Năm 2012: Kinh tế trước cuộc “đại tu” lớn
Năm 2012: Kinh tế trước cuộc “đại tu” lớn
Tái cơ cấu đầu tư công không có nghĩa là “xén bớt”
Một trong ba trọng tâm của cuộc “đại tu” nền kinh tế sẽ bắt đầu từ năm 2012 là tái cơ cấu lại đầu tư công. |
Một trong ba trọng tâm của cuộc “đại tu” nền kinh tế sẽ bắt đầu từ năm 2012 là tái cơ cấu lại đầu tư công. Thực tế, quá trình cấu trúc lại đầu tư công không phải bây giờ mới làm, mà đã bắt đầu suốt hơn một năm qua. Nhưng theo TS. Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Viện Chiến lược và Chính sách tài chính thì thực chất quá trình cơ cấu đầu tư công từ trước tới nay chỉ là cắt xén các dự án mà chưa quan tâm tới việc điều chỉnh lại các văn bản pháp luật để quá trình này đi vào thực chất.
TS. Lê Đình Ân đưa ra ví dụ về những điểm “nghẽn” trong Luật Đất thầu. “Luật Đấu thầu đưa ra nhiều quy định, chi tiết, nhưng thực tế vẫn để “lọt” tình trạng “quân xanh, quân đỏ” nên mới có chuyện nhiều dự án trúng thầu và được cấp phép rồi nhưng vẫn “đắp chiếu” vài năm trời”, ông Ân nói và cho rằng, trước khi tái cấu trúc cần phải chỉ rõ định hướng về mô hình kinh tế theo chiều sâu, rộng chi tiết thế nào, vì “nếu không có định hướng thì sẽ rất khó thực hiện tới nơi tới chốn”.
Đồng tình với quan điểm phải có định hướng rồi mới làm, TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, định hướng của quá trình này là huy động hợp lý tổng mức đầu tư xã hội trong mối quan hệ với các cân đối lớn của nền kinh tế, gồm cân đối giữa tiết kiệm và tiêu dùng, cân đối tiết kiệm nội địa và đầu tư, cân đối ngân sách, cân đối cán cân thanh toán, nợ công và nợ nước ngoài.
Để nâng cao hiệu quả đầu tư công cần các giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Về ngắn hạn cần tập trung khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán và thiếu đồng bộ đã tồn tại nhiều năm nay. Về dài hạn, phải xây dựng được khung hay kế hoạch đầu tư trung hạn để quản lý đầu tư công.
Tái cơ cấu DNNN: Hành động chứ không nói suông!
Ở cuộc “đại tu” thứ hai, kịch bản cơ cấu lại DNNN cũng đã được Bộ Tài chính hoàn thiện và chính thức trình Chính phủ chờ thông qua.
Thực tế, không phải bây giờ vấn đề tái cơ cấu DNNN mới được nhắc tới nhiều, mà trước đây vấn đề này được nhìn nhận ở khía cạnh cổ phần hóa các DNNN. Thế nhưng, thời gian dài qua, cổ phần hóa DNNN vẫn ì ạch mãi. Ngay như năm 2010, phấn đấu mãi mới có thêm 30 DNNN được cổ phần hóa. “Để tạo ra 1 đồng doanh thu trong năm 2009, DNNN phải sử dụng tới 2,2 đồng vốn, trong khi đó DN ngoài quốc doanh chỉ cần 1,2 đồng. Tỉ suất lợi nhuận trên tổng vốn trong 10 năm qua, khu vực DNNN chưa năm nào vượt quá 6%, trong khi đó DN có vốn đầu tư nước ngoài luôn duy trì ở mức khoảng 10%”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ nói.
Để cơ cấu lại số DNNN sẽ cần một lượng vốn khá lớn, |
Theo ông Huệ, tái cấu trúc DNNN lần này sẽ phải làm thật để DNNN mạnh lên, xứng đáng với vai trò là công cụ điều tiết của Nhà nước. Nói như Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn, việc tái cơ cấu DNNN sẽ phải làm theo kiểu “hành động, chứ không chỉ là nói suông”. “Chúng ta đã nói nhiều quá rồi, giờ đến lúc phải làm thực thụ”, ông Muôn khẳng định.
Theo đề án mà Bộ Tài chính đang trình Chính phủ, Bộ này đã đưa ra một kịch bản khá hoàn chỉnh với từng nhóm giải pháp chi tiết, cụ thể để đạt được mục tiêu lớn. Thứ nhất, sẽ phân nhóm các DNNN thành bốn nhóm: nhóm 100% vốn Nhà nước, nhóm có trên 75% vốn Nhà nước, nhóm Nhà nước sẽ chỉ giữ 65-75% vốn và có nhóm Nhà nước sẽ không giữ vốn chi phối. Thứ hai là thực hiện nhất quán, đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN theo hướng giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại DN. Thứ ba là Bộ Tài chính sẽ thành lập Tổng cục quản lý và giám sát vốn Nhà nước tại Bộ Tài chính. Thứ tư là đổi mới, tăng cường quản lý giám sát của Nhà nước đối với DNNN, tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước. Cuối cùng là sắp xếp, tái cấu trúc các công ty nông, lâm nghiệp.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ tiết lộ, theo kịch bản này để cơ cấu lại số DNNN sẽ cần một lượng vốn khá lớn, khoảng 55.000 -65.000 tỷ đồng. Lộ trình, ông Huệ khẳng định việc triển khai tái cơ cấu sẽ bắt đầu từ năm 2012, đến năm 2015 phải cơ bản hoàn thành cổ phần hóa, hoàn thiện thể chế quản lý, giám sát DNNN... Giai đoạn 2016-2020 tiếp tục hoàn thiện các thể chế, sắp xếp lại, cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. “Mục tiêu, Bộ Tài chính tính toán đến năm 2020 Việt Nam phải có 1-2 tập đoàn đẳng cấp trong khu vực, 10-15 tập đoàn, tổng công ty có vai trò dẫn dắt nền kinh tế”, Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định.
Ngân hàng sẽ cơ cấu lại theo kiểu “đùm bọc lẫn nhau”
Tái cơ cấu ngân hàng sẽ phải kéo dài tới năm 2020 nhưng mục tiêu cụ thể cho 5 năm tới đây đã rất rõ ràng. |
Lĩnh vực thứ 3 cũng tốn không ít bút mực của báo giới và sự quan tâm của dư luận thời gian qua là lộ trình tái cấu trúc ngân hàng. Cuộc tái cơ cấu này sẽ phải kéo dài tới năm 2020 nhưng mục tiêu cụ thể cho 5 năm tới đây đã rất rõ ràng. Từ nay tới tháng 3/2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ khoanh vùng dứt điểm các tổ chức tín dụng xấu, để họ không làm ảnh hưởng chung tới nợ xấu. Quý 3-4/2012, cơ quan quản lý sẽ xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém.
Năm 2013, các NH sẽ tiếp tục quá trình hợp nhất, sáp nhập nhưng là trên cơ sở tự nguyện để tăng quy mô, tăng khả năng tồn tại trong môi trường cạnh tranh. Năm 2014-2015, Việt Nam phấn đấu có ít nhất 1-2 NH có tầm cỡ khu vực. Cắt nghĩa về mức lớn hay nhỏ của NH, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho hay, trong khu vực, NH cỡ trung bình đã có tổng tài sản là 50 tỷ USD. Ở Việt Nam, NH lớn nhất hiện nay là NN&PTNT mới có tổng tài sản 25 tỷ USD. Như vậy, NH lớn nhất của Việt Nam mới chỉ bằng một nửa của NH tầm cỡ khu vực thôi. “Vì vậy, muốn có NH tầm cỡ khu vực thì 5 năm tới, NH lớn nhất của Việt Nam phải làm sao tăng gấp đôi tổng tài sản của mình”, ông Bình nói và cũng thừa nhận đây là việc không hề đơn giản.
Theo ông Bình, khi tiền chưa có nhiều, thì phải xác định mấu chốt rằng, dựa vào nội lực là chính. “Muốn tăng quy mô, tăng khả năng cạnh tranh nhanh chóng, một anh có thể bỏ tiền ra mua 100 chi nhánh của anh yếu. Nghĩa là theo kiểu “lá lành đùm lá rách”. Anh khỏe thì cứu anh yếu, anh Nhà nước cứu anh tư nhân, anh tư nhân gồng gánh lẫn nhau. Khi tái cơ cấu tự thân đã ổn thỏa, lành mạnh rồi thì có thể cho nước ngoài tham gia cổ phần...”, ông Bình nói.
Kịch bản ở cả ba lĩnh vực lớn đều đã sáng tỏ, thế nhưng theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, phải dám dùng những biện pháp mạnh, chấp nhận nền kinh tế chịu trả giá, chịu đau mới xoay chuyển căn bản tình hình và tạo được lòng tin chứ không thể trông chờ vào các giải pháp mang tính chữa cháy.
Nguyễn Hoài