“Nã pháo” vào sự trì trệ
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nhanh trên 6% đã được khởi động lại từ năm 2015 trở lại đây. Kết quả đó, ông Lộc nhận xét, có được nhờ các nỗ lực tái cơ cấu nều kinh tế, trong đó thay đổi mô hình tăng trưởng từ chỗ phụ thuộc vào đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và tăng trưởng tín dụng, sang coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế.
Ông nói: “Để phát triển kinh tế tư nhân, vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế chuyển từ người chèo đò sang người lái đò. Nói cách khác, Nhà nước thay vì điều hành các doanh nghiệp bằng mệnh lệnh thì chuyển sang điều hành bằng pháp luật và các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp”.
Hai chức năng kinh tế quan trọng nhất này của một Nhà nước kiến tạo phát triển là tạo lập thể chế kinh tế thị trường và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Đó là nỗ lực rất dày công, không mệt mỏi, đôi khi bạo liệt, của rất nhiều người với những tư duy ôm đồm, những níu kéo cản trở của chính những đồng chí mình trong bộ máy Nhà nước.
Khi người dân, doanh nghiệp được tự do làm ăn, kinh doanh là kinh tế bừng nở. |
Cuộc làm việc của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Mai Tiến Dũng ở Bộ Y tế ngày 20-9-2017 là một trong những nỗ lực đó Ngồi cạnh Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, ông Dũng không cần dùng những ngôn từ xã giao nhằm đả phá vào những rào cản của Bộ này với doanh nghiệp: “Đôi khi chúng ta tạo ra trói buộc, tạo giấy phép con mà không hình dung đã tạo ra bao nhiêu kìm hãm cho phát triển".
Ông phê phán, Bộ Y tế cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương làm cho doanh nghiệp phải tốn 28 triệu 793 nghìn ngày công trong tổng số 30 triệu ngày, tốn 12.208 tỷ đồng trong tổng số 14.300 tỷ đồng trên cả nước.
Cuộc làm việc nảy lửa đó đã làm Bộ trưởng Y tế cam kết sửa đổi Nghị định 38, văn bản do Bộ này thiết lập gây nên bức xúc của cộng đồng doanh nghiệp trong một thời kỳ dài. Nghị định 38/2012/NĐ-CP về an toàn thực phẩm, yêu cầu doanh nghiệp phải xin cấp Giấy tiếp nhận bản công bố hoặc Giấy xác nhận công bố thì mới được tiến hành sản xuất kinh doanh.
Yêu cầu đó là làm tốn chi phí khủng khiếp cho doanh nghiệp: mỗi năm có từ 35.000 đến 45.000 trường hợp phải làm thủ tục này, trung bình doanh nghiệp sẽ mất khoảng 4 tháng với chi phí 10 triệu đồng đối với thực phẩm thường và 30 triệu đồng đối với thực phẩm chức năng để hoàn tất thủ tục chứng nhận và công bố sự phù hợp, theo tính toán của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.
Sau cuộc làm việc, đến ngày 2-02-2018, Nghị định 15/2018/NĐ-CP mới chính thức được ban hành thay thế Nghị định 38 với phương pháp quản lý an toàn thực phẩm chủ yếu đã thay đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Thay vì phải xin xác nhận từ cơ quan Nhà nước, nay các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm được tự công bố. Sự thay đổi đơn lẻ này đã giúp giảm đến 90% chi phí hành chính, giúp tiết kiệm 10 triệu ngày công và 3.700 tỷ đồng mỗi năm cho doanh nghiệp, theo tính toán của Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham).
Nghị định 15/2018/NĐ-CP thực sự là một “cuộc cách mạng”, như là những phát đại bác nã vào sự trì trệ, bảo thủ, mang đến những lợi ích to lớn cho doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh, mà thiếu những cuộc làm việc “nảy lửa, bạo liệt” của những người như ông Mai Tiến Dũng thì không bao giờ diễn ra.
Đây là điều rất đáng tiếc bởi trong các Nghị quyết 19 năm 2016 và năm 2017, Chính phủ đã giao Bộ Y tế sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP, thậm chí nêu rõ phải thực hiện trong Quý I năm 2017, nhưng mọi chuyện không chuyển.
Theo ghi nhận của VCCI, đến 10/2018, đã có 15 Nghị định về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành. Đánh giá cao về nỗ lực này, song chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan không thể không mủi lòng: “Riêng Nghị định 15 giúp giảm 3.700 tỷ đồng cho doanh nghiệp. Nếu cả 15 nghị định mà nhân với con số này mới thấy chi phí của doanh nghiệp, của xã hội lớn biết bao nhiêu! Mà chi phí này kéo dài suốt trong 5 năm liền”. Bà nói tiếp: “Đáng lẽ ra doanh nghiệp phải lo cạnh tranh trên thị trường chứ không nên lo về thủ tục hành chính như thế này”.
Theo khảo sát của VCCI, việc phải xin các giấy phép con vẫn diễn ra phổ biến và gặp nhiều khó khan đối với các doanh nghiệp. Vẫn có đến 58% trên tổng số doanh nghiệp phản hồi phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện, trong đó, có 42% doanh nghiệp cho biết có gặp khó khăn khi xin những giấy phép loại này.
“Các bộ đều báo cáo đã hoàn thành mục tiêu cắt giảm ít nhất 50% điều kiện kinh doanh, nhưng theo đánh giá của chúng tôi, cắt giảm có tác động thực chất chỉ khoảng trên 40%”, Viện trương Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung nhận định.
Đã gần 5 năm kể từ khi Nghị quyết 19 đầu tiên được ban hành, và hơn 2 năm kể từ Nghị quyết 35, môi trường kinh doanh đã có những chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, giữa các bộ ngành và địa phương có mức độ thực hiện chưa đồng đều. Nhiều bộ, ngành rất tiên phong, quyết liệt trong cắt giảm và đơn giản hoá điều kiện kinh doanh và cải cách kiểm tra chuyên ngành nhưng một số bộ ngành ít chuyển biến, còn thực hiện đối phó. Bộ ngành nào có người đứng đầu thực hiện quyết liệt, tích cực thì việc cắt giảm diễn ra mạnh mẽ.
Song, ở góc độ cạnh tranh toàn cầu thì những nỗ lực đó là chưa thấm tháp. Dù tiếp tục có những cải thiện nhất định về điểm số trên bảng xếp hạng Chỉ số Năng lược Cạnh tranh Toàn cầu (Global Competitiveness Report) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và Chỉ số Môi trường Kinh doanh (Doing Business) của Ngân hàng Thế giới (World Bank) giai đoạn 2014-2018, nhưng thứ hạng của Việt Nam dường như chưa thực sự bứt phá, thậm chí có dấu hiệu chững lại.
Cuối tháng 10 năm 2018, kết quả công bố hai chỉ số uy tín này đều cho thấy Việt Nam bị giảm thứ hạng. Tín hiệu này cho thấy tốc độ cải cách thể chế kinh tế của Việt Nam trong năm qua không được như kỳ vọng, đặc biệt là khi so sánh với các nước trong khu vực.
Có ý kiến cho rằng sự tụt hạng của Việt Nam xuất phát từ việc các chỉ số trên thay đổi phương pháp đánh giá. Tuy nhiên, điều này lại càng cho thấy Việt Nam cần cải cách thực chất, bao gồm tất cả các yếu tố của môi trường kinh doanh, phục vụ các doanh nghiệp một cách toàn diện.
Nghị quyết 35 đặt ra mục tiêu cụ thể là đến năm 2020 Việt Nam có được ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, khu vực tư nhân phải đóng góp được khoảng 48-49% GDP, khoảng 49% tổng đầu tư toàn xã hội. Đó là mục tiêu rất tham vọng, mà nếu Nhà nước không tiếp tục thay đổi vai trò từ bỏ vai trò của người chèo đò sang người lái đò trong nền kinh tế, như ông Lộc nhận xét, thì sẽ rất khó hiện thực hóa.
Ông Lộc nói: “Doanh nghiệp hiểu rõ nhất việc làm thủ tục hành chính có thuận lợi hơn không? Có bị thanh kiểm tra trùng lặp không? Có bị nhũng nhiễu, tiêu cực không? Có thường xuyên mất điện không? Có tranh chấp thì khởi kiện ở toà án có hiệu quả không?”. Toàn bộ những câu trả lời đều liên quan đến vai trò của Nhà nước.
Theo vietnamnet