Lồng ghép câu chuyện dũng cảm của anh Mạnh "siêu nhân” trong tiết học kỹ năng sống
Ngày đầu tiên trở lại trường sau thời gian dài nghỉ học, nhiều trường tại Hà Nội đã cho học sinh tham gia tiết học kỹ năng sống với mục đích trang bị cho các em khả năng ứng phó linh hoạt trong các tình huống.
Những ngày qua, cả nước đã biết tới hành động nhanh trí và dũng cảm cứu người của anh Nguyễn Ngọc Mạnh không ngại nguy hiểm chạy lên mái tôn với hi vọng đỡ được em bé rơi từ tầng 12 của chung cư và thật may mắn đến nay sức khỏe của em bé đã ổn định.
Câu chuyện này đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Hành động của anh Mạnh còn là lời khẳng định chắc chắn về những điều tốt đẹp, những “siêu anh hùng” vẫn luôn tồn tại xung quanh chúng ta.
Và niềm cảm hứng sống đẹp từ hành động của “người anh hùng giữa đời thực” Nguyễn Ngọc Mạnh nhanh chóng được các giáo viên trên địa bàn Hà Nội đưa vào tiết học kỹ năng sống cho học sinh trong những ngày đầu tiên đi học lại sau kỳ nghỉ dài, nhằm giúp các em có khả năng làm chủ bản thân, khả năng ứng xử, ứng phó phù hợp, tích cực trước các tình huống xảy ra trong cuộc sống.
Câu chuyện của anh Nguyễn Ngọc Mạnh cứu người được lồng ghép trong tiết học kỹ năng sống. |
Theo cô Lê Thị Loan – Phó trưởng khoa Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) thì các cơ sở giáo dục có thể lồng ghép câu chuyện dũng cảm cứu người của anh Nguyễn Ngọc Mạnh vào trong các tiết học về kỹ năng sống, kỹ năng an toàn cho học sinh.
“Tôi tin những tiết học kỹ năng sống đầy tính thời sự dựa trên những hành động tử tế ngoài đời thực đã giúp các em học sinh biết nâng niu và lan tỏa những nét đẹp của cuộc đời.
Dựa vào câu chuyện có thật như trong cổ tích ấy các em có thể nói ra suy nghĩ, cảm nhận của mình trong những bài văn nghị luận xã hội để vừa lan tỏa được câu chuyện đẹp đời thường lại vừa tạo sự hấp dẫn cho học sinh”, cô Loan cho hay.
Trên nền câu chuyện và đoạn video clip ghi lại khoảnh khắc dũng cảm của anh Nguyễn Ngọc Mạnh, tiết học kỹ năng của các em học sinh tại trường Newton được chia thành nhiều nhóm nhỏ để cùng thảo luận và tự đúc kết cho mình những thông điệp nhân văn cùng những bài học về kỹ năng quan trọng.
Những kỹ năng sinh tồn trong điều kiện sống hàng ngày của mỗi người đã được các em đưa ra và trở thành lưu ý cần thiết đối với tất cả mọi người như: không bám, dựa sát các lan can tầng cao; tuyệt đối không đặt ghế, bàn cạnh lan can đề phòng trẻ nhỏ leo trèo; nên lắp bổ sung các rào chắn cao cho các khu vực ban công, cửa kính nhà cao tầng...
Cô Hoàng Thị Mận – Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học – THCS – THPT Newton chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn mỗi học sinh ngoài việc học tốt về các môn văn hóa còn luôn đẹp về tâm hồn. Cảm ơn anh Nguyễn Ngọc Mạnh vì một hành động đẹp và cảm ơn các em học sinh Newton đã lan tỏa và nâng niu vẻ đẹp đó để nhân lên gấp bội phần giá trị của vẻ đẹp”.
Còn cô Văn Quỳnh Giao - Phó Hiệu trưởng THCS- THPT Lương Thế Vinh thì cho rằng đó là câu chuyện về lòng dũng cảm, về việc nuôi dưỡng bản chất thiện lương trong mỗi người từ những việc làm nhỏ nhất.
Cô Giao cho rằng những điều đó cần được nhân rộng hơn trong xã hội hiện nay bằng cách nhà trường lồng ghép câu chuyện vào những tiết học đạo đức, ngoại khóa.
Người bố trẻ cứu cháu bé rơi từ tầng 12A: Lòng tốt vượt trên tất cả!
Sẽ chẳng có một bài học đạo đức về lòng tốt, sự dũng cảm nào thuyết phục hơn câu chuyện anh Nguyễn Ngọc Mạnh leo tường cao hơn 2m rồi tìm đến điểm đỡ, cứu sống cô bé 3 tuổi rơi từ tầng 12 xuống.
Hoàng Thanh