Lùi cho ý kiến về Luật Biểu tình
Sáng 21/5, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đã trình Quốc hội dự kiến điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, năm 2015 và chương trình năm 2016.
Theo đó, dự án Luật Biểu tình được đề nghị lùi thời gian trình từ chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 sang chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII và thông qua tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV.
Bên cạnh Luật Biểu tình, sẽ chuyển dự án Luật khí tượng thủy văn từ chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 lên chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đã trình Quốc hội dự kiến điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, năm 2015 và chương trình năm 2016 |
Đồng thời, Chính phủ cũng đề nghị bổ sung 9 dự án vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015. Nhưng, chỉ có hai dự án luật được đề nghị bổ sung là Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 10 và Luật Dược (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 và thông qua tại kỳ họp thứ 11.
Về chương trình của 2016, do thời gian của các kỳ họp Quốc hội không dài, một số kỳ họp tập trung vào công tác xây dựng pháp luật (kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV), nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 phải quán triệt theo 5 ưu tiên.
Thứ nhất, ưu tiên đưa vào chương trình năm 2016 các dự án nhằm tiếp tục thể chế hóa kịp thời các văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị.
Thứ 2, ưu tiên đưa vào chương trình năm 2016 các dự án tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp, trong đó tiếp tục khẩn trương sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các dự án về kinh tế, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân;
Thứ 3, ưu tiên đưa vào chương trình năm 2016 những dự án còn lại thuộc chương trình nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII mà thấy cần thiết phải ban hành và đã được chuẩn bị kỹ.
Thứ 4, chỉ đưa vào chương trình năm 2016 những dự án có thuyết minh rõ ràng về sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các nội dung cơ bản; kiên quyết không đưa vào Chương trình những dự án chưa đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định;
Cuối cùng, việc đưa các dự án vào Chương trình năm 2016 phải tính đến đặc thù của năm 2016, quỹ thời gian, khả năng thực tế của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và thời gian Quốc hội xem xét, thông qua; tránh dồn quá nhiều dự án vào một cơ quan nhằm bảo đảm chất lượng và tiến độ chuẩn bị, thẩm tra, chỉnh lý dự án; bảo đảm có sự chuyển tiếp giữa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và khóa XIV, sự kết nối giữa Chương trình năm 2016 và Chương trình năm 2017.
Trên cơ sở những ưu tiên trên, dự kiến tại kỳ họp thứ 11 (dự kiến tháng 3/2016) sẽ trình Quốc hội thông qua 6 dự án, trong đó có Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí (sửa đổi)…
Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIV dự kiến tháng 7/2016 chỉ có 3 dự án luật được trình cho ý kiến, gồm Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thủy sản,Luật Du lịch (sửa đổi).
Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV dự kiến diễn ra vào tháng 10 /2016, Quốc hội khóa mới sẽ thông qua dự án Luật Biểu tình cho ý kiến 15 dự án khác. Trong đó có Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).