Metro Bến Thành – Suối Tiên không thể đạt tiến độ vào năm 2020
Tiến độ thi công metro số 1 rất chậm và ngày càng đi xuống. Ảnh minh họa. |
Được biết, đây là buổi làm việc của Đoàn ĐBQH TP.HCM với các sở ngành và đơn vị liên quan trước khi ra họp Quốc hội vào đầu tuần sau.
Báo cáo về dự án metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), Phó ban quản lý Đường sắt TP.HCM Hoàng Như Cương cho biết, trong năm 2018 đã đăng ký vốn cho tuyến metro số 1 là 5.000 tỷ đồng, nhưng do chưa được điều chỉnh phê duyệt nên thành phố đã phải tạm ứng khoảng 1.000 tỷ đồng.
Về khối lượng công việc, theo ông Cương, các nhà thầu đã hoàn thành khối lượng tương đương 2.000 tỷ nhưng mới chỉ thanh toán được 220 tỷ. Nguyên nhân là do những trục trặc về một số thủ tục pháp lý, trong đó có việc tổng mức đầu tư chưa được Quốc hội thông qua.
“Với đà này không thể đạt tiến độ vào năm 2020. Nếu đi ngoài đường thì thấy tiến độ công trình rất chậm và càng ngày càng đi xuống. Điều này rất nguy hiểm vì chỉ cần một nhà thầu bỏ cuộc thì mình rất tốn kém thời gian đấu thầu lại. Chuyện này đã kéo dài hơn 1 năm rồi, mong Quốc hội cho nghị quyết cho phép thực hiện tuyến metro số 1” – ông Cương cho hay.
Với tuyến số 2 (Bến Thành – Tham Lương) thành phố cũng đang gặp khó khăn. Tuyến này được điều chỉnh tăng vốn nên phải xin ý kiến Quốc hội, nhưng hiện Quốc hội chưa phê duyệt nên các công việc phải tạm ngưng hết, chưa có hoạt động nào ở công trường.
Thông tin thêm về tuyến số 1, ông Vũ Hoài Nam – Giám đốc Kho bạc nhà nước cho biết, dự án này còn được bố trí 1.000 tỷ, nhưng hiện “phải để đó, không dùng được” vì đây là tiền dành mua thiết bị. “Theo luật quy định, thành phố không thể chuyển sang thanh toán cho các hạng mục khác” – ông Nam cho hay.
Như Infonet đã thông tin, về vướng mắc này, thành phố đã có nhiều báo cáo gửi các bộ ngành liên quan để “trần tình”. Vào đầu năm 2018, thành phố tiếp tục báo cáo Chính phủ lý do tuyến metro tăng vốn từ 17.388 tỷ lên 47.325 tỷ.
Tại thời điểm thành phố phê duyệt, dự án thuộc diện phải trình Quốc hội quyết định. Tuy nhiên, khi đó dự án tiếp tục được Thủ tướng cho phép thực hiện vì có tiêu chí “công trình trọng điểm quốc gia” mặc dù Quốc hội chưa duyệt tăng vốn. Từ đó đến nay thành phố đã phải ứng tiền nhiều lần cho dự án này.
Trong một lần trả lời báo chí, Trưởng ban quản lý Lê Nguyễn Minh Quang cho biết, đường sắt đô thị là dự án hoàn toàn mới, trong khi đơn vị tư vấn trong nước tại thời điểm đó chưa có kinh nghiệm nên đưa ra mức đầu tư ban đầu là hơn 17.000 tỷ đồng. Tuy nhiên năm 2008, Nhật Bản đã hỗ trợ chọn được đơn vị tư vấn chuyên ngành, có kinh nghiệm để tính toán, từ đó đưa ra mức đầu tư sát với thực tế.