Muốn tăng lương nhưng lấy tiền ở đâu?
Trả lời câu hỏi của báo chí về các vấn đề liên quan đến việc tăng lương cán bộ, ông Phùng Quốc Hiển cho biết, hiện nay vấn đề này đang có 2 luồng ý kiến khác nhau. Một luồng ý kiến cho rằng nên tăng lương ngay còn một luồng ý kiến nêu quan điểm chưa thể có điều kiện tăng lương được mà chỉ đảm bảo chế độ những người có mức lương dưới 2,34 và hưởng lương hưu, điều này sẽ tiếp tục được duy trì.
Ngoài ra, sẽ bổ sung thêm những người lương hưu trước 1995. Người có thu nhập dưới 2 triệu đồng/ tháng và giáo viên mầm non thì phải tính toán để họ đạt được mức lương cơ bản.
Giải pháp lương với đối tượng có mức lương từ 2,34 trở lên đang là vấn đề khó khăn. Ông Hiển cho rằng, muốn tăng chi lương thì cần phải tính nguồn ở đâu. Nguyên tắc để quyết định một chính sách mới đều phải căn cứ vào việc lấy nguồn ở đâu để chi. Trong khi đó, hiện nguồn thu ngân sách đang rất khó khăn.
Ông Hiển cho biết, khó khăn đầu tiên phải kể tới đó là giá dầu. Theo dự báo giá dầu khoảng 100 USD/thùng nhưng giá dầu năm nay đã xuống 45 – 47 USD/ thùng. Như vậy, chỉ riêng giá dầu đã hụt 50 USD/ 1 thùng. Theo báo cáo Chính phủ, việc giá dầu giảm đã khiến ta hụt mất 61.000 tỷ. Số hụt này tập trung vào ngân sách trung ương. Từ sự sụt giảm này, Chính phủ tìm cách tăng các nguồn thu khác nhưng vẫn không thể bù lại được.
Theo ông Hiển, việc tăng lương là một quá trình dài và phải tính toán, cân đối. Việc tăng lương sẽ còn phải xem xét vào về giá dầu và nguồn thu ngân sách thế nào rồi mới trình Quốc hội. Có ý kiến đề nghị tăng lương từ 1/5 hay 1/7/2016. Nếu như vậy cần có 10 nghìn tỷ cho việc này. Bên cạnh đó chúng ta cũng chưa điều chỉnh chuẩn nghèo, việc điều chỉnh có thể sẽ khiến ngân sách tiếp tục gánh thêm một khoản chi lớn.
Ông Hiển cho rằng, với tình hình ngân sách hiện nay thì cần phải tính toán kỹ. Đã có những bài học ở các quốc gia khác, nếu đưa các chính sách xã hội quá lên so với nguồn ngân sách thì sẽ xảy ra nhiều hệ lụy mà trong đó có nợ công.