Mang thai hộ không quản lý chặt sẽ trở thành đẻ thuê
Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội. (Ảnh: XH) |
Ông Đào Trong Thi cho rằng: Chúng tôi ủng hộ chủ trương này vì nó mang tính nhân đạo, đồng thời cũng không chấp nhận thương mại hóa. Còn việc đưa ra quy định chi tiết để thể hiện điều đó, thì với dự thảo như hiện nay cũng còn nhiều ý kiến băn khoăn, chưa đáp ứng được.
Làm sao tinh thần nhân đạo ấy phải được bảo dảm chắc chắn bằng pháp luật, các quyền lợi nghĩa vụ của hai bên tham gia vào quá trình đó phải được xác định rõ ràng, có thể là người ta ngại làm chữ hợp đồng nhưng mà sự cam kết rất quan trọng, mang tính chất pháp lý để nó ràng buộc, giải quyết những vấn đề có thể phát sinh sau khi đã thực hiện và trong khi thực hiện. Chủ trương là đúng cần ủng hộ nhưng cũng cần quy định chặt chẽ.
Thưa ông, rất nhiều đại biểu băn khoăn khái niệm mang thai hộ, nhất là trong tình hình có những biến tướng phức tạp vừa qua?
Mô tả mang thai hộ không khó, là việc một người mang thai nhưng trứng và tinh trùng của người khác – người nhờ. Về kỹ thuật rất rõ nhưng giải quyết làm sao để nó thể hiện được hai điều: thứ nhất là sự nhân văn; thứ hai đảm bảo không bị lợi dụng để thương mại hóa. Tức là khía cạnh xã hội mới khó chứ kỹ thuật thì đơn giản.
Nhưng thực tế có người sẽ lợi dụng quy định này để hợp thức hóa các quan hệ ngoài hôn nhân, sẽ để lại hậu quả về sau như đứa trẻ và người mang thai có thể nhận mẹ con hay không, và nó sẽ đe dọa quan hệ hôn nhân?
Đấy chính là cái khi quy định phải đảm bảo để thực hiện đúng trong thực tế và không bị lợi dụng. Cho nên luật phải quy định và để quy định thì chúng ta phải suy nghĩ. Dự thảo hiện nay cố gắng nhưng chưa đạt mong muốn.
Nhưng mang thai hộ dễ thương mại hóa trở thành đẻ thuê nếu quản lý không tốt?
Người ta mang thai hộ thì anh có nghĩa vụ, anh phải tạp điều kiện cho người ta làm việc đó. Nhưng làm sao để nó không biến thành thương mại thì phải làm rõ cái ý đó ra.
Ông có nói rằng cần có cam kết trong việc mang thai hộ, cụ thể là như thế nào?
Nên có hợp đồng vì cần ràng buộc về trách nhiệm, nếu cẩn thận hơn phải có cam kết cũng được. Như vậy nó mới có cơ sở pháp lý để mà làm căn cứ thực hiện đúng, không thể lảng tránh điều này, làm gì có chuyện nói với nhau là hộ thôi, kể cả anh chị em ruột, bố con còn kiện nhau ra tòa cơ mà.
Thế giới quy định về việc mang thai hộ như thế nào, thưa ông?
Tôi không nghiên cứu sâu về cái này nhưng tôi thấy nhiều nước người ta đã công nhận và có kinh nghiệm việc này. Mình nên tiếp thu những gì phù hợp tập quán của mình nhưng điều đó không có nghĩa mình không học tập được gì. Người ta đi trước sẽ có kinh nghiệm, mình nên căn cứ vào đó để học theo cho hợp lý chứ tự mình nghĩ ra những điều mà mình chưa có kinh nghiệm, chưa trải nghiệm thì chắc chắn sẽ không đáp ứng được, tôi nghĩ là mình nên đi theo cách đó.
Lần này nhiều đại biểu có bàn về hôn nhân đồng giới nhưng chúng ta vẫn chưa quy định về cho phép chuyển giới vậy những trường hợp người ta tự chuyển giới và kết hôn thì sao?
Đồng giới tức là chưa có sự lẫn lộn về giới tính, tôi cho dự thảo xử lý như vậy là hợp lý. Có nghĩa là mình không cấm, thực chất là mình cũng muốn đi đến chỗ công nhận nhưng mà cũng cần có thời gian, phải giải quyết được phong tục tập quán, dư luận cũng chưa đồng tình cho nên phải theo con đường này. Hầu như tất cả các nước đều đã công nhận hôn nhân đồng giới đều đi bằng hai bước: bước một không cấm và bước hai công nhận nó.
Sau khi chuyển giới thì anh đã có giới tính rồi và anh cũng có thể kết hôn với người đồng giới đã chuyển sang giới tính mới. Tuy nhiên chuyện chuyển giới cũng phải được công nhận. Chúng ta đang đi các bước như vậy.
Xin cảm ơn ông!