Luật Thống kê (sửa đổi): Đừng để biết số liệu sai vẫn dùng
Mục đích của hoạt động thống kê Nhà nước nhằm cung cấp thông tin thống kê đáp ứng yêu cầu đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, xây dựng kế hoạch, chính sách, quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội; Đáp ứng yêu cầu kiểm tra, giám sát việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; Đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin thống kê của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Góp ý về dự thảo Luật này, đại biểu Hoàng Thị Tố Nga (Đoàn Nam Định) bày tỏ quan điểm, nhiều khi có thống kê của các bộ ngành gửi sang nên chỉ tổng hợp lại, trường hợp xảy ra lỗi của cơ quan thống kê Trung ương thì cơ quan tổ chức khác có quyền phản biện với số liệu thống kê của cơ quan Nhà nước.
Đại biểu cho rằng, hoạt động thống kê ngoài Nhà nước về giá trị của thông tin phục vụ cho mục đích sau khi được chấp thuận của cơ quan thống kê Trung ương cũng phải có giá trị như thống kê Nhà nước. Vì hiện có nhiều tổ chức thống kê nước ngoài rất uy tín nhằm bổ trợ thêm cho thống kê Nhà nước.
Vấn đề thống kê luôn cần sự chính xác |
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng, số liệu thống kê phải minh bạch cho nên phải đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân. Người dân phải được quyền sử dụng thông tin thống kê của Nhà nước sau khi thông tin đã được công bố.
Ông Lợi đặt vấn đề: "Số liệu thống kê cơ quan Trung ương có hoàn toàn chính xác, không cần đánh giá thẩm định không?". Qua đó ông Lợi chỉ ra những số liệu thống kê của Nhà nước còn khiến dư luận băn khoăn như: GDP hàng năm; tỷ lệ thất nghiệp; số liệu doanh nghiệp; số lao động qua đào tạo... Nhiều khi biết không chính xác nhưng vẫn phải dùng vì số liệu thống kê là căn cứ pháp lý.
Chính vì thế theo ông Lợi cần có hội đồng thống kê quốc gia về thống kê trong đó tập hợp nhiều nhà khoa học. Đó cũng là điều nhiều nước trên thế giới đã làm vì đến nay 91 nước đã có tuân theo quy chuẩn thống kê của Liên hợp quốc.
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, thông tin thống kê Nhà nước có 4 cấp, vì thế cần quy rõ trách nhiệm của từng cấp để rõ trách nhiệm, tránh tình trạng bất cập chênh lệch số liệu thống kê. "Nhiều khi vì mục đích quyền lợi để kêu gọi đầu tư lại đưa ra số liệu khác, nhất là xảy ra ở cấp tỉnh, huyện. Vậy làm sao để đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong số liệu thống kê Nhà nước" - ông Sơn bày tỏ.
Theo ông Sơn, ngoài cơ quan thống kê Trung ương thì các cơ quan thống kê địa phương cũng phải chịu trách nhiệm để phát huy tốt, có hiệu quả việc sử dụng thông tin và cung cấp thông tin.
Đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (Đoàn Bạc Liêu) đưa ra quan điểm cần cấm hành vi ép buộc làm sai lệch thông tin thống kê quốc gia, bởi thực tế nhiều khi vì thành tích nên có việc làm sai lệch thông tin thống kê. Cần quy định rõ cơ quan thống kê ngoài Nhà nước.
Nhiều đại biểu khác cũng thảo luận về việc công tác thống kê cần có sự chính xác, vấn đề quyền cung cấp thông tin thống kê, các vấn đề thống kê ngoài Nhà nước…./.