Lùi thời gian cho ý kiến về Luật Đất đai (sửa đổi)
Lùi thời gian cho ý kiến về Luật Đất đai (sửa đổi)
>>UBTVQH băn khoăn trước việc phân bổ vốn còn dàn trải
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp. |
Bổ sung 5.500 tỷ cho dự án thủy lợi
Theo báo cáo của Chính phủ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 473 ngày 27-3-2012 của UBTVQH về trái phiếu Chính phủ, đề nghị bổ sung 5 dự án so với Nghị quyết đã nêu, gồm dự án cầu Năm Căn (tỉnh Cà Mau, thuộc dự án đường Hồ Chí Minh); dự án cầu Kim Xuyên (Tuyên Quang); dự án nhà ở sinh viên (của trường ĐH Trà Vinh), dự án bệnh viện ung thư (TP Đà Nẵng) và cụm 5 dự án thành phần thuộc dự án đường ven biển tỉnh Ninh Thuận. Đồng thời, điều chỉnh tăng quy mô 4 dự án do Bộ Giao thông Vận tải quản lý.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng đã báo cáo UBTVQH về phương án bổ sung 5.500 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ cho một số dự án thuộc lĩnh vực thủy lợi.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách (UB TCNS) của Quốc hội về vấn đề này nêu rõ,việc bổ sung các dự án mới và cấp bổ sung vốn trái phiếu cần phải trình QH xem xét, quyết định. Đa số ý kiến trong UB TCNS nhất trí việc bổ sung các dự án mới như Tờ trình của Chính phủ, song với các dự án điều chỉnh tăng quy mô do Bộ Giao thông Vận tải quản lý cần được rà soát, xem xét lại tính hợp lý.
Thảo luận về vấn đề này, Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện không bằng lòng với việc “Nghị quyết 12/2011 của QH vừa thông qua mấy tháng, trong đó đã nêu rõ là “không bổ sung mới danh mục dự án, công trình sử dụng vốn TPCP giai đoạn 2011 – 2015”; nay lại đề nghị sửa đổi, bổ sung. Chính phủ phải trả lời cho QH câu hỏi tại sao phải sửa đổi NQ của QH, chứ nói là “các công trình này rất cần thiết, quan trọng” thì chưa thuyết phục”.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, 4/5 dự án được đề nghị cấp bổ sung vốn TPCP đều đã được QH quyết định chủ trương thực hiện dự án; chỉ có cụm 5 dự án thành phần thuộc dự án đường ven biển tỉnh Ninh Thuận là chưa. Tuy nhiên, đây là những dự án thực sự cần thiết trong việc triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ủng hộ việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện các dự án thủy lợi, nhưng nhấn mạnh: “Phải tập trung giải quyết công trình nào xong ngay công trình đó, chứ cứ “rắc” vốn ra nhiều nơi thì các công trình đều dang dở không thể đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả”.
Cân đối ngân sách địa phương
Theo Báo cáo của Chính phủ, tổng nguồn vượt thu và dư dự toán chi ngân sách trung ương (NSTW) năm 2011 là 59.042 tỷ đồng. Chính phủ trình UBTVQH phương án phân bổ sử dụng nguồn dư dự toán chi cho 2 nội dung: bổ sung cấp bù chênh lệch lãi suất năm 2011 cho Ngân hàng Phát triển VN và Ngân hàng Chính sách xã hội; bổ sung kinh phí mua bù lương thực dự trữ quốc gia đã xuất cứu trợ, viện trợ trong năm 2010 và 2011. Đối với nguồn vượt thu, dự kiến sử dụng cho 8 nội dung. Trong đó, phần lớn nhất (80,3%) để giảm bội chi ngân sách nhà nước (NSNN); tăng chi trả nợ và chuyển nguồn để đảm bảo cân đối NSNN năm 2012.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng, Luật NSNN không quy định việc bù giảm thu cân đối ngân sách địa phương (NSĐP), nhưng đây là sự hỗ trợ cần thiết cho các địa phương để có nguồn đảm bảo các nhiệm vụ đã bố trí trong dự toán chi cân đối NSĐP, nhất là các nhiệm vụ chi đảm bảo an sinh xã hội và đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở trên địa bàn. Một số năm gần đây Chính phủ đã trình và được UBTVQH đồng ý cho xử lý bù giảm thu cân đối NSĐP. Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã giải trình rõ những nguyên nhân khách quan dẫn đến giảm thu cân đối NSĐP của từng tỉnh thành có trong danh sách.
Ở nội dung “hỗ trợ các địa phương trọng điểm”, Hà Nội và TPHCM được hỗ trợ trở lại theo cơ chế đặc thù mỗi thành phố 800 tỷ đồng.
Cũng theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết: TPHCM kết quả thu không đạt dự toán giao nhưng xét TP có đóng góp nguồn thu lớn, nhu cầu chi hàng năm cao, dự kiến hỗ trợ 800 tỷ đồng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn, nhất là dự án Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố.
Một số ý kiến trong UBTVQH đề nghị dành thêm tới 700 tỷ đồng để xây dựng nhà ở cho người có công có khó khăn về nhà ở, đưa tổng số tiền này lên tới 1.000 tỷ đồng, thay vì 300 tỷ đồng như đề nghị của Chính phủ.
Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, việc bố trí thêm kinh phí để xây dựng nhà ở cho người có công có khó khăn về nhà ở là cần thiết, nhưng cần xem xét trong mối tương quan với nhiều nhiệm vụ khác, đồng thời đảm bảo công bằng xã hội. Con số hợp lý, theo ông, là dành khoảng 750 tỷ đồng (thêm 450 tỷ đồng).
Bổ sung Luật Việc làm vào chương trình xây dựng luật 2012
Tại phiên họp chiều 4/5, UB Pháp luật QH đề nghị cho bổ sung 03 dự án luật, điều chỉnh tiến độ 04 dự án luật khác trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012. Ba dự án luật được đề nghị bổ sung gồm dự án Luật Việc làm, dự án Luật Khoa học và Công nghệ, dự án Luật Biển Việt Nam. “Dự án Luật Biển Việt Nam thuộc chương trình thông qua tại kỳ họp thứ 2, nhưng do còn nhiều vấn đề phức tạp, cần thêm thời gian nghiên cứu nên chưa được trình QH thông qua. Đến nay dự án cơ bản đã được chuẩn bị xong, đủ điều kiện trình QH xem xét nên đề nghị bổ sung vào Chương trình để QH xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 3”, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm UB Pháp luật QH giải thích thêm.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế được đề nghị lùi thời gian cho ý kiến sang kỳ họp thứ 3 và thông qua tại kỳ họp thứ 4 của QH. Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được đề nghị lùi thời gian cho ý kiến sang kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 của QH. Dự án Luật Đô thị và dự án Luật Quy hoạch được đề nghị rút ra khỏi Chương trình năm 2012.
Xuân Hải