Muốn gia nhập CPTPP, Mỹ sẽ phải chấp thuận các tiêu chuẩn cao
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. |
Trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước thông tin Tổng thống Donald Trump xem xét kế hoạch đưa Mỹ quay trở lại Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là CPTPP là hiệp định thương mại mở, theo đó các nền kinh tế có thể tham gia CPTPP sau khi hiệp định đi vào triển khai trên cơ sở chấp thuận các tiêu chuẩn cao của hiệp định cũng như đạt được sự đồng thuận của các nước thành viên", bà Lê Thị Thu Hằng phát biểu ngày 19/4.
Ngày 13/4 vừa qua, theo New York Times, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ phát biểu rằng Mỹ đang xem xét tái gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP (nay đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP), một thỏa thuận mà ông Trump đã rút lui sau khi mới nhậm chức.
Ông Trump viết trên trang Twitter cá nhân của mình rằng ông sẽ xem xét tái gia nhập thỏa thuận CPTPP nếu nó “tốt hơn đáng kể” so với thỏa thuận mà cựu Tổng thống Barack Obama từng ký kết. “Chúng ta đã có nhiều thỏa thuận song phương với 6 trong số 11 quốc gia trong CPTPP và đang nỗ lực để đạt được một thỏa thuận với Nhật Bản, đất nước lớn nhất trong hiệp ước này”, ông viết.
Nếu Mỹ tái gia nhập CPTPP, nhiều doanh nghiệp của Mỹ có thể sẽ được lợi, và không chỉ có vậy, nó sẽ là công cụ để buộc Trung Quốc tiến hành những sự thay đổi về kinh tế mà Mỹ và nhiều nước khác mong muốn. Nhiều nhà kinh tế cho rằng cách tốt nhất để đối phó với một Trung Quốc đang phát triển với tốc độ nhanh chóng và gây sức ép để họ mở cửa thị trường của mình hơn nữa là những thỏa thuận đa phương như TPP, qua đó các thành viên đều bị ràng buộc bởi những điều kiện trong thỏa thuận.
Tuy nhiên việc tái gia nhập CPTPP sẽ là một nhiệm vụ rất phức tạp, khi các nước còn lại trong CPTPP, trong đó có Nhật Bản, đã đàm phán và nhất trí thỏa thuận đa phương mới mà không cần sự hiện diện của Mỹ. Bản thân ông Trump vẫn mong muốn những điều kiện có lợi cho Mỹ trước khi trở lại thỏa thuận này.