Năm 2019 khởi tố nhiều vụ án lớn, "lò thiêu" tham nhũng rực cháy
Các bị cáo trong vụ án Mobifone mua lại AVG |
Nhiều quan chức rơi vào vòng lao lý
Báo cáo Thanh tra Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng trong năm 2019 cho biết: đã có 62 người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng và có 3 người đứng đầu bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.
Cơ quan điều tra CAND đã thụ lý điều tra 420 vụ án với 876 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 214 vụ, 487 bị can. Cơ quan này cũng đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 217 vụ với 653 bị can.
Đáng lưu ý, báo cáo cũng nêu rõ trong năm 2019, nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được phát hiện, khởi tố, điều tra.
Điển hình như vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) cùng đồng phạm về tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ…;
Vụ án Lê Nam Trà cùng đồng phạm về tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; đưa nhận hối lộ, xảy ra tại Tổng Cty viễn thông Mobifone, Bộ TT&TT và Cty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG);
Vụ án Đinh Ngọc Hệ, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Cty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn (Bộ Quốc phòng) về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;
Hay xét xử giai đoạn hai vụ đường dây đánh bạc nghìn tỷ trong đó có 2 tướng công an Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa…
Quyết liệt, đúng người, đúng tội
Đánh giá công tác phòng chống tham nhũng trong những năm vừa qua, ĐB Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, khẳng định “rất quyết liệt, rất đúng người, đúng tội, đã ngăn chặn được tình trạng tham nhũng, thu hồi được tiền của tài sản tham nhũng cho nhà nước”.
“Quan trọng hơn nữa là đem lại niềm tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước. Và cũng đả phá tư tưởng thù địch nói rằng Đảng ta không chống được tham nhũng.
Rõ ràng, công cuộc chống tham nhũng của chúng ta là hoàn toàn thực hiện được, có hiệu quả”, Phó chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Ông Lợi cho rằng, qua quan sát và theo dõi nhận thấy, trong bất kỳ một trường hợp nào khi phát hiện tham nhũng thông qua thanh tra, kiểm toán, báo chí, kiến nghị của người dân đều được xem xét đúng người, đúng tội.
“Đặc biệt chúng ta không chỉ xử lý bằng các thủ tục hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự mà còn quyết tâm thu hồi tài sản, điển hình như vụ án đánh bạc nghìn tỷ, vụ AVG…. Cái quan trọng nhất thu hồi được tài sản. Điều đó rất có ý nghĩa quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước”, ông Bùi Sỹ Lợi nêu.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng nhận định, với sự quyết liệt trong công tác phòng chống tham nhũng, “hay nhất chính là răn đe người khác, ngăn chặn những người luôn suy nghĩ, tìm cách tham nhũng” sẽ “chùn bước, rụt lại và cũng không dám làm”.
“Đây là điều cực kỳ quan trọng”, ông Lợi bày tỏ. Theo ông, điều này đem lại cho xã hội sự khởi sắc của nền kinh tế, mở đường cho phát triển đất nước, phát triển xã hội.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, muốn làm tốt hơn nữa, giải quyết tận gốc của tệ nạn này thì cũng phải làm tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, tinh giản biên chế, giảm nhẹ bộ máy và cải cách được tiền lương cho cán bộ công chức nhà nước.