Máu và nước mắt như thế là quá đủ

Chúng ta đã có quá nhiều mất mát bởi chiến tranh. Chúng ta đã có đủ Trường Sơn, đủ Vị Xuyên, đủ những người mãi mãi 18 đôi mươi... Máu và nước mắt như thế là quá đủ. Thế giới đã thay đổi rất nhiều. Giờ đây người ta tự hào vì tri thức, vì sự phát triển, vì độc lập, vì tự do...

Chú H.

Chú H., mắt vằn tia đỏ, trợn trừng, gào lên: “Máu... máu... bắn... bắn...” rồi bất ngờ chú quỳ phủ phục xuống, khóc rưng rức. Một lát, chú ngồi thần ra, nhìn xa vô định, vô hồn.

Chú H., người đàn ông tầm thước, chắc nịch, hiền lành, chăm chỉ hạt bột, làm hậu cần, bạn đồng ngũ của bố tôi trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Năm nào cũng vậy, gần Tết là tôi lại đưa bố sang thăm chú. Cứ gần Tết là chú hay lên những cơn động kinh.

Tháng 10 năm 1978, khi tôi được 1 tháng trong bụng mẹ, bố tôi đã được gọi thẳng từ trường Đại học Y Thái Nguyên sang thao trường tại Học viên quân y Hà Đông, và sau đó đeo balo lên biên giới. Ở đó, ông gặp những bạn bè đồng ngũ như chú H.

Ông và đồng đội đi suốt 10 năm của cuộc chiến tàn khốc này và không phải ai cũng về. Chiến tranh đã qua rất lâu, cả bố tôi, chú H. và những đồng đội khác đã phục viên hết cả. Ai còn đều đã lên ông bà. Và vẫn họp đồng đội đôi tháng một lần.

Những lần nói chuyện sau này, khi qua đận Tết, chú H. kể cho tôi nghe những lần tiếp vận cho đồng đội ở tiền phương Vị Xuyên, Yên Minh, Đồng Văn... vào đến trận địa mà nhìn đạn pháo bắn núi đen thành bột đá trắng xóa, tìm không thấy bóng đồng đội. Vác gùi, gương lá cờ hồng thập tự đi nhặt xác đồng đội chỉ là những mảnh thịt lẫn trong bột đá. Phía bên kia, cũng những người lính gương cờ hồng thập tự len lỏi trong bãi bột đạn. Hễ gần đến ngày 17/2, những ký ức đau đớn lại ùa về, đầu chú ong ong tiếng đạn cối nổ.

Đứa bé sinh năm 79

Tôi sinh giữa năm 79, khi viên đạn đầu tiên rời nòng súng, tôi còn đỏ hỏn. Mẹ tôi kể cảnh khổ sở ôm tôi sơ tán từ Hà Giang về Tuyên Quang. Bà nói năm ấy Hà Giang chỉ đì đùng tiếng súng tí chút, không có pháo lớn. Cuối năm 79 cả nhà đã về lại thị xã.

Nhưng ký ức sót lại của tuổi thơ tôi thì không lạ gì chiến tranh. Bài hát “tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới” ngày nào cũng nghe sáng chiều trên cái loa đầu phố. Cảnh bắt trói những tên thám báo vài tuần lại thấy. Khi tôi vào tiểu học, có lần thậm chí cây bàng gần trường còn trúng đạn pháo, chẻ toác đôi. Cô giáo chúng tôi dạy cách chạy trốn xuống hầm nằm chính giữa sân trường, khi nghe tiếng pháo rền ra sao. Thi thoảng tiếng đạn pháo trong đêm nghe từng tràng như sấm. Ngày ngày, những chiếc xe bọc thép, xe GAZ 66 kéo pháo và lớp lớp thanh niên lún phún râu măng rầm rập hành quân qua cửa nhà tôi. Rất ít người về.

Khi bé hơn, chưa vào tiểu học, tôi theo mẹ đến cơ quan, vốn là bệnh viện thị xã, thời đó đã thành bệnh viện dã chiến, vì rằng mọi nhà trẻ lúc đó hoạt động phập phù. Tôi đã thấy những khúc tay, khúc chân cắt rời nằm đầy trong chậu y tế giữa hành lang lạnh ngắt, u ám, từ những người thanh niên hơn tôi chỉ quá 1 giáp, hôm qua còn cười đùa qua ngõ nhà tôi. Tôi đã nghe tiếng gào của anh thương binh khi phẫu thuật thiếu thuốc mê. Tôi đã thấy hàng thương binh ngồi yên lặng dưới nắng, dọc hai gốc cây hoa chi lăng trong sân bệnh viện. Tôi cũng đã thấy những chiếc GAZ 66 chở những chàng trai 18, nằm ngang không nói cười, đi về phía Vị Xuyên.

Sau này, khi bố tôi đã phục viên vài năm, tôi có lần hỏi, tại sao lại phải cứu 1 thương binh đã cụt cả 2 tay, 2 chân và mù 2 mắt, để chú ấy sống chả phải ác với chú ấy ư? Bố tôi trầm ngâm 1 lúc, và nói: Mẹ chú đấy vẫn cần chú đấy, con ạ.

Thù hằn phía sau

Một lần ngồi với bố tôi, tôi hỏi bố có còn thù hận những kẻ đã bắn gục đồng đội bố không? Bố tôi lắc đầu, nhẹ nhàng rằng con có nghĩ những người lính phía bên kia cũng nói chuyện với con cái họ như mình không? Bố cầm súng vì mẹ và các con, vì sinh tồn, vì sự vẹn toàn. Nhưng bố tin, nhân dân ở đâu, quốc gia nào, dân tộc nào, chế độ nào, cũng khao khát hòa bình và phát triển. Quên thì khó, nhưng thù hận thì không. Bố nghĩ cựu binh Trung Quốc cũng như bố thôi. Chính phủ Trung Quốc có thể còn tham vọng lớn, nhưng mong muốn của bố, của con, của người dân Trung Quốc thì như nhau con ạ. Và nhân dân mới là người quyết định.

Mệnh lệnh của thời đại

Những đứa trẻ như tôi lớn lên trong suốt thời kỳ đất nước thay đổi chóng mặt, hòa nhập với thế giới, chữa lành dần các vết sẹo chiến tranh, co gọn các vết thương còn rỉ máu. Đây đó, vẫn còn những phần lãnh thổ nằm trong tay kẻ khác. Đó đây, vẫn những mâu thuẫn có thể thành ngòi nổ chiến tranh. Nhưng hòa bình và phát triển là điều mà tuyệt đại đa số nhân dân hướng đến.

Chúng ta đã có quá nhiều mất mát bởi chiến tranh. Chúng ta đã có đủ Trường Sơn, đủ Vị Xuyên, đủ những người mãi mãi 18 đôi mươi. Những người đáng lẽ ra ngồi trong giảng đường, xây những cao ốc, lái những chiếc máy bay hiện đại... thậm chí là nằm dài lười biếng bên bãi biển Nha Trang, Phú Quốc... Máu và nước mắt như thế là quá đủ. Thế giới đã thay đổi rất nhiều. Giờ đây người ta tự hào vì tri thức, vì sự phát triển, vì độc lập, vì tự do...

Làm sao chúng ta có thể chỉ tự hào mãi vì những vinh quang quá khứ, dù chúng chói lọi như nào, nếu đất nước chúng ta không hòa bình, không giàu mạnh, phồn vinh? Niềm tự hào ấy, thuộc về những người đã nằm xuống, về chú H. và bố tôi, thuộc về những người đã đi xây nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Thế hệ sinh sau cuộc chiến như chúng tôi sẽ không thể mãi mãi “ăn theo” niềm tự hào ấy được. Thế hệ chúng tôi, nếu không cùng nhau đưa được đất nước đến bến bờ hòa bình, giàu có và hùng cường, thì không chỉ có lỗi với người đã nằm xuống, mà còn sẽ bị trách móc bởi hậu thế.

Làm sao chúng ta có thể thu hồi những phần lãnh thổ đã mất, nếu chúng ta nhược tiểu và nghèo nàn? Làm sao chúng ta có thể có hòa bình, nếu chúng ta yếu đuối? Ai sẽ coi trọng chúng ta, nếu chúng ta mãi thất học, nghèo đói, ưa bạo lực?

Đúng, chúng ta vẫn đang mua sắm vũ khí, vẫn đang xây dựng một quân đội hùng cường. Nhưng như Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng từng chia sẻ: “Chúng ta mua vũ khí hiện đại để không bao giờ phải bắn”. Một quân đội hùng cường nhất, sẽ là quân đội đảm bảo cho quốc gia không bao giờ phải bước vào một cuộc chiến sinh tồn nữa. Quân đội hùng cường nhất, sẽ là quân đội đảm bảo cho đất nước phát triển phồn vinh.

Tôi, một đứa trẻ sinh ra dưới tiếng súng, hoàn toàn tin tưởng chúng tôi có thể giải quyết mọi vấn đề của thế giới một cách hòa bình, và qua hợp tác với nhau. Tôi cũng tin người Trung Quốc, người Mỹ ... và mọi dân tộc khác đều nghĩ vậy.

Các đứa con tôi sẽ không phải thấy những điều tôi đã thấy. Chúng sẽ bắt tay với những người bạn nhỏ bên kia biên giới đến thăm những mảnh đất thấm máu của cha ông chúng. Để chúng cùng nhau xây các đền thờ nằm giữa các khu du lịch, để bắc những nhịp cầu, chứ không phải nòng súng, giữa những lân bang.

Xuân Đôn

Xây dựng con người và công nghệ hướng tới một Việt Nam bao trùm số

Nhằm tạo cầu nối giữa những người sáng tạo công nghệ và các nhóm yếu thế, “Sáng kiến công nghệ bao trùm” giúp họ hòa nhập và phát triển, từ đó thúc đẩy xã hội công bằng và bền vững.

Đề xuất miễn visa cho khách thị trường trọng điểm

Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất miễn thị thực nhập cảnh đối với khách ở các thị trường trọng điểm như châu Âu, Bắc Mỹ, Australia.

Khách nhiễm Covid-19 cố tình giấu bệnh lên máy bay có thể bị cấm bay vĩnh viễn

Trước khi lên máy bay khách có xét nghiệm xác nhận bị nhiễm Covid-19 nhưng không khai báo trung thực có thể bị Vietnam Airlines cấm bay vĩnh viễn trên các chuyến bay của hãng.

VOV bổ nhiệm Phó giám đốc đài truyền hình kỹ thuật số VTC

Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đã quyết định bổ nhiệm ông Lương Minh Đức giữ chức Phó GĐ Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, đồng thời tái bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Bình tiếp tục giữ chức Phó GĐ Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ làm trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội

Sáng 18/ 2, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội tổ chức họp đoàn kiện toàn chức danh Trưởng đoàn.

Bộ TT&TT điều động và bổ nhiệm 13 cán bộ lãnh đạo chủ chốt

Nhận định lần trao các quyết định giao nhiệm vụ quy mô lớn này là một sự kiện lịch sử của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, với vị trí, nhiệm vụ mới, 13 cán bộ lãnh đạo các đơn vị sẽ có năng lượng mới để đóng góp tốt hơn cho Bộ, đất nước.

Tọa đàm Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng CSVN với sự nghiệp văn hóa-VHNT VN

Buổi tọa đàm với diễn giả là GS. Phong Lê - Nguyên Viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, diễn ra lúc 9h00 ngày 03/02/2020 tại Tầng 1 Tòa nhà chính Thư viện Quốc gia Việt Nam, 31 Tràng Thi, Hà Nội.

Đắk Lắk: Bệnh nhân bị đồn nhiễm virus corona là một tiếp viên hàng không

Liên quan đến thông tin trên mạng xã hội cho là "có người nhiễm corona tại Đắk Lắk", sáng 28/1, lãnh đạo BVĐK vùng Tây Nguyên cho biết, có một bệnh nhân bị sốt đang được điều trị tuy nhiên chưa thể kết luận có nhiễm virus corona hay không.

Đà Nẵng: Xuân 2020 hướng tới 22 dự án với tổng vốn đầu tư 1,7 tỉ USD

Các cơ quan hữu quan của Đà Nẵng đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục đầu tư đối với các dự án đang xúc tiến để tại “Tọa đàm Mùa xuân 2020” có thể hướng tới 22 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn khoảng 1,715 tỉ USD

Tân Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn

Sáng nay 20/1, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý trao quyết định của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung bổ nhiệm Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Hà Nội cho ông Nguyễn Hồng Sơn.

Đang cập nhật dữ liệu !