Luật cần cụ thể để trị kẻ ấu dâm
Pháp Luật TP.HCM ngày 8-6 có bài “Bị phạt vì sờ ngực bé gái 14 tuổi” và bài “Sờ vào ngực bé gái vẫn chưa bị tội dâm ô”, phản ánh BLHS 1999 chưa cụ thể thế nào là hành vi dâm ô trẻ em và thực tiễn xét xử tội danh này cũng gặp khó khăn vì chưa có hướng dẫn chi tiết, dễ nhầm lẫn… Đúng là có thực tế ấy nhưng đến BLHS 2015 thiếu sót này cũng chưa được khắc phục.
Trong cấu thành cơ bản của các tội hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em, cưỡng dâm trẻ em, giao cấu với trẻ em, dâm ô người chưa đủ 16 tuổi (từ Điều 141 đến 146); ngoài hành vi giao cấu với nạn nhân, BLHS 2015 bổ sung thêm cụm từ “hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác”. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy ban soạn thảo BLHS 2015 giải thích vì sao phải bổ sung cụm từ “thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác”.
Theo tôi, BLHS 2015 bổ sung hành vi “hoặc có hành vi quan hệ tình dục khác” mà không hướng dẫn cụ thể sẽ dễ dẫn đến tùy tiện trong áp dụng.
Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi tại Điều 146 BLHS 2015 chưa giải quyết được vướng mắc hạn chế của Điều 116 BLHS 1999. Thực tiễn việc thi hành BLHS 1999 đến nay chưa có hướng dẫn của TAND Tối cao về hành vi dâm ô trẻ em, dẫn đến khó khăn trong việc phòng, chống loại tội phạm này đang có chiều hướng gia tăng. Điều 146 BLHS 2015 chưa khắc phục mà còn bổ sung tình tiết “hoặc không nhằm thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác”, gây khó hiểu trong việc áp dụng.
Trước đây đại biểu Quốc hội đã từng có ý kiến đề nghị BLHS 2015 cần quy định dấu hiệu cụ thể của hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Nhưng sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Việc quy định cụ thể hành vi dâm ô trong BLHS sẽ không phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc, đặc biệt là khi tuyên truyền rộng rãi BLHS. Vì vậy, xin Quốc hội cho giữ như quy định của BLHS 2015 và trong trường hợp cần thiết thì Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao sẽ hướng dẫn cụ thể.
Tôi cho rằng ban hành các đạo luật, đặc biệt là BLHS thì cần phải quy định cụ thể, minh bạch theo tinh thần Hiến pháp 2013. Việc ban hành luật và việc tuyên truyền sau khi luật có hiệu lực là hai vấn đề khác nhau. Không thể lấy lý do tuyên truyền để ban hành những quy định chung chung, gây khó khăn trong công tác thực thi pháp luật. Nó cũng tránh việc phải có nhiều văn bản hướng dẫn khác nhau đối với một điều luật.
Do đó, nếu dự thảo BLHS được thông qua thì cơ quan có thẩm quyền phải kịp thời ra các văn bản giải thích, hướng dẫn ít nhất là với các tội xâm phạm tình dục trẻ em.
Theo Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa/PLO