"Một nhiệm kỳ mà 2 lần làm nhân sự, tôi cho rằng rất tốt!"
Đổi mới giám sát, kiện toàn nhân sự
Đánh giá kỳ họp 11 Quốc hội khoá XIII là “kỳ họp có kết quả toàn diện về tất cả các mặt”, ĐBQH Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) bày tỏ, kỳ họp thứ 11 đã xây dựng được cơ bản các Luật, giải quyết được những vướng mắc từ thực tiễn, cũng như đáp ứng nhu cầu hội nhập. Luật lệ góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo động lực mới cho doanh nghiệp, đồng thời cũng tạo cơ sở để chúng ta hội nhập tốt hơn, hiệu quả hơn.
Về giám sát của Quốc hội, theo ĐBQH Cao Sĩ Kiêm, công tác giám sát lần này đều hơn, nội dung đổi mới hơn. Từ công tác giám sát của Quốc hội được tiến hành đồng đều, đến tham gia báo cáo của Chính phủ, chất vấn trên nghị trường, hay hoạt động giám sát chuyên đề của các Uỷ ban…. đều có sự đổi mới.
Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIII bế mạc sau 20 ngày nhóm họp. |
Dù là kỳ họp cuối của Quốc hội khoá XIII, nhưng dưới góc nhìn của mình, ĐBQH Lê Nam nhìn nhận, kỳ họp 11 các nội dung thảo luận về kinh tế xã hội, đặc biệt là tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước và các cơ quan tư pháp đã được chuẩn bị rất kỹ. Chủ tịch Quốc hội mới đã điều hành kỳ họp tròn vai, rất tốt. Các tiếng nói đóng góp, chất lượng của các phiên họp để đánh giá tổng kết của các nhiệm kỳ rất sôi nổi.
“Cử tri cũng rất hoan nghênh khi các ĐBQH nói những điều gan ruột, trọng đại của đất nước như về kinh tế, xây dựng nhà nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia, đấu tranh phòng, chống tham nhũng. ĐBQH đã nói được những tâm tư, bức xúc, mong đợi của cử tri gửi gắm cho nhiệm kỳ sau”- ông Lê Nam nói.
Ông Lê Nam đặc biệt nhấn mạnh về công tác kiện toàn nhân sự. Theo ông, nhiệm kỳ này đã hoàn thành được chương trình kiện toàn bộ máy nhà nước, mặc dù trước đó cũng có những băn khoăn nào đó. Nhưng khi thực hiện đúng chương trình, có kết quả tốt. Phần lớn nhân sự được Đảng giới thiệu đều được Quốc hội đồng tình, được đánh giá đồng thuận cao.
Cách làm nhân sự tại kỳ họp 11 được ông Cao Sĩ Kiêm nhìn nhận là “dân chủ hơn, thận trọng hơn, đảm bảo nghiêm minh luật pháp hơn”.
“Một nhiệm kỳ mà 2 lần làm nhân sự, tôi cho rằng rất tốt! Chỉ có một thời gian ngắn nên các nhân sự phải bảo đảm nhân lực, chí khí, sức phấn đấu của mình, phương pháp lãnh đạo của mình. Với bộ máy nhân sự lần này, yêu cầu cơ bản được đáp ứng, chất lượng nhân sự tốt, kế tiếp được Nghị quyết của Đại hội Đảng, nhân sự của Quốc hội lần này đã tạo nên được dấu ấn mới, cách làm mới, sẽ tạo cơ sở cho Quốc hội khoá XIV hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn”- ĐBQH Cao Sĩ Kiêm đánh giá.
Tuyên thệ và hành động
Một trong những dấu ấn của kỳ họp 11 Quốc hội khoá XIII được các ĐBQH ấn tượng, đó là lần đầu tiên các vị lãnh đạo cao nhất của Quốc hội, Nhà nước thực hiện nghi thức tuyên thệ.
Sau khi lắng nghe lời tuyên thệ của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án Toà án nhân dân tối cao trước Quốc hội, ĐBQH Dương Trung Quốc (tỉnh Đồng Nai) cho rằng, việc tuyên thệ đã được quy định trong Hiến pháp 2013. Nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện nghi thức này như việc làm thiêng liêng của người nhận trọng trách lớn trước nhân dân, đất nước.
Không chỉ có giá trị về mặt pháp lý, ĐBQH tỉnh Đồng Nai đồng thời là một nhà sử học nhấn mạnh tới giá trị văn hoá – tinh thần của lời tuyên thệ. Theo ông, lời tuyên thệ không phải nghi lễ mới mà đã có trong lịch sử.
Ông Quốc dẫn lại lịch sử, năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ mới thực hiện lời tuyên thệ: “Quyết tâm thực hiện nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc”.
Hay tại chùa Bà Đá ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội vẫn còn tấm ảnh chụp Bác Hồ và các đảng phái khác nhau đứng trước bàn thờ Phật tuyên thệ: “… Phấn đấu khó khăn nhưng làm còn khó khăn hơn. Dù có phải hy sinh tính mạng cũng không từ…”.
“Năm 2005 khi chất vấn ông Nguyễn Tấn Dũng, khi đó là Phó Thủ tướng Chính phủ, tôi có hỏi vì sao các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước không thực hiện lời tuyên thệ trước Quốc hội, trước nhân dân… Lúc đó, ông Dũng trả lời rằng, vì Hiến pháp lúc chưa có quy định nên hình thức tuyên thệ chưa được thực hiện. Nhưng rất mừng là Hiến pháp 2013 đã quy định điều này. Đây chính là trở về giá trị truyền thống” – ĐBQH Dương Trung Quốc bình luận.
Cũng bàn về lời tuyên thệ của các vị lãnh đạo, ĐBQH Cao Sĩ Kiêm cho rằng, với cách tuyên thệ như vậy đã tạo nên một sự hy vọng, tạo nên một niềm tin.
Tuy nhiên, việc tuyên thệ ấy, thực hiện lời hứa ấy, ông Kiêm cho rằng, phải cần có thời gian, có quá trình quá trình phấn đấu, thực hiện lời hứa, được kiểm nghiệm thực tế mới có thể trả lời được.
Ông Dương Trung Quốc thì nhấn mạnh: “Với người tuyên thệ thì lời thề là rất thiêng liêng, khiến họ phải nỗ lực, quyết tâm thực hiện. Người tuyên thệ phải có trách nhiệm thực hiện những gì mình hứa, nếu không họ sẽ mất uy tín”.