Nâng mức giảm trừ gia cảnh để hỗ trợ người lao động
Nâng mức giảm trừ gia cảnh để hỗ trợ người lao động
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ. Ảnh Xuân Hải. |
Thưa Bộ trưởng trong dự thảo sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN), nâng mức thu nhập chịu thuế từ 4 triệu đồng/người lên 6 triệu/người đó đã phải con số chính thức?
Hiện nay, mọi thông tin đều chưa được công bố chính thức vì tháng 6 này Bộ phải trình Thường trực Chính phủ. Tất cả vấn đề sửa đổi vẫn đang được bàn bạc, chưa thể nói gì, Bộ đang tiếp tục lắng nghe và xem xét. Việc giảm tỷ lệ động viên và khoan sức dân trong lần sửa đổi này không chỉ ở mức giảm trừ gia cảnh, mà còn cả giãn biểu thuế, nghĩa là một phần thu nhập chịu thuế đáng lẽ nộp ở bậc cao sẽ chuyển xuống nộp ở bậc thấp. Cho nên người dân có thu nhập được hưởng lợi ở nhiều nội dung.
Mong muốn được nâng mức thu nhập chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh là mong muốn của người lao động bởi nó giảm bớt được khó khăn, ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?
Sau khi dự án Luật này trình Chính phủ và Chính phủ đồng ý thông qua và trình Quốc hội, tôi sẽ nói cặn kẽ và thấu đáo thế nào là mức giảm trừ gia cảnh. Hiện nay, nó không phải mức để đảm bảo đời sống tối thiểu, mà chính phần còn lại sau khi đánh thuế mới gọi là mức đảm bảo đời sống.
Có ý kiến cho rằng gói hỗ trợ thuế VAT chưa có nhiều tác dụng và mức giảm còn quá ít Bộ trưởng có ý kiến gì về vấn đề này?
Trong gói hỗ trợ thuế, chưa kể thuế giá trị gia tăng (VAT) của hàng hóa nhập khẩu, nếu đề xuất giảm 50% số thuế này, lập tức ngân sách giảm thu ngay 130.000 đến 140.000 tỉ đồng, như vậy sẽ không có nguồn để bù.
Bội chi ngân sách Quốc hội đã có quyết định rồi, mọi giải pháp về thuế phải xem xét đến cân đối ngân sách, không chỉ Trung ương mà cả địa phương do Hội đồng nhân dân quyết định. Cho nên, cần tiếp tục nghiên cứu. Ngay trong năm 2012, với mức bội chi Quốc hội đã giao chỉ tiêu không vượt quá 4,8% GDP, tổng thu - tổng chi xác định, nếu cắt giảm nguồn thu thì lấy gì để bù.
Thuế VAT là thuế gián thu, chúng ta đã áp dụng giảm trong điều kiện lạm phát cao của hai năm 2008 - 2009, hiện nay điều kiện có khác hơn khi lạm phát đang giảm nhanh. Mục tiêu giảm thuế VAT để doanh nghiệp giảm giá bán, nhưng nếu giảm thuế doanh nghiệp không giảm giá bán, chúng ta phải có cơ chế để ràng buộc. Cơ chế đó thế nào thì chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ, cần đánh giá quá trình thực hiện, bằng cách rút kinh nghiệm thực hiện từ 2009.
Xin cảm ơn Bộ trưởng.
Xuân Hải