Năm 2014: Cả nước tiết kiệm hơn 15.000 tỷ nhưng còn chi vượt dự toán
Chiều 11/5, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về Báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong quá trình điều hành, Chính phủ đã bám sát diễn biến tình hình thực tiễn và yêu cầu về thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, để có những giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ thu, chi theo dự toán Quốc hội quyết định và tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính.
Trong năm 2014, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 863,52 nghìn tỷ đồng. |
Trong năm 2014, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 863,52 nghìn tỷ đồng, tăng 80,82 nghìn tỷ đồng (tăng 10,3%) so với dự toán; tổng chi NSNN ước đạt 1.087,52 nghìn tỷ đồng, tăng 80,82 nghìn tỷ đồng (tăng 8%) so với dự toán; bội chi NSNN được đảm bảo trong phạm vi Quốc hội quyết định là 224 nghìn tỷ đồng, tương đương 5,3% GDP (kế hoạch). Hầu hết các địa phương đều thu đạt và vượt dự toán được giao.
Công tác kiểm soát chi của hệ thống Kho bạc Nhà nước được tăng cường nhằm đảm bảo các khoản chi đúng mục đích, đúng đối tượng. Năm 2014, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã từ chối chưa thanh toán 40 tỷ đồng chi thường xuyên và 90 tỷ đồng chi đầu tư.
Kết quả trong năm 2014, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện tiết kiệm được 15.263 tỷ đồng kinh phí từ NSNN, gồm: tiết kiệm trong quản lý, sử dụng NSNN là 8.020 tỷ đồng; tiết kiệm trong đầu tư xây dựng là 7.223 tỷ đồng.
Trong đó có một số bộ, ngành có kết quả tiết kiệm cao như: Bộ Giao thông-Vận tải tiết kiệm được 480.522 triệu đồng; Bộ Quốc phòng tiết kiệm được 290.947 triệu đồng; Bộ Tư pháp tiết kiệm được 86.729 triệu đồng; Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiết kiệm được 50.719 triệu đồng.
Bộ Tài chính đã tiến hành rà soát, cắt giảm được 290 giờ/năm thời gian làm thủ tục về thuế cho người nộp thuế, thực hiện kê khai, nộp thuế điện tử cho 18 tỉnh, thành phố, vận hành hệ thống thông quan điện tử…
Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung cải cách giảm các thủ tục hành chính về đất đai, đảm bảo công khai, minh bạch, thuận lợi cho nhân dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, không ít các bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn xảy ra tình trạng chi chưa đúng tiêu chuẩn, chế độ, định mức. Một số địa phương chưa thực hiện tốt chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mua sắm tài sản, cho vay, tạm ứng nhưng chậm thu hồi. Tình trạng chi vượt dự toán vẫn xảy ra, còn biểu hiện chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm, để xảy ra lãng phí. Việc tổ chức quá nhiều lễ hội đã gây lãng phí các nguồn lực.
Về nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa được quan tâm đúng mức ở một vài địa phương. Việc thanh tra, kiểm tra về thực hành tiết kiệm chống lãng phí còn hạn chế, xử lý vi phạm chưa nghiêm minh, triệt để.
Vì thế, Chính phủ cho rằng, bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán gắn với các quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Có cơ chế khuyến khích phát hiện lãng phí, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm bảo đảm công khai, minh bạch, đúng pháp luật.