Nạn nhân bom nguyên tử gặp gỡ nạn nhân chất độc da cam
Peace Boat là một tổ chức phi chính phủ của Nhật Bản, thành lập năm 1983 với hoạt động chính là tổ chức các chuyến du lịch bằng tàu biển ghé các cảng của nhiều nước trên thế giới, kêu gọi phấn đấu cho một thế giới hòa bình. Ở mỗi điểm đến, các thành viên trên tàu ngoài tham quan các di tích danh thắng còn tiến hành các hoạt động từ thiện xã hội, tìm hiểu giao lưu văn hóa với nhân dân, nhất là thanh niên vùng đó.
Tàu Hoà Bình (Peace Boat, Nhật Bản) cập cảng Đà Nẵng. (Ảnh: HC) |
Năm 1994, Peace Boat bắt đầu thiết lập quan hệ với Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Đà Nẵng và đã có tới 34 lần cập cảng Đà Nẵng trong gần 20 năm qua. Chuyến cập cảng Đà Nẵng trong hai ngày 24 - 25/7 là chuyến thứ 35 với nhiều hoạt động đặc sắc nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.
Sau khi cập cảng Đà Nẵng, các thành viên tàu Peace Boat được chia thành nhiều nhóm giao lưu, tham quan các danh lam thắng cảnh tại Đà Nẵng, Huế, Hội An, Chi nhánh Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Quân khu 5, chùa Linh Ứng trên bán đảo Sơn Trà... và tham gia học cách nấu ăn, cách sống của người Việt Nam tại các gia đình, cách làm nông và nghề tiểu thủ công tại xã Hoà Tiến (huyện Hoà Vang).
Các thành viên trên tàu Peace Boat cũng sẽ đến thăm các trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam, trẻ em đường phố, tham quan triển lãm "Da cam - Lương tri và Công lý", tổ chức sinh hoạt giao lưu, chơi trò chơi nhỏ, thi đấu bóng đá, cầu lông, bóng bàn, giao lưu văn hoá ẩm thực Việt - Nhật, may áo dài Việt Nam, chợ, tổ chức đêm lửa trại và rong chơi trên phố phường Đà Nẵng cùng các bạn trẻ của Hội LHTN TP...
Đặc biệt, tham gia hành trình của Peace Boat cập cảng Đà Nẵng lần này có 30 Hibakusha - tên gọi trang trọng của người Nhật đối với những nạn nhân còn sống sót sau thảm hoạ bom nguyên tử xảy ra ở Hiroshima và Nagasaki cách đây 68 năm.
Các bạn trẻ hội viên Hội LHTN TP Đà Nẵng nồng nhiệt chào đón các thành viên Peace Boat. (Ảnh: HC) |
Các nạn nhân bom nguyên tử Nhật Bản cùng các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam sẽ là những đại biểu được chào đón trọng thể tại cuộc toạ đàm "Vì một thế giới hoà bình, không có vũ khí hạt nhân và vũ khí hoá học" do Peace Boat phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Hội Hữu nghị Việt - Nhật và Hội LHTN TP Đà Nẵng tổ chức.
Cuộc tọa đàm sẽ tập trung nêu ý kiến của các nhà hoạt động xã hội về vấn đề hậu quả của chiến tranh vũ khí hạt nhân, vũ khí hoá học và tầm quan trọng của hoà bình trong xu thế hiện nay; nêu ý kiến chia sẻ của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và nạn nhân bom nguyên tử Nhật Bản phải gánh chịu nỗi đau chiến tranh; định hướng các hoạt động nhằm chung tay xoa dịu hậu quả chiến tranh...
Ông Inoue Sunao, đại diện Peace Boat còn cho biết, tham gia hành trình tàu Hoà Bình lần này có 7 chàng trai Venezuela sẽ trình diễn El Sistema - một chương trình âm nhạc độc đáo của đất nước Nam Mỹ này. Peace Boat bắt đầu hợp tác với El Sistema từ năm 2007, mời các nhạc công biểu diễn trên tàu và tại các điểm mà tàu Hoà Bình cập cảng.
El Sistema được sáng lập từ 37 năm trước bởi nhà soạn nhạc đại tài José Antonio Abreu nhằm chia sẻ về tâm lý và thông điệp hòa bình bằng âm nhạc. Năm 2012, El Sistema phục vụ gần 400.000 thanh thiếu niên ở 296 quốc gia. Trong khi đó dự án Hibakusha của Peace Boat tạo nền tảng cho những người còn sống sót sau thảm họa bom nguyên tử ở Nhật Bản chia sẻ trải nghiệm của họ với thế giới. Sự hợp tác giữa hai tổ chức này nhằm truyền cho mọi người suy nghĩ về hòa bình, nhận ra nó trong cuộc sống và cộng đồng của mình.
Thanh niên Đà Nẵng hướng dẫn cho một thành viên tàu Peace Boat. (Ảnh: HC) |
"Trước khi khởi hành từ Yokohama hôm 18/7, các chàng trai El Sistema đã dành thời gian ở Nhật Bản nghiên cứu về lịch sử TP Hiroshima, gặp gỡ các Hibakusha và tổ chức các buổi hòa nhạc tại nhạc viện Hiroshima University Symphony Orchestra cũng như ở Yokohama và Tokyo. Khi đến Đà Nẵng, 7 chàng trai El Sistema cũng sẽ hoà nhạc tại buổi toạ đàm "Vì một thế giới hoà bình, không có vũ khí hạt nhân và vũ khí hoá học" - ông Inoue Sunao cho hay.
Được biết, trong các chuyến cập cảng Đà Nẵng trước đó, Peace Boat từng nhiều lần đưa các Hibakusha sang gặp gỡ, giao lưu, giúp đỡ và chia sẻ mối đồng cảm với các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Đặc biệt, vào ngày 13/9/2008, Peace Boat đã tạo nên tại Đà Nẵng cuộc gặp gỡ lịch sử giữa hơn 100 Hibakusha với các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Đây là cuộc gặp gỡ mà theo bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Danh dự Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam là: "Lần gặp gỡ đầu tiên giữa những nạn nhân đau khổ nhất bởi chiến tranh từng xảy ra trên đất nước Việt Nam và Nhật Bản". Sau cuộc gặp đó, Peace Boat đã đón 3 nạn nhân chất độc da cam ở Đà Nẵng tham gia cuộc hành trình cùng tàu Hoà Bình sang Singapore.
Dự kiến sau cuộc gặp gỡ trong 2 ngày 24 - 25/7/2013, Peace Boat cũng sẽ đón 01 nạn nhân chất độc da cam và một cán bộ phục vụ thuộc Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng cùng tham dự chuyến hành trình tương tự.