Năm Nhâm Thìn: Đồng thuận đưa cá chép vượt vũ môn
Năm Nhâm Thìn: Đồng thuận đưa cá chép vượt vũ môn
Vĩ mô: Chính phủ nỗ lực vượt khó
Khó khăn là một điều tất yếu trong cuộc sống.
Chẳng thế mà người đời vẫn luôn tâm đắc với phương châm sống của cụ Phan Bội Châu mỗi khi đối mặt với gian khó:
"Ví thử đường đời bằng phẳng cả;
Anh hùng thiên hạ có hơn ai”.
Giờ đây, khi nền kinh tế Việt Nam đang trải qua giai đoạn khó khăn cùng cực thì câu nói trên tựa như một kim chỉ nam giúp toàn dân tộc vững tin vững bước. Chúng ta đều tin rằng tiền đề đã có, quan trọng là cần phải có thêm những nỗ lực thực sự bền bỉ của cả một dân tộc để biến mong ước trở thành hiện thực.
Nền kinh tế Việt Nam trong năm 2012 vẫn le lói ánh sáng. Năm mới, Việt Nam tiếp tục theo đuổi mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đi đôi với tái cơ cấu nền kinh tế. Với thông điệp cứng rắn và kiên quyết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng năm 2012, lạm phát có thể được kiểm soát ở mức 9%.
“Định giá chứng khoán hiện tại đang ở mức rất thấp, kể cả khi chúng ta đã phản ánh việc doanh thu giảm hay môi trường kinh doanh khó khăn hơn. Thông thường, đây là thời điểm tốt nhất để đầu tư, tuy nhiên cũng là lúc đòi hỏi sự dũng cảm nhất. Thời điểm đầu tư tốt nhất có lẽ là thời điểm huy động vốn khó khăn nhất. Đây cũng là một nghịch lý cơ bản trong ngành đầu tư của chúng ta”. - Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital |
Ngoài ra, sự cam kết của người đứng đầu Chính phủ về đảm bảo an ninh năng lượng, lương thực - thực phẩm đã góp phần gầy dựng niềm tin rằng giá cả năm nay sẽ có những chuyển biến tích cực.
Song song với ổn định kinh tế, Thủ tướng còn khẳng định sẽ chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tập trung cải cách đầu tư, hệ thống tài chính - ngân hàng và khu vực doanh nghiệp.
Năm vừa qua, lãi suất cao ngất ngưỡng là một trở ngại thực sự đối với nhiều doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cuộc chạy đua lãi suất đã khiến thị trường vốn chông chênh, đẩy doanh nghiệp vào tình cảnh khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay, trong khi thanh khoản của hệ thống ngân hàng cũng chịu sức ép không nhỏ. Thẳng thắn thừa nhận những khó khăn năm qua, Thủ tướng đã yêu cầu giảm lãi suất cho vay ngay từ đầu năm 2012, tạo tiền đề cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất.
Trong một hội thảo gần đây, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế tin rằng 2012 sẽ là năm cải cách, tái cơ cấu mạnh mẽ của Chính phủ. Ưu tiên cải cách tài khóa và tài chính công, cắt giảm đầu tư công và cải tổ doanh nghiệp Nhà nước.
Trong số những ưu tiên trên, tỷ trọng đầu tư công năm 2012 dự báo sụt giảm khá mạnh. Theo đó, đầu tư công sẽ chiếm 39.5 - 40.3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trong khi 2011 chiếm 41.7% và giai đoạn 2006 - 2010 lên tới 44.3%.
Cùng nhận định về nền kinh tế năm Nhâm Thìn, TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng vĩ mô năm nay sẽ sáng sủa hơn hoặc bằng 2011 chứ không thể tối như 2009. Tuy nhiên, ông Lịch cho rằng hai vấn đề tối nhất của kinh tế 2012 chính là TTCK giảm sâu và thị trường bất động sản (BĐS) trầm lắng. Do vậy, năm 2012 phải ưu tiên làm ấm hai thị trường này, nếu không thì nền kinh tế khó mà ấm lên.
Ngoài một số nhận định lạc quan và kỳ vọng về nền kinh tế của các chuyên gia trong nước, các tổ chức nước ngoài cũng có những nhận xét tích cực. Theo WB, lạm phát năm nay của nước ta sẽ giảm mạnh mặc dù vẫn khó đưa về mức một con số. Cụ thể, WB dự báo CPI năm nay tăng khoảng 10.5%. Còn theo ông Dominic Mellor - Chuyên gia kinh tế Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, lạm phát một con số là khả thi trong 2012 nếu chúng ta hướng dòng tín dụng vào các hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, phối hợp tốt hơn nữa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ...
TTCK: UBCK quyết tâm vượt vũ bão
Liên quan đến TTCK, sau một năm trầy trật , lao đao, lĩnh vực này được kỳ vọng có những thay đổi về chất trong 2012 sau khi UBCK công bố chi tiết gói giải pháp hỗ trợ TTCK đến hết năm nay.
Một điểm đáng lưu ý, gói giải pháp này sẽ tập trung rà soát kỹ lưỡng vấn đề tín dụng cho chứng khoán thay vì siết đồng loạt như hiện tại. Như vậy, dòng vốn đầu tư sẽ có thêm cơ hội chảy vào thị trường.
Thời gian qua, hàng loạt công ty chứng khoán (CTCK) rơi vào tình cảnh thua lỗ, mất thanh khoản trầm trọng. Một số công ty đã phải rời bỏ nghiệp vụ môi giới và tự nguyện chấm dứt tư cách thành viên trên các Sở GDCK. Với quyết tâm tăng cường năng lực cho CTCK, UBCK năm nay sẽ tiến hành tái cấu trúc các doanh nghiệp này, góp phần lành mạnh hóa thị trường.
Ngoài ra, để tăng thêm nguồn lực, Bộ Tài chính cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ hỗ trợ về thuế cho DN, NĐT, tiếp tục kéo dài miễn giảm thuế nhằm tháo gỡ khó khăn. Sắp tới, hoạt động cổ phần hóa DNNN tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt với các DN lớn, tạo tiền đề cho nhà đầu tư tiếp cận với các hàng hóa có chất lượng trên thị trường.
Mới đây, Thông tư 183/2011/TT-BTC hướng dẫn thành lập và Quản lý quỹ mở đã được công bố. Quỹ mở sẽ là giải pháp xoa dịu áp lực thoái vốn khi các quỹ đến hạn đóng theo kế hoạch cũng như thu hút thêm nguồn vốn cả trong và ngoài nước. Được biết, quỹ mở đang chiếm tới 95% tổng giá trị đầu tư của các quỹ toàn cầu.
Đa dạng hóa các kênh đầu tư cũng là một nhiệm vụ đặt ra trong năm nay. Cơ quan quản lý sẽ tiến hành nghiên cứu để đưa vào giao dịch các sản phẩm ETF, tái cấu trúc hàng hoá trên thị trường trái phiếu chính phủ, triển khai chương trình thí điểm hoán đổi trái phiếu kết hợp với phát hành lô lớn.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang xây dựng Đề án về đầu tư gián tiếp, hỗ trợ thông tin, điều hành thị trường chứng khoán theo thông lệ quốc tế.
Với tất cả những nỗ lực trên, có cơ sở để Bộ trưởng Vương Đình Huệ tin rằng khi kinh tế vĩ mô tốt lên, cùng các giải pháp cho TTCK được thực thi bài bản thì thị trường này sẽ vượt qua khó khăn và tiếp tục phục hồi, phát triển trong năm 2012.
Doanh nghiệp: Thận trọng chớp thời cơ
Trong bối cảnh còn nhiều tồn tại, các nhà lãnh đạo DN vẫn tin tưởng rằng đây chính là thời cơ, vận hội để tái cấu trúc DN và nền kinh tế. Trong một phát biểu mới đây, tiến sĩ Alan Phan - Chủ tịch quỹ đầu tư Viasa vẫn lạc quan khi cho rằng nền kinh tế vĩ mô xấu đi, nhưng kéo theo đó là rất nhiều thay đổi và cơ hội cũng nhiều hơn…
Và bản thân mỗi DN, trong khi chính sách kinh tế vẫn thắt chặt thì chiến lược kinh doanh hiệu quả là thận trọng. Theo ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch UB Giám sát tài chính quốc gia, DN cần ổn định thị trường cũ, hạn chế mở rộng thị trường mới, tập trung nâng cao chất lượng, phấn đấu giảm giá bán để tăng tính cạnh tranh. Động thái đầu tiên trong lúc này là cần tiết kiệm, hạn chế sử dụng vốn vay và đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư mới và dàn trải. Phương châm kinh doanh tốt nhất trong năm nay là đánh nhanh, thắng nhanh, cắt lỗ nhanh, rút gọn nhanh - ông Tuấn chia sẻ.
Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, lạm phát là bài toán nan giải nhất trong 2012. Bà Lan cho rằng DN phải chịu đựng giai đoạn khó khăn này trước khi nền kinh tế được cải thiện theo cách phát triển bền vững, và không nên bi quan. Công cuộc tái cấu trúc sẽ tạo cơ hội cho DN, bởi lúc đó nền kinh tế sẽ đi vào quỹ đạo, mang tính minh bạch, công bằng hơn. Những DN nào có cơ sở phát triển tốt sẽ tận dụng được các cơ hội từ tái cấu trúc.
Bội Mẫn