Nên sử dụng, triển khai thành tựu cuộc CMCN 4.0 một cách “khôn ngoan”
Phóng viên báo Điện tử Infonet đã có cuộc phỏng vấn TS. Lê Quang Huy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học & Công nghệ của Quốc hội xung quanh vấn đề này.
TS. Lê Quang Huy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học & Công nghệ của Quốc hội |
Theo các nhà chuyên môn, cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 là cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử nhân loại, nó sẽ diễn biến rất nhanh, tạo ra những khả năng hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đối với các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới. Ông đánh giá như thế nào về nhận định này?
TS.Lê Quang Huy: Thuật ngữ CMCN 4.0, hay CMCN lần thứ 4 được nêu ra lần đầu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2016. Theo đó, cuộc cách mạng này sẽ làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất, lực lượng sản xuất, thay đổi lối sống, phong cách làm việc, cách thức giao tiếp của chúng ta và không giống với bất kỳ điều gì mà chúng ta đã trải qua do tốc độ lan tỏa, phạm vi ảnh hưởng và sự tác động mang tính hệ thống của nó. Động lực chủ yếu của CMCN 4.0 bao gồm: Vật lý; Số hóa và Sinh học.
Nổi bật là sự kết hợp giữa thế giới thực và thế giới số hóa tạo thành các hệ thống mạng liên kết rộng khắp dựa trên nền tảng internet hoặc các mạng vật lý. Những thành tựu trong lĩnh vực khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo đã giúp cho các thế giới số giao tiếp với nhau, với con người ngày càng thông minh. Đây là những yếu tố mang tính cốt lõi trong CMCN 4.0.
Với thực trạng của Việt Nam hiện nay, theo ông, chúng ta có thể bắt kịp xu thế không và có ứng dụng được vào mọi mặt của cuộc sống đặc biệt trong lĩnh vực cải cách hành chính, thực hiện Chính phủ điện tử không?
TS Lê Quang Huy: Tuy có không ít khó khăn, thách thức nhưng CMCN 4.0 mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam trong đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh, rút ngắn khoảng cách phát triển. Chúng ta đã có phản ứng rất kịp thời về mặt chính sách tăng cường năng lực, chuẩn bị tiếp cận và quyết tâm nắm bắt cơ hội.
Chúng ta có truyền thống tốt về toán học, lực lượng trẻ làm CNTT của ta khá đông đảo, có kỹ năng, tiếp cận với xu thế mới, khát khao cống hiến; có nhiều chuyên gia về khoa học cơ bản, ứng dụng có uy tín trong và ngoài nước.
Hạ tầng Internet, viễn thông của chúng ta khá tốt, đã đi thẳng vào những công nghệ hiện đại nhất và đã có những bước phát triển vượt bậc. Một số chỉ số mang tính toàn cầu gần đây về cạnh tranh, về đổi mới sáng tạo, về CNTT hoặc kết quả đánh giá phát triển của một số ngành nghề cho thấy ta có nhiều tiến bộ. Với những điều kiện đó tôi tin rằng chúng ta hoàn toàn có thể tiếp cận được với xu thế mới này. Vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta nhận diện nó thế nào, cách làm của chúng ta ra sao và có quyết tâm theo đuổi đến cùng hay không.
Chúng ta đã rất nỗ lực trong tin học hóa thủ tục hành chính, hiện đại hóa nền hành chính và triển khai xây dựng Chính phủ điện tử tương đối thống nhất, đồng bộ, thông suốt trong cả nước.
CMCN 4.0 tạo cơ hội mới, sức ép mới, buộc chúng ta phải triển khai tích cực hơn, rộng rãi hơn và sử dụng có hiệu quả hơn. Trên thực tế có nhiều ứng dụng số hóa trong hiện đại hóa hành chính, Chính phủ điện tử hoặc trong lĩnh vực khác mà chúng ta triển khai là kết quả của các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó chứ chưa hẳn là sản phẩm của thế hệ 4.0. Điều này hết sức lưu ý.
Như ông từng trao đổi với phóng viên, điều đáng lo ngại nhất là việc chúng ta thực hiện theo kiểu “phong trào”, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong suốt năm qua, theo ông cần làm gì để đi vào thực chất?
TS Lê Quang Huy: Chúng ta cần tránh những suy nghĩ quá lãng mạn, cách làm theo kiểu phong trào, hô hào chung chung, rất dễ chúng ta lại lỡ nhịp, tụt hậu. Nếu không làm chủ vận mệnh của mình bằng trí tuệ, bằng năng lực nội sinh thì ta sẽ mãi là người chịu thua thiệt trong tương lai.
Để làm tốt hơn, theo quan điểm cá nhân tôi cần chú ý tới 4 khía cạnh: Thứ nhất, chúng ta khao khát nắm bắt, đi đầu, sáng tạo ra những công nghệ mới, chưa ai từng làm, mang tính dẫn dắt là rất tốt và đáng khuyến khích nhưng cực kỳ khó khăn. Theo tôi chúng ta cần tập trung hơn cho mục tiêu tiếp cận nhanh, đánh giá đúng, sử dụng, triển khai thành tựu của cuộc cách mạng này một cách khôn ngoan, bắt đầu bằng việc giải quyết những đòi hỏi cụ thể của thực tiễn để phục vụ mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước.
Thứ hai, cần trả lời chính xác các câu hỏi chúng ta đang ở đâu; mục tiêu ưu tiên, chọn lựa trước mắt, lâu dài của chúng ta là gì trước xu thế mới; điều kiện cần thiết nào để triển khai? Ta cần xác định rõ các ngành của chúng ta đang ở vị trí nào trong trình tự các cuộc cách mạng công nghiệp và xác định bước đi phù hợp cho các ngành đó. Tất cả đồng loạt hay chỉ một vài ngành, thậm chí một số chuyên ngành hẹp mới phải nhanh chóng hướng đến yêu cầu của cuộc cách mạng này. Nói cách khác cần xác định rõ trọng tâm ưu tiên.
Thứ ba, doanh nghiệp là nơi hấp thụ, triển khai các công nghệ mới, là nơi thực hiện đổi mới sáng tạo, là trung tâm của cuộc cách mạng này. Do đó, môi trường đầu tư, kinh doanh phải thông thoáng, con người trong doanh nghiệp cần có tư duy năng động, được tự do sáng tạo, làm ra những giá trị mới, không chỉ có kiến thức mới mà cần cả các kỹ năng mới. Với doanh nghiệp, sự đồng hành, hỗ trợ của Nhà nước không thể thiếu được trong đó quan trọng là sự ổn định chính sách và đổi mới, xây dựng, thực thi các cơ chế đầu tư, tài chính cho khoa học và công nghệ, cơ chế yêu cầu, đặt hàng thay vì chỉ cung cấp, hỗ trợ.
Và cuối cùng đó là dữ liệu số hóa có vai trò trọng tâm trong cuộc CMCN 4.0. Chúng ta cần ưu tiên tập trung thực hiện số hóa, khai thác dữ liệu mạnh mẽ hơn nữa. Dữ liệu số hóa này không chỉ do khu vực Nhà nước sản sinh ra và quản lý mà còn nằm ở khu vực tư nhân, cộng đồng, người dân. Do đó rất cần thiết sự định hướng của Nhà nước, hành lang pháp lý huy động toàn xã hội tham gia xây dựng, sử dụng rộng rãi, sáng tạo, bổ sung, chia sẻ, duy trì các kho tri thức mở khổng lồ này.
Xin cảm ơn ông!