Lên "phây" nói phét kiếm tiền
Lẽ thường, mất những tài sản có giá trị thì ai cũng tiếc và mong muốn tìm lại. Nắm được tâm lý này nên Hồng Quang P. lên mạng xã hội tìm thông tin về những người đăng thông báo mất tài sản, sau đó dựng kịch để chiếm đoạt tiền. Tuy nhiên, do trình độ "diễn xuất" chưa đạt nên P. nhanh chóng bị chính bị hại vạch mặt và trình báo CAQ Hải Châu.
Cuối tháng 8-2015, anh T.V.N (1989, trú đường Núi Thành, Đà Nẵng) chẳng may bị mất chiếc ĐTDĐ hiệu Iphone 6 mới mua nên tiếc nuối và lên mạng xã hội đăng thông tin với mong muốn ai biết được thông tin về máy hoặc "lỡ" cầm nhầm thì cho chuộc lại. Vài ngày sau, anh N. nhận được tin nhắn của một người lạ với nội dung: "Tôi có thể tìm lại chiếc điện thoại của anh với giá 800 ngàn đồng".
Mừng như "chết đuối vớ được cọc", anh N. vui vẻ nhắn tin trả lời và hỏi làm thế nào để có thể biết được chiếc điện thoại đang ở đâu thì người kia mới nhắn tin trả lời rằng anh ta có phần mềm định vị, có thể xác định được vị trí chiếc máy của anh N. mất và đi tìm về. Người lạ mặt cũng không quên "ra giá" cho anh N. phải "cọc" trước 300 ngàn đồng nếu muốn tìm được máy.
Để tạo niềm tin, người lạ kia còn khẳng định: "Nếu anh đưa tiền buổi sáng thì đến buổi chiều cùng ngày là có kết quả". Dù hơi thắc mắc vì trên mỗi chiếc máy Iphone 6 đều có hệ thống định vị iCloud, GPS tự động và anh N. cũng cài chức năng này nhưng từ ngày mất điện thoại đến nay đã làm nhiều cách nhưng chưa thể tìm lại, nay có người có phần mềm định vị hiện đại hơn nên anh quyết định "thử một phen" xem có kết quả không.
Sáng 3-9, theo hẹn với người lạ mặt, anh N. mang theo 300 ngàn đồng đến điểm hẹn để "đặt cọc" cho việc tìm lại chiếc Iphone nhưng không quên trình báo cho CAQ Hải Châu về sự việc lạ này. Khi gặp mặt và đưa tiền, anh N. thắc mắc, đưa ra vài câu hỏi mang tính chất "nghiệp vụ" thì người lạ kia tỏ ra bí và nhanh chóng lộ rõ bản chất lừa đảo của mình.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Lúc này, tổ công tác của Đội CSĐTTP về TTXH CAQ Hải Châu cũng có mặt kịp thời, mời cả hai về trụ sở để làm rõ sự việc. Qua đó, người thanh niên lạ mặt khai tên là Hồng Quang P. (1997, trú P. Mỹ An, Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng). Theo khai nhận của P., do không nghề nghiệp và cần tiền chi tiêu nên nảy sinh ý định lên mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau một thời gian "lang thang" trên mạng, P. đọc được dòng tin của anh N. nên lập kế hoạch để lừa đảo. Để anh N. tin tưởng, P. đưa ra nhiều lý lẽ thuyết phục và chỉ nhận trước một ít tiền coi như "đặt cọc". Tuy nhiên, màn kịch của P. quá tồi nên anh N. đã nhanh chóng nhận ra.
Câu chuyện tuy đơn giản nhưng cũng là bài học cho nhiều người trong thời đại công nghệ số hiện nay, vì "nhẹ dạ cả tin" mà để các đối tượng xấu lợi dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo N.A.T/Báo Công an Đà Nẵng