“Nếu chọn ứng viên nữ ĐBQH theo hình thức thì không đem lại cái gì”
- Thưa bà, Quốc hội vừa tổng kết công tác nhiệm kỳ 2011-2016, bà đánh giá thế nào về hoạt động của nữ ĐBQH trong nhiệm kỳ vừa qua, trong đó có cá nhân bà?
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh: Nữ đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ vừa qua có thể nói là tỷ lệ thấp nhất trong vòng 20 năm qua nhưng lại có sự phát huy rất mạnh mẽ.
Có thể nói đó là sự phát huy trong hoạt động lập pháp, giám sát tối cao của đất nước, đặc biệt là đẩy mạnh thực hiện luật bình đẳng giới, lồng ghép quyền bình đẳng giới vào trong các luật, bộ luật rất bài bản. Hầu hết các luật đều trải qua quy trình đó.
Trong công tác quy hoạch cán bộ nữ ở các Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội cũng lần đầu tiên Đảng đoàn Quốc hội thực hiện quy định như thế. Từ nay trở đi các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng phải có sự bố trí, quy hoạch cán bộ nữ. Đây là những điều chưa từng có. Đặc biệt, lần đầu tiên trong nhiệm kỳ này có 2 nữ ủy viên Bộ Chính trị, đến cuối nhiệm kỳ có 3 nữ ủy viên Bộ Chính trị.
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn ĐBQH Hà Nội. |
- Bà vừa cho rằng, trong nhiệm kỳ này số nữ ĐBQH là ít nhất từ trước đến nay. Vậy theo bà, phải làm thế nào để có nhiều nữ hơn tham gia hoạt động của Quốc hội?
Vừa rồi khi hướng dẫn bầu cử Hội đồng bầu cử Quốc gia và Ban Tổ chức Trung ương đã đưa ra tỷ lệ ít nhất phải đạt được đối với ứng cử viên nữ, các địa phương cũng cố gắng nên thực hiện theo. Tỷ lệ ít nhất là 35% còn nhiều hơn thì càng tốt vì đến khi mình đưa ra không đảm bảo cũng không được.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là phải chọn được những ứng cử viên thực sự có năng lực, trình độ, am hiểu về pháp luật nữa thì khi ra ứng cử người dân mới có thể tin tưởng được.
Nếu mình tham gia vào công tác lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước mà không hiểu gì về luật cả mà chỉ theo một cái bị động thì rất khó. Vì vậy, phải có sự am hiểu nhất định và cũng phải có sự mong muốn, quyết tâm cao.
Cái quan trọng là các cấp ủy, chính quyền nên chọn những đối tượng ứng cử viên có thể tham gia được thì hãy đưa vào còn nếu chọn theo hình thức thì cũng không đem lại cái gì cả.
- Vậy bà đánh giá thế nào về số lượng ứng cử viên nữ ĐBQH vừa được đưa ra tại các vòng hiệp thương vừa qua?
Qua đợt vừa rồi có một số địa phương có tỷ lệ cao, rất tốt nhưng có địa phương tỷ lệ thấp quá. Đây không phải dễ! Việc này đòi hỏi trong cả tổ chức bầu cử phải có sự quan tâm thực sự, đúng đắn, phải chọn lựa những ứng cử viên có chất lượng.
Thêm nữa là bản thân chị em phụ nữ phải thể hiện sự trách nhiệm, quyết tâm cao khi tham gia vào. Tuy nhiên, khi đưa ra phải có sự ủng hộ của các gia đình. Nhiều khi chị em cũng muốn tham gia nhưng trong các gia đình không ủng hộ làm cho chị em cũng không muốn tham gia. Điều này cũng cần có sự quan tâm chung của mỗi gia đình cho đến mỗi địa phương.
- Vậy so với nam giới, nữ giới khi làm đại biểu Quốc hội có những khó khăn gì?
Khó khăn thì đương nhiên rồi! Đại biểu Quốc hội nói chung đã là khó khăn. Bởi vì thời gian đi họp Quốc hội là phải toàn tâm, toàn ý với việc của dân, của nước. Vì vậy, nếu thực sự những ai không có suy nghĩ sâu về trách nhiệm để tham gia sẽ cảm thấy rất ngỡ ngàng khi vào đây sẽ họp liên miên và phải phát biểu nếu không cũng không đáp ứng được. Vậy nên nó cũng có cái nặng nhọc!
Nếu mình không hiểu chuyện đó, mình cứ nghĩ vào để vinh dự thôi thì không đem lại cái gì cả và rất vất vả. Phải chịu đọc, chịu nghe, chịu đi và phải tập hợp ý kiến của nhân dân gửi đến các cơ quan; đồng thời phải theo đuổi bám sát, có thể sẽ hơi phiền phức cho cá nhân nhưng cũng không được nản. Nói chung rất khó khăn cho nên nhiều gia đình người ta cũng không muốn. Đây là điều chị em phải vượt lên chính mình và phải có năng lực, am hiểu thì công việc mới đỡ nặng nề.
- Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!