Lý giải nguyên nhân Agribank “thua” ngân hàng Phương Nam khi đòi lại 23 sổ đỏ
Chiều ngày 5/11 HĐXX sơ thẩm TAND TP.HCM đã tuyên án vụ thất thoát 969 tỷ đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chi nhánh 6 (Agribank CN6).
Trong bản án thẩm phán Vũ Phi Long đã nêu những lập luận bác bỏ yêu cầu của Agribank về việc đòi nhận lại các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại số 10 Âu Cơ (quận Tân Phú) và 23 mảnh đất tại huyện Bình Chánh.
Bị cáo Dương Thanh Cường - người được coi là chủ mưu trong vụ án. |
Theo đó đối với khu đất số 10 Âu Cơ, HĐXX cho rằng vào thời điểm Cường mang tới cầm cố tại Agribank CN6 thì tài sản này đang bị cấm cầm cố, thế chấp vì còn mang tên công ty Dệt kim Đông Phương.
Tuy nhiên khi Cường mang sang ngân hàng Phương Nam thì tài sản đã được sang tên cho công ty Đông Phương Phát (công ty liên doanh được lập bởi công ty Dệt kim Đông Phương, công ty Bình Phát (của Cường) và công ty TNHH BĐS Phương Nam), có công chứng và đăng ký thế chấp hợp pháp.
Mặt khác, hiện nay ngân hàng Phương Nam đã tất toán các hợp đồng tín dụng có liên quan và đã trả quyền tài sản số 10 Âu Cơ cho công ty Đông Phương Phát do vậy không có cơ sở để thu hồi trả lại cho Agribank CN6.
Đối với 23 giấy chứng nhận khi đưa vào Agribank CN6 thế chấp để bảo đảm cho khoản vay của công ty Thanh Phát (công ty của Cường) HĐXX cũng cho rằng là không hợp pháp vì không qua công chứng, không đăng ký giao dịch bảo đảm.
Ngoài ra khi đó các sổ này vẫn còn mang tên người sở hữu đất cũ, không có mối liên quan nào đến việc bảo đảm thế chấp của bên thứ 3, không có dấu hiệu nào chứng minh số giấy tờ này còn là bản chính khi đưa vào Agribank CN6.
Không những vậy hiện nay hồ sơ của Agribank CN6 chỉ còn là những bản sao, do vậy HĐXX kết luận, việc để thất thoát tài liệu có liên quan đến việc định đoạt tài sản là lỗi của Agribank CN6.
Về phía ngân hàng Phương Nam, HĐXX nhận định rằng khi nhận thế chấp 23 giấy chứng nhận nói trên ngân hàng này không biết được tài sản này đã thế chấp tại Agribank CN6 để vay tiền.
Trong khi đó khi nhận thế chấp 23 giấy chứng nhận, ngân hàng Phương Nam đã gửi công văn đến UBND xã Phong Phú (huyện Bình Chánh) thông báo về việc thế chấp tài sản và đề nghị nơi này phong tỏa tài sản thế chấp và đã được xác nhận phong tỏa.
Theo HĐXX mặc dù việc nhờ địa phương phong tỏa không có giá trị pháp lý khi tranh chấp, vì cả Agribank CN6 và ngân hàng Phương Nam đều không đăng ký hợp đồng giao dịch bảo đảm, nhưng ít nhất hoạt động này cũng là biện pháp cần thiết để ngân hàng Phương Nam thể hiện quyền quản lý của mình đối với thực địa 23 giấy chứng nhận.
Còn bởi lẽ các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chứng thư hành chính, chỉ chứng minh quyền sở hữu chứ không bao giờ được coi là tài sản hoặc giấy tờ có giá khác. Cho đến khi vụ án Dương Thanh Cường được khởi tố thì ngân hàng Phương Nam vẫn đang là tổ chức tín dụng đang quản lý bản chính của 23 giấy chứng nhận này.
Từ đó HĐXX quyết định hủy bỏ kê biên và trả 23 giấy chứng nhận này cho ngân hàng Phương Nam để tiếp tục thực hiện các hợp đồng tín dụng của mình. Tuy vậy HĐXX cũng cho biết những sai phạm của ngân hàng Phương Nam đã được cơ quan điều tra tách ra để tiếp tục làm rõ.
HĐXX cũng cho rằng trong phạm vi xét xử vụ án này HĐXX không hạn chế Agribank CN6 có quyền khởi kiện theo trình tự tố tụng dân sự để giải quyết tranh chấp quyền sở hữu 23 giấy chứng nhận nói trên nếu có nhu cầu.
Về hợp đồng chuyển nhượng 38ha đất trong khu công nghiệp Long An, HĐXX cho rằng đây là quan hệ dân sự không liên quan đến vụ án, do vậy Cường có thể khởi kiện công ty Long "V" để bảo đảm quyền lợi cho mình, và nếu còn tài sản thì cũng là bảo đảm cho việc thi hành án sau này của bị cáo đối với Agribank CN6.
"Lẽ ra các bị cáo là cán bộ, nhân viên Agribank CN6 phải bị liên đới bồi thường trách nhiệm cho Agribank. Tuy nhiên HĐXX xét thấy đã xác định Cường là người cầm đầu, chủ mưu chiếm hưởng toàn bộ số tiền chiếm đoạt và là người trực tiếp gây thiệt hại cho Agribank CN6 do vậy Cường phải chịu trách nhiệm bồi thường tất cả thiệt hại với số tiền 1.127 tỷ đồng" - HĐXX.
Theo cáo trạng Cường đã lập ra hai công ty Tấn Phát và Thanh Phát rồi thuê người làm giám đốc. Sau đó Cường đã chỉ đạo giám đốc của hai công ty này lập hồ sơ vay tiền của Agribank CN6 với tài sản thế chấp là khu đất số 10 Âu Cơ (công ty Tấn Phát) và 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (công ty Thanh Phát) lầ lượt 170 và 700 tỷ đồng. Sau khi vay được tiền Cường lại chỉ đạo các giám đốc này mượn lại những giấy tờ trên để mang tới thế chấp vay tiền tại ngân hàng Phương Nam.