“Một cái nhấn nút có thể thay đổi cả miền Trung!"
Như tin đã đưa, sáng 25/9 tại Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trực tiếp chủ trì Diễn đàn Kinh tế miền Trung (CREF) năm 2017 (lần thứ 2) với chủ đề “Con đường phát triển kinh tế miền Trung bền vững” do Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với UBND TP Đà Nẵng, Ban điều phối Vùng duyên hải miền Trung (DHMT) và Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.
TS Võ Trí Thành thực hiện cuộc khảo sát nhanh ngay tại Diễn đàn CREF 2017 (Ảnh: HC) |
Phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành DHMT; các Bộ ngành Trung ương, các chuyên gia kinh tế trong nước, quốc tế và gần 400 lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp khu vực DHMT và cả nước tham dự CREF tập trung làm rõ 4 nội dung chính:
Nhận thức về kinh tế Vùng của từng địa phương như thế nào? Động lực liên kết của Vùng DHMT là gì? Thể chế về điều phối kinh tế là liên kết Vùng như thế nào? Cơ cấu kinh tế của Vùng ra sao để sự liên kết phát huy được hiệu quả cao nhất?
“Vùng miền Trung phát triển theo hiện đại, không gian đô thị gắn với biển, khu Chu Lai là hạt nhân của vùng, Quy Nhơn phải trở thành trung tâm du lịch thương mại. Vấn đề này chúng ta tiếp tục nhận thức như thế nào? Có vấn đề gì điều chỉnh không?” – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt vấn đề.
Để tìm lời câu trả lời cho Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương và Ban điều phối Vùng DHMT, chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành đã tiến hành cuộc khảo sát nhanh ngay tại hội trường bằng 3 câu hỏi. Mỗi đại biểu có 20 giây để bấm nút chọn phương án trả lời cho mỗi câu hỏi. “Thời gian rất ngắn, câu hỏi đơn giản, cách trả lời đơn giản, chỉ mất đúng 1 phút nhưng chỉ một cái nhấn nút của tất cả mọi người có thể thay đổi cả miền Trung!” – TS Võ Trí Thành nói.
Các đại biểu bấm nút lựa chọn phương án trả lời các câu hỏi (Ảnh: HC) |
Câu hỏi thứ nhất: “Trong các lĩnh vực sau của chiến lược kinh tế biển Việt Nam, theo đánh giá của các vị đại biểu, thành tố nào có thể tạo nên đột phá cho vùng DHMT?” gồm 3 phương án: 1/ Các khu kinh tế 2/ Du lịch 3/ Nuôi trồng, đánh bắt thủy sản 4/ Logistis 5/ Công nghiệp chế tạo, công nghệ cao. Kết quả có 61% chọn phương án 2 (du lịch), các phương án còn lại chỉ từ 7 – 15%.
“61% chọn du lịch. Không có gì bất ngờ cả. Có anh Dương (ông Trần Bá Dương, ông chủ của ô tô Trường Hải tại Khu kinh tế mở Chu Lai) là công nghiệp chế tạo, công nghệ cao ở đây không? Anh đừng buồn. Cái hay nhất là người ta không tin mình tồn tại, nhưng sau 5 năm anh lại làm ngược lại. Rất hy vọng sắp tới anh sẽ thay đổi kết quả này. Cũng qua đây cho thấy hình bóng của các khu kinh tế có vẻ chưa được chính quyền và các doanh nghiệp miền Trung tin tưởng lắm. Vì vậy rất mong chờ Luật về đặc khu kinh tế ra đời có thể thay đổi vấn đề này!” – TS Võ Trí Thành bình luận.
Câu hỏi thứ hai: “Sự liên kết vùng của các tỉnh DHMT hiện nay đang như thế nào?” có 4 phương án: 1/ Tốt 2/ Bình thường 3/ Kém và 4/ Chưa liên kết. Kết quả có 43% chọn phương án 4 (chưa liên kết), 35% chọn phương án 3 (kém), 20% chọn phương án 2 (bình thường) và chỉ có 1% chọn phương án 1 (tốt).
TS Võ Trí Thành nhận xét: “Tiếng nói của thị trường đã rõ. Thực chất chưa có liên kết gì cả. Kém và chưa liên kết chiếm đến gần 80%. Chưa biết câu trả lời này có hoàn toàn chính xác hay không nhưng cực kỳ ấn tượng và có ý nghĩa để lãnh đạo các tỉnh, thành trong khu vực suy nghĩ về nhận xét của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các nhà khoa học!”.
Có 42% đại biểu cho rằng rào cản lớn nhất đối với sự liên kết Vùng của các tỉnh DHMT là "thiếu hệ thống động lực chung" (Ảnh: HC) |
Câu hỏi thứ ba: “Điều gì là rào cản lớn nhất đối với sự liên kết vùng của các tỉnh DHMT?” cũng có 4 phương án: 1/ Xung đột giữa lợi ích địa phương 2/ Thiếu hệ thống động lực chung 3/ Thiếu thủ lĩnh 4/ Thiếu sự quan tâm, sát sao chỉ đạo của Trung ương. Kết quả có 42% chọn phương án 2; 26% chọn phương án 1, 20% chọn phương án 4 và chỉ có 12% chọn phương án 3.
“Như vậy đã rõ cái gì khiến cho 80% ý kiến đánh giá liên kết của Vùng DHMT là yếu, thực chất là chưa có? Đó là “thiếu hệ thống động lực chung”. Ngoài ngân sách thì tôi xin bổ sung thêm: Toàn bộ hệ thống thăng tiến, đánh giá cán bộ, lương bổng… đều không có một động lực Vùng nào hết. Ở Việt Nam chỉ có duy nhất 1 cơ chế động lực Vùng có hiệu lực, hiệu quả ít nhiều. Đó là Bộ Tư lệnh Quân khu. Có tướng, có nguồn lực, có cấp, có chức. Hệ thống động lực này không chỉ là ngân sách mà còn là hệ thống động lực cho cán bộ làm việc bên cạnh cái chia sẻ về lợi ích.
Đồng thời qua đây cũng cho thấy Vùng DHMT chưa có liên kết còn là do xung đột giữa lợi ích địa phương. Tuy nhiên, trung ương cũng phải nhìn nhận mình còn thiếu sự quan tâm, sâu sát chỉ đạo đối với Vùng DHMT. Trong khi đó, có vẻ như vấn đề “thiếu thủ lĩnh” không phải là cái quan trọng nhất đối với Vùng DHMT, mà quan trọng nhất vẫn là động lực. Mà đã là động lực thì chắc chắn một mình các tỉnh trong Vùng không thể làm nổi mà phải có sự quan tâm, sát sao chỉ đạo của trung ương!” – TS Võ Trí Thành đúc kết.