Mặt trận Tổ quốc có quyền chủ động giám sát, phản biện xã hội
Sáng nay (21/5), Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Luật Mặt trận Tổ quốc. Đây là dự án luật đã được trình từ kỳ họp Quốc hội trước.
Trong thời gian hơn 1 giờ, đã có khoảng 10 ý kiến của đại biểu quốc hội, đa số các đại biểu tham gia bàn luận xung quanh quy định về vai trò giám sát, phản biện xã hội. Đa số các ý kiến đều mong muốn nâng cao vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc.
Đại biểu Trần Khắc Tâm (Đoàn Đại biểu Quốc hội Sóc Trăng) |
Trong đó, đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) đã nêu rõ vai trò và sự chủ động của Mặt trận Tổ quốc trong việc giám sát, phản biện với chính sách, đường lối của Đảng bằng lý thuyết và thực tiễn lịch sử.
ĐBQH Trần Khắc Tâm nhấn mạnh: “Cần quy định Mặt trận tổ quốc có quyền giám sát, phản biện chính sách của Đảng. Đảng ta là Đảng cầm quyền. Theo điều 4 Hiến pháp, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Mỗi một chủ trương có tác động sâu rộng đến đời sống xã hội, quần chúng nhân dân. Không chỉ liên quan đến lợi ích của nhân dân, liên quan đến sự tồn vong của Đảng... Tôi thấm thía, hiểu rằng, khi nào Đảng gần dân nhất, lắng nghe dân nhất, khi đó Đảng vững vàng nhất.”
Từ lý luận và thực tiễn, đại biểu Tâm khẳng định giao cho Mặt trận quyền giám sát, phản biện chính sách của Đảng đúng đắn hơn, sát với thực tế hơn, được sự ủng hộ của nhân dân hơn.
Bên cạnh đó Đại biểu Trần Khắc Tâm cũng đề xuất ghi nhận vai trò vị trí của Ban công tác mặt trận tại các thôn, làng, bản, buôn, sóc, tổ dân phố, các cụm dân cư khác. Theo đại biểu Tâm đây chính là lực lượng quan trọng, “vác tù và hàng tổng” trong công tác ổn định xã hội dân cư.