Năng lượng tái tạo được quan tâm nhờ chính sách thu hút các nhà đầu tư
Việt Nam đã tăng cường phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) trong vài năm qua thông qua cơ chế khuyến khích bằng giá cố định (FIT).
Năng lượng tái tạo được quan tâm nhờ chính sách thu hút các nhà đầu tư (ảnh minh hoạ). |
Chỉ riêng điện gió, đến cuối năm 2021, hệ thống điện Việt Nam có khoảng 4 GW điện gió và 16,9 GW điện mặt trời và các nguồn NLTT biến đổi này chiếm 29% tổng công suất lắp đặt và 40% phụ tải đỉnh. Các nguồn NLTT dự kiến sẽ phát triển trên quy mô lớn ở miền Nam và miền Trung, trong khi các trung tâm phụ tải sẽ phát triển nhanh hơn ở miền Bắc và miền Nam.
Theo báo cáo Năng lượng Việt Nam 2021 vừa được thực hiện bởi Cục Năng lượng (Bộ Công Thương) và Cục Năng lượng Đan Mạch, để tránh tiết giảm công suất và đảm bảo độ tin cậy cao của hệ thống điện với tỷ trọng nguồn NLTT lớn, đặc biệt trong tương lai, ngành điện Việt Nam cần thực hiện cải cách.
Cụ thể, cần cải cách chiến lược vận hành hệ thống điện, thị trường điện và quy định tài chính, đầu tư cho truyền tải điện trong ngắn hạn và lưu trữ điện trong dài hạn. Để thu hút đầu tư vào sản xuất điện linh hoạt, cần xây dựng các cơ chế thị trường. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải quy hoạch ngành điện một cách cẩn trọng cũng như cải cách toàn diện ngành điện.
Báo cáo cũng chỉ rõ, điện gió trên bờ được kỳ vọng sẽ đóng vai trò lớn thứ hai sau điện mặt trời trang trại. Quy mô 4 GW hiện tại tăng gần như gấp đôi lên 7 GW vào năm 2025 trong kịch bản GT để thúc đẩy điện khí hóa ngành giao thông vận tải.
Vào năm 2030, mức 10 GW điện gió cho thấy tối ưu về chi phí trong khi để hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050, Việt Nam cần 21 GW. Vào năm 2050, tất cả các kịch bản đều có 40-50 GW điện gió trên bờ trong khi kịch bản NZ có 90 GW.
Vì điện gió trên bờ có chi phí thấp hơn điện gió gần bờ và điện gió ngoài khơi nên điện gió trên bờ là công nghệ chiếm ưu thế. Nhưng việc đưa vào một phần sản lượng điện gió ngoài khơi từ năm 2035 trở đi được cho là hiệu quả về chi phí mặc dù chưa sử dụng hết tiềm năng của điện gió trên bờ.
Vì điện mặt trời chiếm ưu thế trong hầu hết các kịch bản, nhưng lại phụ thuộc nhiều vào quỹ đất và chi phí pin lưu trữ, hai nghiên cứu độ nhạy đã được thực hiện, cụ thể là kịch bản LowPV và kịch bản chi phí pin cao (BC) trong đó chi phí pin tăng lên mức giới hạn trên được mô tả trong Cẩm nang Công nghệ Sản xuất và Lưu trữ điện năng Việt Nam, bằng khoảng 250% chi phí ban đầu vào năm 2050.
Nếu tiềm năng về điện mặt trời trang trại chỉ đạt 50% so với giả định trong các kịch bản chính hoặc nếu chi phí pin cao hơn dự kiến, thì điện gió sẽ đóng vai trò quan trọng hơn sau năm 2030. Cụ thể, công suất đặt điện gió trên bờ, ngoài khơi và gần bờ trong kịch bản NZ với việc giảm tiềm năng điện mặt trời sẽ lần lượt là 167 GW, 110 GW và 16 GW. Tương ứng trong kịch bản NZ với giả định chi phí pin cao hơn, công suất đặt điện gió trên bờ, ngoài khơi và gần bờ sẽ là 121 GW, 79 GW và 2 GW.
Với tiềm năng về điện gió như vậy, cộng với chính sách của Chính phủ thu hút các nhà đầu tư tham gia, ngày càng nhiều nhà đầu tư quan tâm đến việc phát triển điện gió ở Việt Nam. Mới đây nhất, ngày 10/6 vừa qua, Nhà phát triển, cung cấp và phân năng phối lượng tái tạo toàn cầu, BayWa r.e., công bố khai trương văn phòng đại diện các dự án điện gió tại tỉnh Lạng Sơn. Việc khai trương văn phòng đại diện các dự án điện gió sẽ cho phép công ty cung cấp nhiều loại dịch vụ năng lượng gió hơn tại Việt Nam.
Ông Brian Barry, Giám đốc mảng Điện gió khu vực châu Á của BayWa r.e. cho biết: “Chúng tôi hy vọng rằng thông qua các khoản đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là tỉnh Lạng Sơn hiện nay, chúng tôi sẽ có thể mang lại nhiều giá trị hơn cho các đơn vị hữu quan và cộng đồng trong khu vực. Đây là một bước tiến giúp chúng tôi tới gần hơn với mục tiêu giúp Việt Nam đạt được chiến lược phát triển năng lượng sạch và bền vững cũng như tạo điều kiện thúc đẩy Việt Nam hiện thực hoá cam kết trung hoà phát thải vào năm 2050”.
Tuân Nguyễn