Năm sự kiện nổi bật tại TP.HCM trong năm 2017
Phó Chủ tịch UBND Quận 1Đoàn Ngọc Hải xin từ chức để giữ lời hứa với cử tri. |
“Chiến dịch” lập lại trật tự đô thị
Khởi xướng từ hành động của UBND quận 1 với người tiên phong là Phó Chủ tịch phụ trách đô thị Đoàn Ngọc Hải, việc lập lại trật tự trên địa bàn quận bắt đầu từ đầu tháng 2/2017. Chỉ 2 tuần sau đó, hoạt động này “lan” dần ra 23 quận huyện còn lại. Trong khoảng 3 tháng sau, hoạt động này diễn ra rầm rộ với hàng chục ngàn bậc tam cấp, mái hiên lấn chiếm, bảng hiệu quảng cáo… bị đập bỏ, di dời. Chỉ riêng tại quận 1, tính đến giữa tháng 6/2017, các lực lượng chức năng đã lập biên bản hơn 7.000 trường hợp vi phạm, thu hơn 3,2 tỷ đồng tiền phạt.
Tuy nhiên sau đó hoạt động này “chùng xuống” khi ông Hải không còn được thực hiện như trước, bởi những văn bản “trói chân”. Đỉnh điểm, vào ngày 8/1/2018, ông Hải đã viết đơn xin từ chức. Hiện nay những thành quả đạt được trong năm 2017 đã bị “xóa bỏ” phần lớn, các vỉa hè bị tái chiếm. Tình trạng trật tự chỉ còn duy trì được ở những tuyến đường trung tâm thành phố.
Ông Nguyễn Thiện Nhân trở thành Bí thư Thành ủy TP.HCM. |
Thay vị trí Bí thư Thành ủy
Ngày 9/5, ông Nguyễn Thiện Nhân được Bộ Chính trị phân công nhiệm vụ Bí thư Thành ủy TP.HCM thay ông Đinh La Thăng. Trong bài phát biểu sau khi nhận quyết định, ông Nhân chia sẻ rằng việc này “đúng nghĩa là trở về nhà”, bởi trước khi ra giữ các vị trí tại Trung ương, ông Nguyễn Thiện Nhân đã lần lượt giữ nhiều vị trí trực thuộc UBND TP.HCM.
Nói về công việc trong thời gian tới, ông Nguyễn Thiện Nhân cho hay: “Tôi nghĩ bắt đầu từ giá trị truyền thống của thành phố đã đúc kết qua nhiều năm. TP có 300 năm lịch sử, quy tụ những con người của mọi miền đất nước. Sự đoàn kết, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm, sống có nghĩa tình là những giá trị làm thành phố này phát triển hơn nữa”.
Bỏ hộ khẩu trong tuyển dụng
Đầu tháng 9, Phó chủ tịch UBND TP Huỳnh Cách Mạng đã ký quyết định về việc bãi bỏ văn bản liên quan đến hộ khẩu thường trú trong tuyển dụng công chức, viên chức. Cụ thể, thành phố hủy bỏ yêu cầu “bản sao hộ khẩu thường trú tại TP.HCM” trong hồ sơ tuyển dụng viên chức. Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng hủy bỏ điều kiện “có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM” khi tuyển dụng công chức. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/11.
Đây được đánh giá là một quyết sách đúng đắn, tạo điều kiện thu hút nhân lực chất lượng cao, đồng thời đảm bảo tính công bằng cho ứng viên dự tuyển có nguyện vọng làm việc ở một thành phố năng động, sáng tạo.
Kinh tế TP.HCM được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh thời gian tới nhờ cơ chế đặc thù. |
Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù cho TP.HCM
Sau nhiều phiên thảo luận, chiều ngày 24/11, Quốc hội khóa 14 đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết về cơ chế đặc thù cho TP.HCM với tỉ lệ 93,69% số đại biểu có mặt đồng ý. Đây được coi là bước ngoặt giúp TP.HCM “cất cánh” trong những năm tới đây. Đánh giá về cơ chế này, TS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng nó sẽ tạo ra hướng mở để khuyến khích lực lượng nhân sự cả “công” và “tư” cùng tham gia tạo nên những dự án giúp thành phố phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, theo nền kinh tế thị trường.
Ít ngày sau đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã có bài viết về sự kiện này, trong đó ông nhấn mạnh: “Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố chân thành cám ơn Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các Ban, Bộ, ngành Trung ương và 62 tỉnh, thành phố”. Cũng theo ông nghị quyết sẽ tạo bước đệm để thành phố sẽ phát triển nhanh hơn, bền vững hơn vì cả nước và từng bước giải quyết các thách thức lớn đối với sự phát triển của Thành phố trong 30 – 50 năm tới. Ông còn nhấn mạnh: “Nghị quyết là sự thể chế hóa nhanh nhất ở cấp cao nhất một chỉ đạo của Đảng”.
Công bố đề án “Thành phố thông minh”
Một góc của TP.HCM |
Chỉ 2 ngày sau khi Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù cho TP.HCM, chiều ngày 26/11, UBND TP.HCM đã công bố đề án “Thành phố thông minh”. Đề án này đưa ra 4 mục tiêu lớn, bao gồm: Đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững; quản trị đô thị hiệu quả; nâng cao chất lượng, môi trường sống, làm việc; tăng cường sự tham gia quản lý của người dân, tổ chức. Đề án này cũng hướng đến bốn chủ thể chính là chính quyền, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.
Tuy nhiên, ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó chủ tịch TP cũng chia sẻ rằng, đề án này “không phải cây đũa thần”. Ông nhấn mạnh: “Dù đây là công nghệ, nhưng bản chất vẫn là sự tương tác giữa chính quyền với người dân, người dân với doanh nghiệp, doanh nghiệp với chính quyền”.
Theo ông thành phố thông minh chỉ là một giải pháp trong “tổng hòa các giải pháp”, vì “đề án này không thể tự mình giải quyết hết mọi chuyện”.
* Các sự kiện được sắp xếp theo thứ tự thời gian.