Mỹ ủng hộ Việt Nam tham gia Sáng kiến An ninh chống phổ biến vũ khí
Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 23/5 cho biết, Hoa Kỳ hoan nghênh việc Chính phủ Việt Nam công bố ủng hộ Tuyên bố các nguyên tắc cấm thuộc PSI. Quyết định của Việt Nam ủng hộ và tham gia PSI thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với việc ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD), tăng cường an ninh và an toàn thương mại toàn cầu, và thúc đẩy một khu vực châu Á-Thái Bình Dương hòa bình.
Ngày 21/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng các khía cạnh của PSI, Việt Nam tuyên bố tham gia sáng kiến này, trên cơ sở ủng hộ Tuyên bố ngày 4/9/2003.
người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyênbố ủng hộ Tuyên bố các nguyên tắc cấm thuộc PSI, ngày 21/5/2014. |
Theo thông báo của Mỹ, Washington mong sẽ làm việc với Việt Nam để thúc đẩy các mục tiêu không phổ biến vũ khí nêu ra trong PSI và Tuyên bố các nguyên tắc cấm của Sáng kiến này.
PSI ra đời tại Krakow, Ba Lan, vào năm 2003, và đã được kỷ niệm 10 năm vào tháng 5/2013 bằng một cuộc họp chính trị cấp cao ở Vácxava (Warsaw), Ba Lan. Các thành viên tham gia PSI cam kết thực hiện các biện pháp - trên cơ sở tự nguyện và phù hợp với cơ chế pháp lý quốc gia, các khuôn khổ và luật quốc tế liên quan.
Ngoài ra, bằng cách dựa trên các nguồn lực có sẵn, các thành viên tham gia PSI sẽ tìm ngăn chặn việc vận chuyển vũ khí hủy diệt hàng loạt, các hệ thống mang hay phóng và các vật liệu liên quan đến và đi từ các nhà nước và các thành phần phi nhà nước gây quan ngại về phổ biến vũ khí.
Các thành viên cũng làm việc để trao đổi thông tin liên quan, tăng cường các cơ chế pháp lý để thực hiện các hoạt động ngăn cấm, và tiến hành diễn tập, hội thảo và các hoạt động khác để nâng cao năng lực thực hiện các cam kết PSI của họ. Việc có thêm quốc gia mới tham gia làm tăng sức mạnh của Sáng kiến và giúp đảm bảo rằng nó sẽ vẫn là một nỗ lực quốc tế bền vững trong những năm tới.
Trong dịp kỷ niệm lần thứ 10 thành lập PSI, Tổng thống Obama công khai kêu gọi các quốc gia đối tác thực hiện các hành động cụ thể, rõ ràng để tăng cường PSI và duy trì nó như một yếu tố cốt lõi của cơ chế chống phổ biến vũ khí quốc tế.