Mối quan hệ thú vị giữa các dòng họ Hàn Quốc-Việt Nam
Dưới đây là bài viết của ông đăng tải trên Korea Times:
Việt Nam là một đối tác quan trọng của Hàn Quốc. Với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và chất lượng lao động cao, Việt Nam đóng một vai trò quan trọng, là cầu nối thúc đẩy đối tác thương mại giữa Hàn Quốc với nhiều quốc gia châu Á khác.
Có rất nhiều điểm tương đồng giữa Hàn Quốc và Việt Nam trong lĩnh vực lịch sử, truyền thống, văn hóa, phong tục, cách sống và cách nghĩ. Ví dụ như, cả hai nước đều có ít nhiều ảnh hưởng từ văn hóa, tư tưởng của Nho giáo, Phật giáo… Những ảnh hưởng văn hóa tương đồng đã giúp hai nước duy trì quan hệ thường xuyên qua hàng thế kỷ.
Chương trình giới thiệu về các gia đình Việt-Hàn trên kênh KBS, Hàn Quốc. Nguồn: KBS |
Tôi đã tới Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế và nhiều nơi khác nữa. Tôi luôn thấy những chuyến đi của mình rất giá trị và thư giãn. Điều khiến tôi ấn tượng nhất trong chuyến đi gần đây tới Hà Nội là khi tới thăm Tượng đài Lý Thái Tổ (974-1028), người sáng lập và là vị vua đầu tiên của Triều đại nhà Lý ở Việt Nam (1009-1225).
Sự quan tâm của tôi dành cho Triều đại nhà Lý bắt nguồn từ con cháu đời thứ 6 của Lý Thái Tổ, là Lý Long Tường, sinh năm 1174. Khi nhà Lý thất thế năm 1226, Lý Long Tường đã di cư tới lãnh thổ của quốc gia Cao Ly, thuộc Hàn Quốc. Ông tới đây bằng thuyền và đã định cư thành công ở bán đảo Triều Tiên với sự chấp thuận của Vua Cao Ly lúc đó là Cao Tông. Hoàng tử Lý Long Tường đã lập nên dòng họ Lee ở Hwasan, quận Ongjin, tỉnh Hwanghae, phía Bắc Hàn Quốc.
Khi sống ở Hàn Quốc, ông đã cống hiến hết sức mình để bảo vệ những người dân ở quận Ongjin chống lại cướp biển. Khi binh lính Mông Cổ tấn công Cao Ly năm 1232 và 1253, ông đã liên minh với Vua Cao Ly để chiến đấu chống lại sự xâm lược của Mông Cổ. Khi chỉ huy quân Mông Cổ gửi một hộp quà hòa giải bằng vàng nhưng thực chất là định ám sát ông, Lý Long Tường đã phát hiện ra âm mưu này và ngay lập tức đổ lọ thuốc độc vào chiếc hộp và gửi lại cho người Mông Cổ.
Cuối cùng, quân Mông Cổ đã đầu hàng. Như một phần thưởng cho sự chiến thắng, Lý Long Tường được bổ nhiệm làm người đứng đầu Hwasan. Nhận được sự tôn trọng, tin tưởng và nhiều phúc lợi từ triều đình cũng như người dân, ông Lý sống yên ổn tại Cao Ly cho đến cuối đời.
Năm 1995, đại diện của gia đình dòng họ Hwasan Lee đã tới thăm Việt Nam. Họ muốn tìm lại xuất thân hoàng tộc của tổ tiên mình, đánh dấu chuyến thăm quê hương mang tính lịch sử và tái thiết lập mối quan hệ thân thiết giữa hai quốc gia. Họ được chào đón rất nồng nhiệt như là con cháu của Triều đại nhà Lý từ 800 năm trước.
Trước đó, người dân Việt Nam không hề biết đến sự tồn tại của con cháu họ Lý tại Hàn Quốc. Chuyến viếng thăm này đã đánh dấu một sự đột phá trong mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước kể từ sau khi chiến tranh kết thúc.
Từ thời trung cổ, mối quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc được duy trì bằng việc phái đoàn hai nước gặp gỡ ở Bắc Kinh và trao đổi thư tay. Bên cạnh đó, thỉnh thoảng cũng có những lần liên hệ gián tiếp giữa hai bên. Các tàu thuyền của Việt Nam gặp nạn do bão trôi dạt vào lãnh thổ Hàn Quốc cũng nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình. Ngược lại tàu thuyền của Hàn Quốc cũng có lần cập bến bờ biển Việt Nam.
Sẽ là thiếu xót nếu nhắc đến Việt Nam mà không nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bác Hồ rất yêu thích và luôn đánh giá cao “mokminshimseo” (lời răn dạy của chính quyền) của tác giả Chung Yak-yong (1762-1836, bút danh là Da-san), một trong những học giả nổi tiếng trong lịch sử Hàn Quốc.
Mặc dù 8 thế kỷ đã trôi qua kể từ khi Lý Long Tường tới Hàn Quốc, nhưng tinh thần trong Triều đại Cao Ly của ông vẫn còn vang dội trong xã hội đa văn hóa ngày nay của Hàn Quốc. Câu chuyện lịch sử đáng nhớ của hoàng tử Lý cần được lan truyền để thúc đẩy tốt hơn nữa mối quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Korea Times của Hàn Quốc. Korea Times chuyên có các bài viết chuyên sâu về các sự kiện trong quá khứ, hiện tại, cũng như về tương lai của Hàn Quốc.