Mỗi lần tinh giản biên chế, dường như bộ máy lại phình to!
Sáng nay (29/07), Thanh tra Chính phủ và Chương trình phát triển Liên hợp quốc tổ chức Hội thảo hoàn thiện và công bố báo cáo kết quả khảo sát, đánh giá về quy định và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, thu hồi tài sản tham nhũng theo yêu cầu của Liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng.
Toàn cảnh Hội thảohoàn thiện và công bố báo cáo kết quả khảo sát, đánh giá về quy định và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, thu hồi tài sản tham nhũng. |
Theo báo cáo kết quả khảo sát, việc tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức chưa thực sự khách quan dẫn đến chất lượng cán bộ thấp, trình độ một bộ phận không nhỏ yếu kém, vào công chức chủ yếu là do muốn có công việc ổn định, có những vị trí đem lại nhiều bổng lộc hoặc “chân ngoài dài hơn chân trong”… ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
Nhìn vào thực tế ai cũng biết điều này nhưng muốn giải quyết, tháo gỡ thì đòi hỏi phải dũng cảm, nhìn thẳng và sự thật, phải có quyết tâm cao mới thực hiện được. Mỗi lần thực hiện tinh giản biên chế thì dường như bộ máy lại phình to thêm. Theo số liệu của Bộ Nội vụ, qua 5 năm thực hiện Nghị định 132 của Chính phủ về tinh giản biên chế, đến cuối năm 2012, tổng số biên chế cán bộ công chức từ Trung ương đến cấp huyện tăng thêm 388-480 người và cán bộ công chức cấp xã tăng hơn 14.000 biên chế.
Điều đáng nói, những yếu tố ảnh hưởng đến việc tuyển dụng công chức, viên chức, kết quả khảo sát người dân cho thấy yếu tố năng lực người được tuyển dụng không được đề cao và không phải là yếu tố then chốt, quyết định trong việc được tuyển dụng.
Trong bảng hỏi khảo sát đưa ra các đáp án "không ảnh hưởng, ít ảnh hưởng, ảnh hưởng, rất ảnh hưởng" với các yếu tố tiêu cực để hỏi người dân. Đối với việc tặng quà, tác động của người có thẩm quyền, thân quen, kết quả lựa chọn nghiêng nhiều về ảnh hưởng, rất ảnh hưởng.
Chẳng hạn có tới 43,2% người cho rằng yếu tố người có thẩm quyền tác động có ảnh hưởng đến sự thành công trong việc tuyển dụng công chức viên chức.
Đối với yếu tố tặng quà, tiền và có người thân quen: chỉ có 7,7% cho rằng không ảnh hưởng, trong khi đó có tới 37% người được hỏi cho là "có ảnh hưởng" và có tỉ lệ gần tương đương như vậy cho rằng “rất ảnh hưởng”.
Báo cáo cũng cho biết, trong số các biện pháp phòng, ngừa tham nhũng, nhiều ý kiến đại biểu tại tọa đàm địa phương cho rằng việc chuyển đổi vị trí công tác hiện nay chưa thực sự hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng và đang ảnh hưởng đến hiệu quả công việc vì nhiều lĩnh vực, ngành đòi hỏi có chuyên môn và sự tích lũy kinh nghiệm trong thời gian dài. Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ cho người được chuyển vị trí công tác hiện nay như chế độ nhà công vụ, phương tiện đi lại cũng đang có nhiều bất cập.