phương án lấn ra sông 20m xây dựng bến du thuyền với cầu tàu 125m và nhà chờ kết hợp quán cafe của khách sạn Riverside ở bờ Đông sông Hàn vì "sẽ phá vỡ cảnh quan chung".
Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh giao Viện Quy hoạch xây dựng quy hoạch toàn bộ các bến du thuyền, cầu tàu, nhà hàng, quán bar... ven sông Hàn để tránh tình trạng các nhà đầu tư, doanh nghiệp đổ xô xây dựng gây mất mỹ quan.