Metro Bến Thành – Suối Tiên: Đổi kiểu dáng dầm làm tăng thêm 1.420 tỷ đồng
Bên trong nhà ga ngầm của tuyến metro số 1. |
Vì sao chọn nhà thầu Pháp?
Về việc phê duyệt công ty Bachy Soletanche (Pháp - nơi ông Quang từng làm Tổng giám đốc) là đơn vị thi công gói thầu tường vây, ông Quang cho biết, ban đầu Ban quản lý đã phê duyệt một nhà thầu của Nhật.
Tuy nhiên sau đó nhà thầu này đã từ chối vì không đủ thiết bị, do vậy phía nhà thầu chính của Nhật yêu cầu đổi đơn vị khác. Cuối cùng trong ba nhà thầu, phía Nhật đã chọn Bachy Soletanche vì có giá tốt nhất.
Sau khi đánh giá đầy đủ, Ban quản lý quyết định phê duyệt. Ông Quang khẳng định, việc này tốt cho thành phố và trên thực tế Bachy Soletanche đã bàn giao phần móng sớm gần 3 tháng, đồng thời không để xảy ra sự cố khi thi công.
Trả lời câu hỏi về sai sót hàng ngàn tỷ đồng theo kết luận của Kiểm toán nhà nước, ông Quang cho biết, Kiểm toán nhà nước kiểm tra toàn bộ dự án kể từ lúc bắt đầu hình thành vào năm 2007 đến ngày 30/9/2018 vừa qua.
Do vậy ông khẳng định sẽ chịu trách nhiệm với những vấn đề phát sinh kể từ ngày 27/6/2016 (ngày ông được bổ nhiệm chức Trưởng ban) trở về sau này. Còn thời gian trước đó thuộc về trách nhiệm của những người nhiệm kỳ trước.
Đề cập đến vấn đề nhiều cán bộ, nhân viên của Ban quản lý xin thôi việc, ông Lê Nguyễn Minh Quang cho biết có nhiều nguyên nhân. Theo ông việc tạm ứng từ ngân sách thành phố gặp khó khăn đã ảnh hưởng đến việc trả lương, tiến độ thi công, khiến các thành viên nảy sinh tâm lý bất an.
Một kết cấu thép trong nhà ga ngầm. |
Hàng loạt sai sót
Theo báo cáo của Kiểm toán nhà nước, dự án metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật của hệ thống đường sắt Châu Á – STRASYA vào thiết kế, tuy nhiên quá trình áp dụng còn một số chỉ tiêu không tuân thủ đúng theo chỉ dẫn: Dùng loại ray UIC 54 thay cho loại ray 50 kgN (50,47 kg/m); tải trọng trục 16 tấn/trục thay cho 14 tấn/trục…
Đồng thời quyết định điều chỉnh kiểu dáng dầm từ SuperT sang dầm chữ U đã làm thay đổi kích thước nhịp từ 33m xuống 30m, làm phát sinh 54 trụ cầu. Điều này cũng khiến giá trị công trình tăng “bất hợp lý” lên 1.420 tỷ, vì vậy không đảm bảo tính kinh tế và chưa phù hợp nguyên tắc.
Khi đệ trình xin điều chỉnh kiểu dáng dầm với UBND TP, Ban quản lý đã trình nội dung không đầy đủ, không hợp lý về kỹ thuật. Nội dung công văn chỉ nói về ưu điểm của dầm chữ U (giảm chiều cao, tiếng ồn, tăng tính thẩm mỹ…) mà không báo cáo về chi phí tăng lên của việc thay đổi kết cấu, bỏ qua ý kiến góp ý của Cục đường sắt.
Thiết kế cơ sở của tuyến cũng chưa thể hiện kết nối giữa tuyến số 1 với các tuyến đường sắt số 2, 3A và 4, chưa thể hiện được cao độ giao cắt giữa tuyến số 1 với tuyến số 3A và tuyến số 4, chưa có thiết kế chờ để kết nối với tuyến số 2, 3A và 4 trong tương lai.
Về quy mô đầu tư, ban đầu nhà ga Bến Thành có quy mô 2 tầng, diện tích sàn 12.720m2. Tuy nhiên sau đó hạng mục này đã được điều chỉnh lên 4 tầng với diện tích sàn hơn 30.000m2 và tích hợp thêm chức năng trung tâm thương mại.
Kiểm toán nhà nước cho rằng TP.HCM phê duyệt điều chỉnh dự án là chưa đúng giá trị, bởi dự án điều chỉnh có tổng mức đầu tư là 47.325 tỷ đồng, do đó đã trở thành dự án trọng điểm quốc gia nên phải trình Quốc hội xem xét.
Ngoài ra TP.HCM phê duyệt điều chỉnh thời gian hoàn thành từ năm 2017 sang năm 2019 là không tuân thủ trình tự, vì với dự án quan trọng quốc gia thì khi kéo dài hơn 1 năm Chính phủ phải báo cáo Quốc hội quyết định.
Đặc biệt, Ban quản lý (Phó trưởng ban Hoàng Như Cương) phê duyệt điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư và quy mô của dự án quan trọng quốc gia là trái thẩm quyền.