Nên giữ nguyên pháp y trực thuộc CA tỉnh
Nên giữ nguyên pháp y trực thuộc CA tỉnh
Thảo luận tại hội trường đa số các ý kiến đại biểu cho rằng nên giữ nguyên tổ chức pháp y thuộc Phòng kỹ thuật CA tỉnh. Bởi trong tình hình gia tăng tội phạm hiện nay, ngành công an không đơn thuần chỉ làm công tác giám định pháp y thông thường, mà còn căn cứ vào dấu vết từ giám định để truy tìm tội phạm...
Các đại biểu đang thảo luận tại hội trưởng - Ảnh P.H |
Theo quy định tại Điều 13 Dự thảo Luật, tổ chức GĐTP công lập về pháp y bao gồm: Viện pháp y quốc gia thuộc Bộ Y tế; Trung tâm giám định pháp y tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (thuộc ngành y tế); Viện pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng; Trung tâm giám định pháp y thuộc Viện khoa học hình sự, Bộ Công an.
Theo đó, hệ thống tổ chức GĐTP về pháp y không còn Giám định viên pháp y thuộc Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (CA cấp tỉnh) như quy định hiện hành.
Theo tờ trình của Chính phủ “quy định như vậy khắc phục tình trạng phân tán lực lượng, tránh chồng lấn, tạo điều kiện tăng cường đầu tư cho các Trung tâm pháp y cấp tỉnh thuộc ngành Y tế, phù hợp yêu cầu của cải cách tư pháp…”
Theo số liệu của Viện Pháp y quốc gia cho thấy, trong 41 tỉnh có pháp y y tế và pháp y công an thì 24 tỉnh không có sự phối hợp với nhau trong giám định, thậm chí còn gây khó khăn cho nhau, tranh giành nhau về vụ việc giám định.
Tuy nhiên, về phía Bộ Công an vẫn đề nghị giữ nguyên tổ chức hiện có để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.Theo đại biểu Nguyễn Văn Minh - Bắc Cạn thì lực lượng pháp y y tế không đủ điều kiện đảm đương về trình độ cán bộ lẫn cơ sở vật chất kỹ thuật.. Ngành công an thành lập từ rất lâu, được trang bị nghiệp vụ cũng như phương tiện kỹ thuật hiện đại hơn pháp y y tế... Ví dụ như trang thiết bị về giám định gen hiện đại của pháp y công an rất tiên tiến...
Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy - Hòa Bình nêu ý kiến: "Nên giữ nguyên pháp y tại lực lượng CA tỉnh. Bởi giám định của lực lượng CA rất kịp thời, có tính kỷ luật cao, trang thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, để tồn tại hai tổ chức pháp y thì nguồn kinh phí Nhà nước sẽ rất hạn hẹp. Do vậy, theo tôi cần qui định rõ chức năng của hai tổ chức này tránh sự chồng chéo lấn sân nhau"
Đại biểu Nguyễn Văn Tiến - Vũng Tàu cho biết:"Nhiều năm qua, hoạt động giám định pháp y của đội ngũ giám định viên pháp y thuộc CA đã phát huy rất hiệu quả, phục vụ đắc lực và kịp thời cho hoạt động tố tụng, nhất là đối với các vụ án phức tạp, nghiêm trọng và không có vướng mắc lớn về tổ chức thực hiện cũng như quản lý nhà nước.
Hơn nữa, theo quy định của dự thảo Luật, tại Bộ Công an và Bộ Quốc phòng vẫn có tổ chức giám định pháp y. Do đó, ý kiến này đề nghị dự thảo Luật giữ quy định giám định viên pháp y tại tổ chức giám định kỹ thuật hình sự thuộc CA cấp tỉnh như hiện hành.
Các ý kiến thảo luận tại tại hội trường, sẽ được QH xem xét nhưng thực tế cho thấy, việc tồn tại hai tổ chức giám định pháp y với chức năng, nhiệm vụ như nhau là không cần thiết, chưa kể nguồn kinh phí của Nhà nước phải đầu tư cho cả hai, do vậy cần qui về một mối.
Dự án Luật quy định cho phép đương sự trong tố tụng dân sự, hành chính được tự mình yêu cầu giám định tư pháp. Về điều này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đồng ý trên nguyên tắc với dự án Luật để đương sự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong tố tụng.
Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp đề nghị, việc mở rộng quyền yêu cầu giám định tư pháp của đương sự cần được sửa đổi, bổ sung vào các quy định tương ứng trong Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính…
Hà Phương