Miền Trung: Lũ lụt khiến 71 người chết, mất tích và bị thương
Miền Trung: Lũ lụt khiến 71 người chết, mất tích và bị thương
Đợt lũ lụt lớn đầu tháng 11 đã nhấn chìm nhiều địa phương ở miền Trung - Ảnh: HC |
Theo đó, do ảnh hưởng của nhiễu động đới gió đông trên cao kết hợp với rìa phía bắc rãnh áp thấp qua Nam Trung Bộ nối với áp thấp nhiệt đới, từ Quảng Bình đến Phú Yên đã có mưa vừa, mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa từ 19h tối 3/11 đến 19h tối 8/11 tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định phổ biến từ 250-550mm. Đặc biệt có một số nơi tổng lượng mưa trong thời gian này lên tới trên dưới 1.000mm như Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) 1.100mm, Thượng Nhật (TT-Huế) 968mm, Hòa Bắc (Đà Nẵng) 959mm...
Mưa lớn đã làm xuất hiện lũ trên hệ thống sông từ Quảng Bình đến Phú Yên. Đỉnh lũ trên các sông thuộc Quảng Bình, Quảng Trị ở mức báo động (BĐ) 1 đến BĐ2, riêng sông Gianh trên BĐ2. Đỉnh lũ các sông từ Quảng Ngãi đến Phú Yên như sông Trà Khúc, sông Trà Bồng, sông Kôn ở mức dưới BĐ3, sông Lại Giang, sông Kỳ Lộ thấp hơn BĐ2. Đặc biệt đỉnh lũ trên sông Hương (TT–Huế), sông Thu Bồn, sông Vu Gia (Quảng Nam), sông Vệ (Quảng Ngãi) đã vượt trên BĐ3.
Đợt mưa và lũ lớn này đã gây ngập lụt tại nhiều tỉnh, thành trong khu vực; trong đó các địa phương từ TT - Huế đến Quảng Nam bị ngập tương đối nặng. Tại TT-Huế có 36.060 nhà ở 6 huyện, thị, thành bị ngập. TP Đà Nẵng có 17.518 nhà ở 29 xã, phường của 5/7 huyện, thị bị ngập. Quảng Nam có 73.060 nhà bị ngập, tập trung tại các xã, phường thuộc 5 huyện thị nằm ven sông thuộc hạ lưu sông Vu Gia, Thu Bồn; trong đó có 55.700 nhà bị ngập sâu trên 0,5m. Bình Định có 131 nhà ở 3 huyện bị ngập...
Theo ông Lê Văn Khoa, Trưởng ca trực ban (Trung tâm PCLB miền Trung – Tây Nguyên), do đợt lũ này xảy ra sau khi đã thu hoạch xong lúa vụ hè thu nên thiệt hại về nông nghiệp không lớn, chủ yếu hư hại một số diện tích lúa gieo mới vụ thu đông và hoa màu. Tuy nhiên thiệt hại về cơ sở hạ tầng khá nặng, nhất là tình hình sạt lở đất, sạt lở bờ sông xảy ra tại hai tỉnh TT-Huế và Quảng Nam.
Các lực lượng chức năng khẩn trương di dời người dân ra khỏi vùng ngập lũ nặng Ảnh: HC |
Theo thống kê từ các địa phương, đã có 53 nhà ở TT–Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam bị đổ, trôi, hư hại; 2.910ha lúa và 1.671ha hoa màu bị ngập, đổ; 202.694m3 đất, đá, bê tông các công trình thủy lợi sạt, trôi, bồi lấp; 262 công trình thuỷ lợi bị hư hại; 2.603m đê kè bị hư hại và cuốn trôi; 50.810m kênh bị hư hỏng; 860.325m3 đất, đá, bê tông các công trình giao thông sạt, trôi, bồi lấp; 85.800m đường giao thông bị hư hại...
Đáng chú ý, trên sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu ở TT-Huế có nhiều vị trí sạt lở. Đặc biệt trên Hương đoạn qua thôn Long Hồ Thượng (xã Hương Hồ, huyện Hương Trà) chiều dài sạt lở 100m, sâu vào 10m, ảnh hưởng gần 100 hộ dân trong khu vực, trong đó có 5 hộ dân phải sơ tán khẩn cấp. Ngoài ra, 8 km bờ biển khu vực Hải Dương, Thuận An - Phú Thuận, Vinh An, Vinh Hải, Vinh Hiền cũng bị sạt lở nặng.
Tại Quảng Nam, sông Vu Gia và Thu Bồn có nhiều vị trí sạt lở, đặc biệt đoạn bờ sông Quảng Huế trên địa phận thôn Trường Yên - Thôn Tư (xã Đại An, huyện Đại Lộc) vốn đã bị sạt lở từ đợt lũ trước thì nay tiếp tục bị sạt lở ở mức độ đặc biệt nguy hiểm, uy hiếp trực tiếp 70 hộ dân với khoảng 300 người đang sinh sống tại địa phương.
Trung tâm PCLB miền Trung – Tây Nguyên cho hay, hiện mới có 3 địa phương là TT-Huế, Quảng Nam và Bình Định có báo cáo về giá trị thiệt hại vật chất lên đến 993,604 tỉ đồng (TT-Huế 721,604 tỉ; Quảng Nam 252 tỉ; Bình Định 20 tỉ). Nếu tính chung nhiều địa phương cũng bị thiệt hại không nhỏ như Đà Nẵng, Quảng Ngãi và các tỉnh còn lại thì con số thiệt hại chắc chắn không dưới mức 1.000 tỉ đồng.
Bộ đội Quân khu 5 giúp người dân miền Trng khắc phục hậu quả lũ lụt - Ảnh: HC |
Do đợt mưa lũ lớn này, từ ngày 5 đến 8/11, 4 tỉnh từ TT-Huế đến Quảng Ngãi đã tổ chức sơ tán, di dời 12.106 hộ với trên 40.000 người tại 13 huyện, thị có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, trũng thấp bị ngập sâu đến nơi an toàn. Trong đó, TT-Huế sơ tán 1.548 hộ/5.251 nhân khẩu tại 4 huyện, thị; Đà Nẵng sơ tán 4.140 hộ tại 02 quận, huyện; Quảng Nam sơ tán 6.400 hộ/25.000 khẩu tại 6 huyện, thị; Quảng Ngãi sơ tán 18 hộ tại 01 huyện.
Mặc dù vậy, đợt mưa lũ cũng đã gây nhiều thiệt hại về người. Theo số liệu thống kê cuối cùng, tổng cộng đã có 71 người chết, mất tích và bị thương do mưa lũ. Trong đó có 20 người chết (TT-Huế 1, Đà Nẵng 3, Quảng Nam 13, Quảng Ngãi 1, Bình Định 1, Đắk Lắk 1), 4 người mất tích (Quảng Nam) và 47 người bị thương (TT-Huế 1, Đà Nẵng 1, Quảng Nam 45).
Trong thời gian xảy ra mưa lũ, các địa phương đã chuẩn bị đủ cơ số yêu cầu về luơng thực, nhu yếu phẩm (mì ăn liền, gạo, nước uống, xăng, dầu) để sẵn sàng cung ứng khi có nhu cầu. Ngay sau lũ, lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền và Ban chỉ huy PCLB – Tìm kiếm cứu nạn cùng các sở, ban, ngành của các địa phương đã tổ chức thăm hỏi và hỗ trợ gia đình có người bị chết, mất tích. Đồng thời trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của mưa lũ, đặc biệt là khắc phục những thiệt hại về giao thông và vệ sinh môi trường.
HẢI CHÂU