“Mổ xẻ” sự thiệt thòi của giao thông đồng bằng sông Cửu Long
Do nguồn vốn hạn chế nên nhiều dự án giao thông trọng điểm nhằm kết nối nội bộ ĐBSCL và khu vực này với TP.HCM chưa được hoàn thiện. |
Ngày 18/6, tại TP.HCM đã diễn ra hội nghị đánh giá kết quả 2 năm thực hiện nghị quyết về Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Một trong 4 chuyên đề được thảo luận tại đây là “Giải pháp phát triển hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng, nhà ở”.
Thông tin trước hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng, theo quy hoạch, mạng lưới cao tốc, vành đai quốc lộ và các tuyến đường sắt, đường thủy tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần hoàn thành vào năm 2020.
Tuy nhiên thực tế cho thấy hiện một số tuyến đường mới được đầu tư giai đoạn 1, hoặc đang trong quá trình nghiên cứu, nên dù được cải thiện nhưng cơ sở hạ tầng ở đây thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.
Lấy ví dụ về kênh Chợ Gạo - tuyến giao thông thủy chính từ TP.HCM đi các tỉnh ĐBSCL- ông Hoan cho biết, chiều rộng tuyến kênh này chưa đảm bảo, hệ thống logistics cũng yếu kém trong khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa giữa hai nơi ngày càng tăng.
Còn các tuyến đường bộ cũng thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào dịp lễ, Tết. Những hạn chế này khiến chi phí vận tải hàng hóa tăng cao, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của khu vực ĐBSCL.
Theo nhận định của PGS Tống Trần Tùng - Phó Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam, vốn đầu tư cho khu vực này chưa tương xứng. PGS Tống Trần Tùng cho rằng, cần sớm xây cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi, hoàn thiện hệ thống quốc lộ ven biển và tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ.
Số liệu của Bộ GTVT cho thấy, tổng số vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL giai đoạn 2016-2020 là hơn 65.000 tỷ đồng (chiếm 15,5% cả nước – tăng so với mức 12,2% của giai đoạn 2011-2015).
Tuy nhiên do nguồn vốn hạn chế nên nhiều dự án giao thông trọng điểm nhằm kết nối nội bộ ĐBSCL và khu vực này với TP.HCM chưa được hoàn thiện. Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Văn Thể, đây là điểm nghẽn cho sự phát triển bền vững.
Nhận định về tổng vốn đầu tư cho khu vực này từ năm 2010 đến nay, ông Thể cho rằng con số này là thấp so với cả nước, dù khu vực này có dân số gần 20 triệu người.
Bộ trưởng Giao thông cũng phân tích, do nền đất yếu và khó khăn về vật liệu nên suất đầu tư tại ĐBSCL lớn. Dù vậy tới đây Chính phủ và các bộ ngành sẽ tiếp tục đầu tư, trong đó tập trung vào các tuyến cao tốc theo trục dọc (nối với TP.HCM).
Ngoài ra, Bộ GTVT sẽ tập trung hoàn thiện đường vành đai 3, 4 giúp kết nối TP.HCM với miền Đông, miền Tây, cùng các trục cao tốc ngang đồng bằng để kết nối các tuyến đường bộ với cảng biển, từ đó tạo ra động lực phát triển cho cả vùng.
Các đại biểu tham dự chuyên đề. |
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là một trong những đồng bằng màu mỡ trên thế giới với các điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng; thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nông nghiệp.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, khu vực có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân.
Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, trong đó việc phát triển các đập thủy điện cũng làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn sâu vào nội vùng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng.
Ngoài ra việc phát triển kinh tế với cường độ cao ở các địa phương trong vùng gây ra nhiều hệ lụy như ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, sụt lún đất, suy giảm mực nước ngầm, xâm thực bờ biển, diện tích rừng ngập mặn, rừng phòng hộ bị chặt phá, chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác hoặc bị suy thoái nặng nề cùng với việc khai thác bùn cát quá mức, xây dựng nhà cửa và hạ tầng sát bờ sông, kênh, rạch làm gia tăng nguy cơ sạt lở.